Tuần lễ Nuôi con bằng sữa mẹ 2025: Giải pháp sức khỏe, bảo vệ môi trường
Tuần lễ Nuôi con bằng sữa mẹ 2025 kêu gọi sự chung tay của toàn xã hội trong việc hỗ trợ bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ, vì sức khỏe cộng đồng và hành tinh xanh.
Tuần lễ Thế giới Nuôi con bằng sữa mẹ sẽ diễn ra từ ngày 1 đến 7/8 với chủ đề “Ưu tiên nuôi con bằng sữa mẹ: Tạo dựng hệ thống hỗ trợ bền vững”. Không chỉ là hành động vì sức khỏe mẹ và bé, nuôi con bằng sữa mẹ còn là giải pháp bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tuần lễ Thế giới Nuôi con bằng sữa mẹ (World Breastfeeding Week) là sự kiện thường niên được phát động từ năm 1992 bởi Liên minh Thế giới Hành động vì Nuôi con bằng sữa mẹ (WABA). Đến nay, sau hơn 30 năm triển khai, chương trình đã trở thành một hoạt động toàn cầu nhằm kêu gọi các quốc gia đồng hành hỗ trợ, tạo điều kiện để mọi trẻ em đều được hưởng nguồn dinh dưỡng quý giá từ sữa mẹ.
Năm 2025, Tuần lễ diễn ra từ ngày 1 đến 7/8 với chủ đề “Ưu tiên nuôi con bằng sữa mẹ: Tạo dựng hệ thống hỗ trợ bền vững”, nhấn mạnh vai trò thiết yếu của việc xây dựng mạng lưới hỗ trợ cho các bà mẹ nuôi con bú – từ cơ sở y tế, chính sách y tế đến cộng đồng.
Theo Cục Bảo vệ Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế), việc nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ đóng vai trò nền tảng cho sự phát triển toàn diện của trẻ và tăng cường sức khỏe cho mẹ, mà còn góp phần đáng kể vào công cuộc bảo vệ môi trường. Sữa mẹ là nguồn thực phẩm “zero carbon”, luôn sẵn sàng, không bao bì, không phát thải và không tiêu tốn tài nguyên như nước và năng lượng để sản xuất, bảo quản hay vận chuyển như sữa công thức.

Nuôi con bằng sữa mẹ giúp tăng cường sức khỏe trẻ nhỏ và góp phần giảm phát thải ra môi trường (Ảnh minh họa)
Thống kê cho thấy, nếu mỗi bà mẹ có con dưới 6 tháng tuổi nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn thêm 1 tháng, hành động đó tương đương với việc trồng thêm 300.000 cây xanh cho Trái đất. Trong khi đó, việc sản xuất và tiêu thụ sữa công thức tại các quốc gia thu nhập thấp và trung bình có thể phát thải tới 7,5 tỷ kg CO₂ – tương đương với lượng phát thải từ 2 triệu chiếc ô tô trong một năm.
Để hưởng ứng Tuần lễ, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tích cực triển khai các chương trình chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời; thúc đẩy thực hiện tư vấn, hướng dẫn bú mẹ đúng cách tại các cơ sở y tế; ưu tiên hỗ trợ bà mẹ ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, dân tộc thiểu số.
Các cơ sở khám chữa bệnh chuyên ngành sản, nhi và dinh dưỡng cần tuân thủ nghiêm Nghị định 100/2014/NĐ-CP và Thông tư 38/2016/TT-BYT về thúc đẩy nuôi con bằng sữa mẹ. Đặc biệt, đảm bảo trẻ được bú mẹ sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh, bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu và duy trì đến 24 tháng tuổi.
Song song đó, các trung tâm kiểm soát bệnh tật và đơn vị truyền thông y tế được đề nghị đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích của sữa mẹ đối với sức khỏe, môi trường và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Những thông điệp nổi bật như “Sữa mẹ hôm nay – Sức khỏe ngày mai”, “Cho trẻ bú mẹ – Giảm khí thải, tiết kiệm nước” hay “Nuôi con bằng sữa mẹ là giải pháp xanh” sẽ được lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng.
Bộ Y tế khẳng định, việc đầu tư cho nuôi con bằng sữa mẹ là đầu tư cho tương lai, góp phần giảm gánh nặng y tế, nâng cao chất lượng dân số và bảo vệ hành tinh. Chính vì vậy, việc thiết lập hệ thống hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ không nên chỉ là trách nhiệm của riêng ngành y tế, mà cần có sự vào cuộc đồng bộ của toàn xã hội – từ chính sách, y tế, giáo dục đến doanh nghiệp và cộng đồng.