Từ vụ tử vong khi chạy marathon, làm gì để chạy an toàn?
Theo chuyên gia, chạy bộ mang lại lợi ích to lớn nhưng đòi hỏi sự tôn trọng giới hạn của cơ thể. Mỗi người cần xây dựng kế hoạch tập luyện cá nhân, được huấn luyện cơ bản trước chạy, kết hợp theo dõi sức khỏe định kỳ...
Nhiều nguyên nhân tiềm ẩn
Ngày 6/4, quá trình tham gia giải chạy VnExpress Marathon Huế 2025, chị N.T.P. (trú TP Huế) bất tỉnh tại giữa cầu Trường Tiền.
Thời điểm này, chị P. tím tái tay, chân, kiểm tra không thấy thở, không có mạch quay, mạch cảnh không bắt được. Sau khi có mặt, xác nhận bệnh nhân ngưng tuần hoàn, hô hấp nên tổ cấp cứu nhanh chóng tiến hành ép tim, kết hợp nâng cằm bóp bóng, rồi đưa lên xe cấp cứu, vận chuyển đến Bệnh viện Trung ương Huế.

Người phụ nữ ngã quỵ trên cầu Trường Tiền khi tham gia giải chạy.
Quá trình vận chuyển, chị P. liên tục được bóp bóng có oxy, kết hợp ép tim liên tục, ghi nhận ép tim có mạch, nhưng vẫn hôn mê tím tái. Chị P. vẫn ngưng tuần hoàn hô hấp, được đưa nhanh vào cấp cứu tiếp tại Bệnh viện Trung ương Huế, tử vong lúc 1h15 ngày 7/4.
Trao đổi với PV Báo Sức khỏe & Đời sống, PGS.TS Hoàng Anh Tiến, Phó Chủ tịch Phân hội Suy tim Việt Nam, Trưởng khoa Nội Tim mạch (Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế) cho biết, những tai biến như ngất xỉu, đột quỵ hay ngưng tim trong khi chạy bộ hoặc thi đấu marathon có thể đến từ nhiều nguyên nhân.
Trong đó, có thể kể đến các bệnh tim mạch tiềm ẩn không được phát hiện như cơ tim phì đại, rối loạn nhịp tim bẩm sinh, hẹp van động mạch chủ, hoặc bệnh mạch vành. Hoặc có thể là rối loạn điện giải, mất nước do mất mồ hôi quá mức và không bù đủ nước và muối khoáng.
Tăng thân nhiệt, nhất là khi chạy trong điều kiện thời tiết nóng, độ ẩm cao. Gắng sức quá mức khả năng cá nhân, đặc biệt với người chưa có nền tảng thể lực hoặc tập luyện không bài bản. Sử dụng chất kích thích, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc cũng là yếu tố nguy cơ.
Ngoài ra có thể do tâm lý chủ quan xuất phát từ áp lực thành tích, bỏ qua dấu hiệu cảnh báo của cơ thể (đau ngực, khó thở) để cố gắng hoàn thành đường chạy.
PGS.TS Hoàng Anh Tiến cho hay, để tránh ngưng tim, đột quỵ khi chạy bộ cần khởi động kỹ trước khi chạy. Lắng nghe cơ thể nếu thấy chóng mặt, đau ngực, mệt bất thường nên dừng lại ngay. Học kỹ thuật thở bằng bụng để tối ưu hóa oxy.
Bổ sung nước và điện giải đúng cách, không để mất nước quá mức. Không chạy vượt quá giới hạn bản thân, đặc biệt trong thi đấu. Đeo thiết bị theo dõi nhịp tim, huyết áp, hoặc GPS thông minh nếu có điều kiện.
"Khi thấy người chạy ngã gục, kiểm tra phản ứng và nhịp thở ngay lập tức. Nếu không thở, gọi cấp cứu 115/cứu hộ y tế của giải chạy, tiến hành hồi sinh tim phổi, cơ bản 3 bước ban đầu như: Ép tim ngoài lồng ngực (100-120 lần/phút); ngửa đầu nâng cằm để thông thoáng đường thở; hô hấp nhân tạo và sử dụng máy sốc điện tự động nếu có", PSG.TS Hoàng Anh Tiến cho biết.
Theo PGS.TS Hoàng Anh Tiến, nếu người bệnh còn tỉnh, hãy đưa vào nơi thoáng mát, nâng chân, cho uống nước điện giải nếu tỉnh táo. Trong mọi trường hợp, cần có lực lượng y tế tại chỗ trong các sự kiện chạy bộ đông người.
Không nên chạy khi nào?
Theo PGS.TS Hoàng Anh Tiến, trước hết, cần xác định rõ mục tiêu tập luyện, không nên chạy theo phong trào. Mọi người cần khám sức khỏe tổng quát và tim mạch định kỳ, đặc biệt với người >35 tuổi hoặc có yếu tố nguy cơ tim mạch.
"Nếu có triệu chứng như đau ngực, hồi hộp, ngất, khó thở khi gắng sức cần tầm soát kỹ hơn (điện tâm đồ gắng sức, siêu âm tim, đo điện tim 24 giờ…). Lên kế hoạch tập luyện có lộ trình, theo nguyên tắc tăng dần cường độ và thời gian, tăng quãng đường chạy không quá 10% mỗi tuần", PGS.TS Hoàng Anh Tiến nói.

Chuyên gia khuyến cáo chỉ nên chạy bộ khi sức khỏe ổn định, không có triệu chứng bất thường. Ảnh Lê Đình Hoàng.
Ngoài ra cần ngủ đủ, ăn uống hợp lý, giữ tinh thần ổn định trước ngày thi đấu. Ngủ 7-8 tiếng/đêm, tránh thức khuya. Bổ sung carbohydrate trước khi chạy dài, protein sau khi chạy để phục hồi cơ. Sử dụng giày chuyên dụng, tránh giày mòn đế, đeo vòng theo dõi nhịp tim, SPO2 để kiểm soát cường độ vận động. Trong điều kiện cho phép, nên có hướng dẫn viên hoặc huấn luyện viên chuyên môn đồng hành.
PGS.TS Hoàng Anh Tiến cho rằng, nên chạy bộ khi sức khỏe ổn định, không có triệu chứng bất thường. Thời điểm lý tưởng trong ngày là sáng sớm hoặc chiều mát, tránh giờ nắng gắt (10h - 16h), nhiệt độ dưới 32°C. Cơ thể không có triệu chứng bất thường (không mệt, không đau nhức sau buổi tập trước). Khi đã ăn nhẹ cách ít nhất 1 giờ và đủ nước, đã nghỉ ngơi đủ 48 tiếng sau khi khỏi bệnh (cảm cúm, sốt virus).
"Không nên chạy bộ khi có triệu chứng nhiễm trùng cấp (sốt, ho, đau họng…), hoặc triệu chứng tim mạch như đau ngực, hồi hộp, mệt mỏi bất thường. Huyết áp tâm thu ≥160 mmHg hoặc tâm trương ≥100 mmHg. Sau khi uống rượu bia, hoặc thiếu ngủ nghiêm trọng. Trời quá nóng hoặc quá lạnh, hoặc khi chỉ số chất lượng không khí (AQI) xấu", PGS.TS Hoàng Anh Tiến khuyến cáo.
Chạy bộ mang lại lợi ích to lớn nhưng đòi hỏi sự tôn trọng giới hạn của cơ thể. Mỗi người cần xây dựng kế hoạch tập luyện cá nhân hóa, được huấn luyện cơ bản trước chạy, kết hợp theo dõi sức khỏe định kỳ. Đặc biệt, các giải chạy cần tăng cường hệ thống y tế dọc đường đua, trang bị máy sốc điện tự động và nhân viên y tế được đào tạo hồi sinh tim phổi.