Vì sao rằm tháng Giêng được gọi là Tết Nguyên tiêu?

Trong các ngày rằm thì rằm tháng Giêng được coi trọng nhất khi người xưa cho rằng: 'Cúng quanh năm không bằng rằm tháng Giêng' hay 'Lễ Phật quanh năm không bằng ngày rằm tháng Giêng'.

Vì sao rằm tháng Giêng được gọi là tết Nguyên tiêu?

Tết Nguyên tiêu nghĩa là đêm rằm đầu tiên của năm mới, “nguyên” nghĩa là thứ nhất, “tiêu” nghĩa là đêm. Ngoài ra, tết Nguyên tiêu còn được gọi là tết Thượng nguyên để phân biệt với tết Trung nguyên (rằm tháng Bảy) và tết Hạ nguyên (Tết cơm mới, lễ mừng lứa mới được tiến hành sau khi kết thúc vụ mùa vào rằm tháng Mười).

Về nguồn gốc của tết Nguyên tiêu, dân gian có nhiều giải thích. Trong đó, nhiều người cho rằng, tục đón tết Nguyên tiêu bắt nguồn từ những sự tích của Trung Quốc và có nhiều phiên bản khác nhau.

Truyện kể rằng vào đời Hán, có một cung nữ buồn tủi vì không được về thăm cha mẹ vào ngày 15/1 Âm lịch, quá đau buồn nên có ý định lao xuống giếng tự tử. Cảm động trước lòng hiếu của cô gái, vị quan cận thần của hoàng đế nghĩ ra một kế giúp cô. Ông tâu vua rằng vào ngày 16/1 Âm lịch, thiên đình sẽ sai hỏa thần xuống thiêu rụi kinh thành. Để tránh tai họa, trước đó một hôm, mọi người phải treo đèn lồng trước cửa nhà mình và ngoài đường.

Theo lệnh của vua, vào rằm tháng Giêng, nhà nhà đều treo đèn lồng. Nhân lúc mọi người đang mải ngắm những chiếc đèn xinh xắn đó, cô gái trẻ trốn về nhà thăm cha mẹ mà không ai biết.

Ảnh minh họa/Nguồn: Pexels

Ảnh minh họa/Nguồn: Pexels

Theo một truyền thuyết khác, con thiên nga mà Ngọc Hoàng rất yêu quý trong một lần bay xuống hạ giới chơi đã bị người thợ săn bắn chết. Để trả thù cho con thiên nga, Ngọc hoàng sai một đội quân thiên đình đúng ngày 15/1 Âm lịch xuống hỏa thiêu toàn bộ hạ giới.

Tuy nhiên, một số vị thần không đồng tình với quyết định này nên liều mình xuống hạ giới để hiến kế cho chúng sinh. Theo kế của họ, vào ngày 15 tháng Giêng hàng năm, nhà nhà ở hạ giới đều treo đèn lồng đỏ và bắn pháo hoa để khi Ngọc hoàng nhìn xuống sẽ tưởng rằng nhà cửa, làng mạc đang bị lửa thiêu. Nhờ đó mà loài người và muôn thú mới thoát khỏi họa diệt vong.

Ngoài ra, cũng có truyền thuyết cho rằng, tết Nguyên tiêu bắt nguồn từ việc đồng áng trong dân gian. Sau ngày Rằm tháng Giêng hàng năm, công việc cày bừa của vụ chiêm sẽ bắt đầu. Bà con nông dân ở các nơi đều khẩn trương chuẩn bị cho công việc đồng áng. Trước khi xuống đồng, họ làm lễ để tỏ lòng nhớ ơn tổ tiên, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Một số tài liệu khác lại cho rằng, ngày rằm tháng Giêng bắt nguồn từ hoạt động của Phật giáo. Vào ngày này, chư tăng tập trung đông đủ để nghe Phật thuyết Pháp.

Mặc dù có nhiều cách lý giải khác nhau về nguồn gốc ngày tết Nguyên tiêu song tất cả đều thể hiện lòng thành kính, biết ơn đối với thiên nhiên, trời đất, thần phật, với ông bà tổ tiên và cầu mong một năm bình an, may mắn, thịnh vượng.

Nên làm gì trong ngày rằm tháng Giêng?

Vào ngày rằm tháng Giêng, các gia đình chuẩn bị mâm cúng thần linh, Thổ công, Thổ địa và đặc biệt là tưởng nhớ ông bà tổ tiên. Đây là lúc con cháu thể hiện lòng hiếu kính với ông bà, cha mẹ và bày tỏ lòng biết ơn đối với sự phù hộ của bề trên. Làm lễ cúng rằm tháng Giêng, người dân không chỉ mong cầu sức khỏe cho cả gia đình mà còn hy vọng việc làm ăn trong năm mới sẽ có nhiều khởi sắc.

Rằm tháng Giêng năm Ất Tỵ 2025 rơi vào thứ Tư ngày 12 tháng 2 Dương lịch. Do rơi vào giữa tuần, các gia đình không có đủ điều kiện về thời gian để chuẩn bị lễ cúng rằm tháng Giêng đúng ngày thì có thể sắp xếp làm lễ cúng trước một vài ngày. Thực tế, có rất nhiều gia đình cúng trước rằm, từ ngày 13 - 14 Âm lịch, thậm chí có gia đình cúng từ ngày 11 - 12 Âm lịch.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ngoài ra, vào dịp rằm tháng Giêng, người dân cũng thường đi lễ đền, chùa, miếu, phủ... để cầu nguyện một năm mới bình yên và may mắn. Họ không chỉ cầu nguyện cho bản thân mà còn cầu cho gia đình và đất nước luôn thịnh vượng, an vui.

Rằm tháng Giêng có không khí rất đông vui một phần vì nó trùng với dịp diễn ra các lễ hội đầu xuân tại nhiều địa phương, thu hút đông đảo du khách và người dân tham gia.

Phương Anh

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/vi-sao-ram-thang-gieng-duoc-goi-la-tet-nguyen-tieu-d204446.html