Tuần lễ Thiết kế Việt Nam 2020: Tái sinh mà độc đáo, tiết kiệm mà bền vững
Tuần lễ Thiết kế Việt Nam 2020 diễn ra từ ngày 15-22/11 tại ba thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh và Hội An với mong muốn thay đổi tư duy sử dụng vật liệu ở mức độ tiết kiệm, bền vững và bảo vệ môi trường dựa trên các loại vật liệu sẵn có, mang tính khả thi cao.
Tái sinh không phải một khái niệm xa lạ trong thiết kế. Con người đã luôn mơ ước có thể làm mới lại, làm tốt đẹp hơn những giá trị đã cũ và thúc đẩy quá trình phát triển bền vững trong mọi ngành nghề mà ở đó có liên quan việc khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên, tác động lên môi trường sống của con người.
Đặt trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với một đại dịch, sự mong mỏi về một tương lai tốt đẹp đã trở thành nguồn cảm hứng và động lực giúp các thí sinh của Cuộc thi “Designed by Vietnam” sáng tạo ra những tác phẩm có tính cổ động, mở ra cơ hội kết nối giữa những nhà thiết kế với những nhà sản xuất, giữa công nghệ hiện đại với các vùng nguyên liệu truyền thống...
Sống lại giá trị cũ
Có một câu chuyện cổ tích được tác giả Đặng Văn Phúc kể lại với ý tưởng kết hợp giữa thảm cói đan bằng kỹ thuật truyền thống với những hàng rào kim loại lạnh lùng ở đô thị. Tác giả đã dệt nên sự gặp gỡ đầy thi vị giữa nghệ thuật truyền thống và cuộc sống hiện đại.
Có chung ước muốn này là tác phẩm Giấy bản khắc bản của tác giả Kiều Thắng với việc sử dụng nguyên liệu tự nhiên cùng các kỹ thuật truyền thống để cho ra đời những bản giấy mang hương sắc hiện đại. Nét mới trong sản phẩm của tác giả là những họa tiết hoa văn của dân tộc Thái ở Mai Châu, Hòa Bình được in khắc trên giấy bồi và những mảnh ghép đan từ cây lồ ô với kỹ thuật đan của người Ragley ở Khánh Sơn.
Một thiết kế độc đáo khác chính là chiếc tủ xếp bằng tre của tác giả Nguyễn Khánh Linh. Ở châu Á, vật liệu này thường gắn với các giá trị truyền thống và thô mộc nhưng tác giả đã khai thác ưu điểm và mang sự sang trọng của cây tre vào sản phẩm.
Tương tự, sản phẩm Mành Lamp của tác giả Nguyễn Thế Hùng cũng xuất phát từ mong muốn tái sinh chiếu mành trúc trước đây từng phổ biến trong gia đình Việt. Và với thiết kế những chiếc đèn thả lấy cảm hứng từ nón của người H’mông ở Tây Bắc, đèn lồng phố cổ hay ngọn lửa thân thuộc với người Việt, nghề làm mành trúc có thể sống lại trước nguy cơ mai một vì không có người kế thừa.
Phản (sập) gỗ từ xưa đã được các gia đình truyền thống Việt sử dụng trong phòng khách với chức năng vừa để trang trí vừa để tiếp khách, đánh cờ, nằm, ngồi nói chuyện... Tuy nhiên, với sự phát triển của xã hội ngày nay, chiếc phản gỗ đã dần xa trong tâm trí người Việt, đặc biệt là những người trẻ. Bởi vậy, việc tái sinh những chiếc phản gỗ xưa đưa nó hiện diện trong ngôi nhà Việt hiện đại là điều cần thiết góp phần lưu giữ văn hóa người Việt.
Phản 4.0 của tác giả Bùi Nguyên Gia Bảo là đáp án khả thi cao khi được thiết kế cách tân với kích thước nhỏ gọn hơn, phù hợp với các căn hộ hiện đại có kích thước vừa phải. Ngoài ra, chiếc phản này còn có thể thu nhỏ hoặc mở rộng theo yêu cầu của người dùng một cách hợp lý và thông minh hơn.
Chuyển tải thông điệp môi trường
Rác có thể trở nên hữu ích và mang lại đời sống thứ hai cho đồ bỏ đi là mục đích thiết kế của nhóm tác giả Nguyễn Tiêu Quốc Đạt, Vũ Văn Kỳ, Vũ Doãn Cảnh và Chu Kim Đức. Nhóm tác giả đã thử nghiệm tái chế ô tô cũ thành các không gian chơi ứng dụng thực tế, vừa tiết kiệm tài nguyên, tận dụng lại thiết kế công nghiệp sẵn có và chứng minh được tính khả thi trong bối cảnh Việt Nam.
Với thiết kế Rẻo, tác giả Phạm Phan Hoàng Linh sử dụng những miếng vải đay, vải bông dệt khung cửi, nhuộm cây lá vụn nhỏ được cắt dư ra từ những thiết kế trước để nối, ghép lại tỉ mỉ và thiết kế nên những sản phẩm có tính ứng dụng như túi xách, ví, khẩu trang, áo khoác, mũ...
Có một thiết kế rất ấn tượng khác của nhóm tác giả Nguyễn Trần Ưu Đàm mang tên ECO-ĐI - những bước đi vì thiên nhiên và hối thúc con người hãy chữa lành cho Trái Đất.
“Mỗi người đều có thể trở thành nhân tố thay đổi một cách đơn giản bằng cách đặt chân vào đôi dép ECO-ĐI và mỗi bước đi sẽ truyền đi thông điệp bảo vệ môi trường. Với những dấu dép in dấu lại trên cát, mọi người sẽ tạo nên triệu triệu thông điệp để nhắc nhở nhau cùng hành động để trả lại sự bình yên cho Mẹ thiên nhiên”, nhóm tác giả chia sẻ.
Như vậy, ECO-ĐI đã đưa nghệ thuật vào đời sống một cách trực quan và giản dị. Dự án là một tác phẩm nghệ thuật đầy ý niệm và nghệ thuật trình diễn có quy mô khổng lồ. Nó tương tác với thiên nhiên một cách hài hòa đầy sáng tạo và trở thành một cảnh quan ở bất cứ nào trên thế giới.
Đôi dép ECO-ĐI chính là đôi dép màu nhiệm được thiết kế đặc biệt để con người có thể dành tặng cho nhau món quà ý nghĩa. Đôi dép ấy có thể biến chủ sở hữu thành nhà sưu tập nghệ thuật, nghệ sĩ trình diễn và một sứ giả môi trường gửi đến hàng triệu người thông điệp về sống đẹp cùng thiên nhiên.