Tục kiêng gió, sấm sét của người Dao Đỏ

Trong đời sống cộng đồng người Dao, đầu xuân năm mới đồng bào thường có những tục kiêng như: kiêng một số con giáp, kiêng Dần (kình diền), kiêng Mão (kình mảo)... đến kiêng gió (kình giảo), kiêng sấm sét (kình pờ câu).

Do phân bố sinh sống theo vùng, miền khác nhau cũng như sự bào mòn của thời gian đã làm cho nền bản sắc văn hóa của đồng bào Dao có sự biến chuyển hoặc mai một nên các tục kiêng ở các nơi, các nhánh Dao cũng khác nhau. Nhưng riêng đồng bào Dao Đỏ thì tục kiêng gió (kình giảo) vào ngày 20/1 và kiêng sấm sét (kình pờ câu) ngày 1/3 âm lịch hằng năm được đồng bào coi là rất quan trọng, tuân thủ và thực hiện, duy trì nghiêm ngặt.

Hình thức thực hiện ngày kiêng gió (kình giảo) vào 20/1 âm lịch hằng năm là tránh cãi vã, chửi bới nhau, tuyệt đối không ra đồng, lên rẫy. Đặc biệt là cấm kéo bễ thổi lửa hoạt động lò rèn, hạn chế động chạm, thậm chí cấm tuyệt đối sử dụng các công cụ lao động cuốc, cào, xẻng, dao, rìu... trừ phải thái rau, thái thịt nấu ăn (một số nơi cấm cả thái thịt, rau nên phải chuẩn bị sẵn từ hôm trước).

Sáng ra, gia chủ cầm vài tệp tiền âm phủ được làm từ giấy bản ra nín thở dùng cục đá hoặc đất đè lên tiền đó đặt trên các lõng hoặc nhánh đường vào xóm, bản. Hình thức khác có thể giắt tiền âm phủ ấy trên chiếc cọc đóng bên cạnh các lõng, các nhánh đường vào xóm, bản. Việc làm ấy mong muốn trong suốt năm đó các cơn gió bão sẽ hạn chế đi qua các lõng, các nhánh đường này vào xóm, bản làm hại mùa màng, nhà cửa...

Những ngày kiêng gió là dịp để người Dao Đỏ thăm hỏi nhau và chúc nhau những điều tốt đẹp. Ảnh Thế Vĩnh

Những ngày kiêng gió là dịp để người Dao Đỏ thăm hỏi nhau và chúc nhau những điều tốt đẹp. Ảnh Thế Vĩnh

Hình thức thực hiện ngày kiêng sấm sét (kình pờ câu) ngày 1/3 âm lịch cũng tương tự như ngày kiêng gió, chỉ khác là hạn chế hoạt động gây tiếng động mạnh và không phải sử dụng tiền âm phủ.

Mục đích của tục lệ những ngày kiêng trên của đồng bào là tạo cơ hội cho anh em, họ hàng, nội ngoại... có dịp đi thăm nom, tâm sự, bàn bạc chuyện làm ăn. Bố mẹ có dịp đưa con cháu đến thăm ông bà ngoại. Những ngày kiêng gió, sấm sét là cơ hội để anh em đi thăm những nhà còn lại mà dịp tết chưa đến thăm được và chúc nhau những lời chúc tốt đẹp.

Về ý nghĩa của hai ngày kiêng trên, theo mặt tâm linh cũng như theo quan niệm truyền thống của đồng bào Dao là hai ngày mặc định nghỉ ngơi không phải lên nương rẫy, ra ruộng để cầu mong các vị thần (như Thần gió, Thần đất...) phù hộ mưa thuận, gió hòa, giảm thiểu lũ lụt, bão giông cho mùa màng tươi tốt phục vụ cuộc sống quanh năm.

Bàn Hữu Tài

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/tuc-kieng-gio-sam-set-cua-nguoi-dao-do-3175310.html