Từ vùng chè 100 năm đến Nghĩa Hưng ân tình, trù phú
Gần 100 năm trước, những cư dân đầu tiên đã đến thôn Trại Mộ thuộc Sở trà Biển Hồ (nay là thôn 1, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) để khai hoang, lập nghiệp, tạo nên một vùng chè danh tiếng.
Theo thời gian, vùng đất Nghĩa Hưng ngày càng trù phú, là nơi sinh cơ lập nghiệp của biết bao người dân tứ xứ.
Dấu xưa vùng chè
Theo các dữ liệu lịch sử, tháng 2-1924, Công ty Đông Dương kinh doanh Thương mại, Nông nghiệp và Tài chính (SICAF) phát hành cổ phiếu mang tên Công ty Chè Đông Dương (STI) và tiến hành các thủ tục để thành lập Sở trà Biển Hồ. Tuy nhiên, đến tháng 5-1925 mới được chính quyền sở tại cho phép khai hoang và đến tháng 9-1926 mới có nghị định giao đất tạm thời.
Cùng với sự hình thành Sở trà Biển Hồ là việc chiêu mộ dân đồn điền từ các tỉnh miền Trung lên vùng đất mới, hình thành khu dân cư đầu tiên của xã Nghĩa Hưng ngày nay ở khu vực hàng thông trăm tuổi; sau đó, mở rộng ra các vùng lân cận. Trải qua gần 100 năm hình thành và phát triển, ngày nay, vùng chè Biển Hồ đã trở nên nổi tiếng với những đồi chè tươi xanh.
Biết chúng tôi muốn tìm hiểu chuyện cũ, nhất là về những ngôi nhà được xây dựng từ hồi đồn điền trà xưa, bà Trần Thị Hải Lý-Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Hưng liền dẫn đi tham quan thôn 1 và 2.
Khoát tay chỉ về những ngôi nhà xây kiên cố dọc đường, bà Lý kể: “Hồi xưa, nguyên dãy này là khu tập thể của công nhân làm chè. Trong số đó còn nhiều ngôi nhà nhỏ xíu tường gạch, lợp ngói vảy cá âm dương được xây dựng từ thời Pháp thuộc dành cho mộ dân làm Sở trà Biển Hồ. Mấy năm sau này, cà phê được mùa được giá nên người dân bỏ nhà cũ, xây nhà mới”.
Theo bà Lý, hiện nay, ở thôn 1 còn 1 ngôi nhà được xây dựng từ năm 1941. Đó là ngôi nhà của gia đình anh Võ Thanh Tùng. Ngôi nhà hiện cũng chỉ còn lại phần tường xây cũ với mái lợp ngói vảy cá âm dương đã được thay thế bằng lớp ngói đỏ.
Trò chuyện về ngôi nhà đã gắn bó với nhiều thế hệ trong gia đình, anh Tùng cho hay: “Từ nhỏ, tôi đã nghe kể là ông cố từ Bình Định lên đây làm công nhân đồn điền chè. Tới thời ông bà nội, rồi tới ba tôi hiện nay cũng đang làm nghề này. Cho dù đã xây nhà mới ngay bên cạnh nhưng gia đình vẫn giữ lại một phần ngôi nhà cũ bởi nó rất có ý nghĩa với chúng tôi”.
Tiếp nối câu chuyện vùng chè đã có gần 100 năm lịch sử, ông Phạm Văn Lễ (thôn 1) chia sẻ: Ông quê ở Điện Bàn, Quảng Nam. Năm 1976, ông là cán bộ công tác tại Đoàn 773 nên cả gia đình chuyển về đây. Ngày đó, nơi đây thuộc địa phận xã Biển Hồ, thị xã Pleiku. Năm 1988, ông nghỉ hưu, tham gia công tác tại địa phương.
Tháng 11-1996, xã Nghĩa Hưng được thành lập, thuộc địa giới hành chính của huyện Chư Păh. Gắn bó với vùng đất mới, ông Lễ từng làm Phó Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã. Khi mới thành lập, xã Nghĩa Hưng có 4 thôn, làng. Dân số các thôn, làng ước chừng 700 hộ với hơn 2.000 khẩu. Có 34 đảng viên, sinh hoạt tại Chi bộ dân quân, Chi bộ 7, Chi bộ 8.
Giống như nhiều gia đình khác, gia đình ông Lễ được bố trí ở ngay khu tập thể dành cho công nhân. Đến năm 1989, gia đình ông mới chuyển về sinh sống tại vị trí ngôi nhà hiện nay. “Mấy chục năm trước, vùng này vẫn còn rất hoang vắng, đâu đâu cũng cỏ dại mọc đầy. Đầu tiên, vợ chồng tôi dựng ngôi nhà tường đất, lợp tranh. Sau đó, kinh tế dần khá lên thì mới có điều kiện xây cất nhà mái ngói như bây giờ”-ông Lễ cho hay.
Sau thời kỳ bao cấp khó khăn, xã Nghĩa Hưng bắt đầu chuyển mình khi thực hiện chế độ giao đất, giao khoán vườn cây. Đến năm 1996, xã được thành lập, đánh dấu một giai đoạn mới. Bên cạnh cây chè, bà con xã Nghĩa Hưng đầu tư mở rộng diện tích cà phê và các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế, kết hợp mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, kinh doanh thương mại-dịch vụ, đời sống người dân ngày càng ổn định, phát triển.
Xã Nghĩa Hưng hiện có 2.427 hộ với 9.379 khẩu. Toàn xã có 268 đảng viên sinh hoạt tại 8 chi bộ. Hơn nửa đời người theo sát quá trình xây dựng và phát triển lớn mạnh của xã, ông Lễ tự hào cho hay: “Nghĩa Hưng là xã nông thôn mới đầu tiên của huyện Chư Păh. Bà con luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, thực hiện tốt các phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đời sống người dân ngày càng thay đổi tích cực”.
Còn ông Huỳnh Trọng Quang-Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hưng thì phấn khởi cho biết: “Từ vùng chè Biển Hồ thuở ban đầu, vùng đất Nghĩa Hưng là nơi hội tụ người dân từ các nơi về đây sinh cơ lập nghiệp, chung tay đoàn kết xây dựng quê hương mạnh giàu”.
“Đất lành chim đậu”
Nghe chúng tôi hỏi thăm chuyện gia đình, bà Trần Thị Hải Lý nhớ lại: Từ vùng đất thép Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị), bà vào vùng đất Nghĩa Hưng lập nghiệp năm 1990. Đến nay, bà vẫn còn nhớ mãi ấn tượng đầu tiên khi đặt chân đến nơi này. Thời đó vẫn còn những hàng cây canhkina trồng dọc theo đồi chè. Giữa bạt ngàn nắng gió là dã quỳ và cỏ dại mọc um tùm ở bờ lô. Đời sống công nhân lúc đó rất khó khăn, mỗi tháng được cấp 18 kg gạo, mì lát, cá khô.
Kể từ khi chuyển đổi mô hình quản lý sang giao khoán, giao đất vườn cây, gia đình bà tập trung đầu tư chăm sóc 5 sào chè, mỗi tháng thu hái 2-3 đợt bán trực tiếp cho Công ty cổ phần Chè Biển Hồ.
“Mặc dù bây giờ nguồn thu nhập chính của gia đình từ cây cà phê nhưng vẫn không phụ cây chè. Từ công nhân, đến nay, gia đình tôi đã là cổ đông của Công ty. Chè loại B được thu mua với mức giá hơn 6 ngàn đồng/kg, dù không cao nhưng nguồn thu này cũng giúp gia đình trang trải chi phí sinh hoạt và an tâm tham gia công tác Hội”-bà Lý cho hay.
Xã Nghĩa Hưng hiện có trên 2.000 hộ vừa đầu tư chăm sóc vườn chè, vừa phát triển vườn cà phê hoặc kết hợp sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ. Tổng diện tích cây chè hơn 220 ha, phân bổ chủ yếu tại các thôn 1, 2, 4, 6, 7 và làng Ea Lũh. Bên cạnh cây chè thì cà phê cũng là cây trồng chủ lực của người dân với tổng diện tích hơn 1.170 ha.
Tương tự, ông R’com Hlung cũng đã có hơn 40 năm gắn bó, gầy dựng cơ nghiệp vững vàng tại làng Bui. Xuất phát điểm từ con số 0, ông Hlung trở thành điển hình nông dân sản xuất giỏi. Ông bộc bạch: “Muốn phát triển kinh tế thì phải học hỏi thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Huyện, xã tổ chức lớp tập huấn, hội thảo nào là tôi đăng ký tham gia học và áp dụng vào thực tế. Mô hình kinh tế nào hay, hiệu quả là tôi làm theo, vận động hướng dẫn cho bà con trong làng cùng làm, cùng phát triển kinh tế”.
Bản thân ông Hlung giờ đã có trong tay gần 2 ha cà phê và cây ăn quả, phát triển mô hình chăn nuôi bò, heo, gà. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông Hlung thu về hơn nửa tỷ đồng mỗi năm.
Còn chị Đoàn Thị Thúy-Chủ quán cà phê Phước Hỷ tại khu vực hàng thông trăm tuổi thì hào hứng chia sẻ: “Tôi tập trung phát triển mô hình kinh doanh dịch vụ gắn với giới thiệu, kết nối thương mại các sản phẩm đặc trưng như chè, mật ong, cà phê ngay tại khu vực điểm du lịch hàng thông, vườn chè, chùa Bửu Minh”.
Song song đó, gia đình chị Thúy còn sản xuất 15 sản phẩm có nguồn gốc từ mật ong. Mới đây, sản phẩm mật ong hoa cà phê Gia Lai do cơ sở Mật ong Phước Hỷ được công nhận bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Kinh tế phát triển, đời sống người dân từng bước được cải thiện là minh chứng cho sự phát triển của vùng chè ngày nào và xã Nghĩa Hưng hôm nay. Toàn xã có 850 nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, một số hộ nông dân từ sản xuất quy mô nhỏ đã phát triển lên doanh nghiệp, thành lập hợp tác xã liên kết sản xuất kinh doanh.
Và nói như ông Huỳnh Trọng Quang thì: “Đời sống người dân ngày càng cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chỉ còn 0,8%, thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/năm. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng thương mại dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư, bộ mặt nông thôn xã nhà ngày càng phát triển khang trang, hiện đại”.