Tục thi Mẹ đồng quan của người Hà Nội xưa
Khi xưa, đất Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng có tục thi đồng quan hay còn gọi thi Mẹ đồng quan. Tục lệ cổ xưa này đến nay đã không còn được duy trì và chỉ còn qua những câu chuyện truyền lại của các cụ đồng cựu đất Hà Thành.
Thi đồng quan là gì?
Thi Mẹ đồng quan là các đồng hầu Thánh lâu năm, được trông nom phụng thờ ở các đền, phủ tổ chức “thi”, giống như lên đồng, hầu bóng. Tuy nhiên, thi đồng quan ở đây không giống các lễ thông thường mà chỉ thỉnh mời Thánh Mẫu là vị Thần chủ về giáng đồng như một sự chứng giám cho những tâm đức, công quả thờ phụng của vị đồng đền bản sở đó.
Soi chiếu trong văn hóa các dân tộc khác, có nhiều nét tương đồng lễ then Tày, lễ cấp sắc người Dao. Tuy nhiên, lễ thi mẹ đồng quan của người đồng bằng có nhiều điểm đặc biệt linh thiêng, độc đáo và khác biệt.
Tiêu chuẩn các thanh đồng được thi đồng quan thông thường nữ giới, không lập gia đình, đã và đang phụng thờ Tiên Thánh, được Thánh giáng ứng mộng thần, sống có lễ giáo, độ lượng, được mọi người trong thôn, xã trọng vọng.
Theo ghi chép, xưa thi Mẹ đồng quan có hai ngồi đền linh thiêng được các cụ truyền lại đó là đền Đầm Vòng thờ Vua Cha Bát Hải Động Đình và đền Đại Lộ thờ Tứ vị Thánh Nương. Giám khảo của lễ thi đồng quan là sự chứng kiến của các cụ đồng quan khóa trước, chi phủ, chi huyện, chánh tổng, lý trưởng, chức sắc của nơi thi đồng quan.
Trước ngày thi đồng, bà đồng ứng thí phải ăn chay ba tháng mười ngày cẩn mật, tuyệt đối giữ trì cẩn thận sao cho trong sạch nhất. Người thi ngày đêm hương đăng thờ phụng, trình cáo với các đền phủ cầu Tiên Thánh ứng giáng, gia hộ. Khi xưa cụ hầu kiều Mẫu ngự giá ngày thứ nhất sơ thỉnh, ngày thứ hai tái chỉnh, ngày thứ ba cung thỉnh Mẫu giáng đồng nhân.
Trước đó một ngày, Pháp sư đănng đàn cúng phát tấu, cúng Phật, an trấn từ trung, nghiêm đàn cấm giới, khai quang đền phủ. Cùng với đó, bản đền tổ chức thi đồng quan phải trang hoàng đăng hoa lộng lẫy, cờ quạt, đèn hương sao cho nguy nga nhất.
Nghi lễ cẩn mật, trang nghiêm
Đến ngày thi, ghế thanh đồng mộc dục thanh tịnh mặc một bộ quần áo bằng giấy (có nơi áo công đồng bằng vải) ngồi lên ngai rồng đặt trong cung cấm. Lúc này, trong cung cấm chỉ có thanh đồng và thị giả, xung quanh buông rèm.
Hiện nay, đền Đại Lộ (Ninh Sở, Thường Tín) vẫn thờ cỗ ngai thi đồng quan trên ban thờ trước cung cấm. Khi bắt đầu kiều thỉnh Thánh Mẫu, bà đồng ứng thí đầu trùm khăn đỏ, cung công đồng Pháp sư bắt đầu cúng Bạt sinh hồng, các cụ quan niệm rằng khoảnh khắc đó người ngồi đồng chỉ còn phần xác để Mẫu ứng giáng.
Sau đó các cung văn dâng văn thờ vọng từ ngoài vào, lúc bấy giờ trong cung cấm chỉ có đồng đền thủ nhang sở tại và đồng trưởng khâm trực cùng các thị giả hầu cận. Trong khi đó bên ngoài sân thì chánh tổng, lí trưởng, chức sắc quan viên vẫn Tài bàn tổ tôm, bàn đèn cỗ bàn chè chén. Dân làng và các khách thập phương chầu chực xung quanh chờ khoảnh khắc Thánh Mẫu ứng giáng. Trong cung cấm lúc đó thì đồng đền cùng đồng trưởng xì xụp van vái, kêu cầu!
Khi thi đông quan, người ta bóc 1000 nén vàng bỏ trong 1 mâm đồng, trong 1000 nén vàng ấy, họ chọn ra 1 nén vàng, viết hiệu của Thánh Mẫu mà bỏ vào nén ấy sau đó trộn lẫn với 999 nén vàng còn lại rồi dâng lên khẩn đảo cáo bạch với Mẫu cùng chư Thánh.
Theo các cụ kể lại, có người ngồi từ trưa đến canh ba (tức 12h đêm) mà không thấy động cựa chân tay có nghĩa Thánh không giáng về, tất thẩy mọi người lại giải tán buổi lễ kết thúc.
Tương truyền Thánh Mẫu hay giáng về đêm, dân gian coi đó là linh thiêng nhất khi có sự giao hòa âm – dương, trời đất vạn vật và con người. Thế nên dân làng chầu chực đến canh ba (tức 12h) mà thấy Thanh đồng lắc lư ra dấu hiệu thì đồng đền phải ra báo với chức sắc lớn nhất bấy giờ vào cung khâm trực, vấn an, kêu cầu đức Thánh. Vị chức sắc phải bịt khăn, quán tẩy, quỳ lạy mà khấn rằng: “Lạy Mẫu, Thánh Mẫu giáng về, xin Mẫu cho trần gian chúng con được biết hiệu Ngài ạ!”.
Đồng nhân sẽ chọn duy nhất một thoi vàng trong mâm vàng 1000 thoi đã chuẩn bị. Nếu chọn trúng thoi vàng có hiệu của Thánh Mẫu thì coi như đồng nhân đỗ đồng quan, được các cụ đồng cựu, chức sắc, chính quyền công nhận. Bấy giờ, chức sắc tuyên bố trước dân chúng: “Thánh Mẫu giáng trần”, bên ngoài ca vũ nhã nhạc nổi lên chúc Thánh, tất cả đều đồng thanh hoan hỉ: “Thánh Thọ Vô Cương”.
Khoảnh khắc Thánh Mẫu giáng ngự là lúc linh thiêng nhất. Tất cả quan chức, bà con tề tựu trước cửa cung cấm, vị chức sắc lớn nhất thay mặt bản sở cẩn cáo với Mẫu. Bấy giờ, là chúc Thánh, xin Mẫu phù trợ cho quốc thái dân an, phong điều vũ thuận, bà con bản sở làm ăn buôn bán đề huề, no ấm…
Lúc này, thị giả dâng lễ vật như hoa, trà, quả, thực, vải lụa, đồng nhân không mở khăn, chỉ lấy tay chạm nhẹ như một sự chứng giám của Thánh Mẫu. Được đôi phút, Thánh Mẫu xe giá , đồng nhân được chấp sự khiêng ra cạnh đền, đặt trên vải đỏ. Pháp sư cúng chuộc lại hồn phách và tỉnh dậy, được hầu trà hầu nước và bàn chuyện “khao” đỗ đồng.
Học người đi trước – dắt người theo sau
Người đỗ đồng quan được cả hương, xã trọng vọng, nhân dân tôn kính. Đền có vị đỗ đồng quan được tổ chức “khao cỗ linh đình” các chức sắc, cụ đồng, nhân dân làng xã. Ngoài ra, sau đỗ đồng, được cờ lọng, kiệu võng lộng lậy rước về bản đền của mình cáo tổ. Mọi nghi lễ diễn ra hết sức trang trọng, chuẩn bị kĩ lưỡng, trang tố.
Đối với nhân dân bản sở, người đỗ đồng được mọi người vô cùng tôn kính, thay quyền Tiên Thánh tại nhân gian giáo hóa dân chúng, giúp đời sống tâm linh, văn hóa theo lề lối, chừng mực. Ngoài ra, người đỗ đồng sau khi mất được tạc tượng thờ như Chầu Bản đền nơi trụ xứ. Được nhân dân lưu vào điển tích, ca tụng truyền miệng, tạc bia lưu danh.
Ngày nay, ở đền Bằng Sở (Thường Tín), vẫn thờ phụng cố đồng quan Tôn Nữ Lê Hoa. Tương truyền bà là Hoàng nữ của Vua Đồng Khánh, chị của Vua Khải Định, cô của Vua Bảo Đại. Phía bên tay phải, ban ngoài cung cấm đặt tôn tượng tố hảo, trang nghiêm thờ phụng bà như Chầu bà thủ đền.
Dân gian kể lại, bà Lê Hoa đã từ bỏ cuộc sống nhung lụa, tìm đến cửa Thánh tu hành và thi đỗ đồng quan nên được nhân dân thờ phụng như bây giờ. Với nhân dân bản sở, bà là người có công hưng công xây đền tại làng thờ Thánh Mẫu và chư vị Tiên Thánh.
Mặt khác, bà còn giúp dân chúng cách lao động, làm ăn buôn bán, giúp đỡ những người bần hàn. Vì vậy, nơi đây tôn thờ bà như người “Mẹ”, sự hiện diện thay mặt “Thánh Mẫu” chốn nhân gian để giáo hóa, giúp đỡ dân chúng.
Ở Hà Nội, có rất nhiều ngôi đền có mẹ đồng quan như: Cụ Đan Thị Tư, đền cây Quế, đền Hội Thống, đền Hàng Cân, đền Võ Thạch, đền Hạ Vĩ… Đến nay, tục thi Mẹ đồng quan chỉ còn qua các câu chuyện của thế hệ cụ đồng Thịnh, cụ Tư... kể lại cho con cháu. Nhưng, phần nào chúng ta hiểu được một nghi lễ tâm linh đặc sắc đã từng được duy trì từ những năm của thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX.
Không chỉ dừng lại ở một nghi lễ tâm linh mà còn thể hiện đời sống tinh thần phong phú của người Hà Nội xưa. Vốn không phải cái nôi của tín ngưỡng thờ Mẫu, nhưng nơi đây đã lưu giữ những giá trị đẹp nhất trong lề lối, phép tắc, những chuẩn mực của các nghi lễ thuộc tín ngưỡng thờ Mẫu.
Thế mới thấy được cái tâm của bao thế hệ cụ đồng đã giữ gìn và truyền lại những tinh hoa nhất của tín ngưỡng thờ Mẫu. Để sau này, ở Hà Nội không chỉ là nơi để phát triển mà còn là nơi bảo tồn những giá trị cao đẹp nhất của tín ngưỡng. Cũng như những người Hà Nội xưa, các cụ đồng là tấm gương cho hậu thế học tập và noi theo tâm đức của người đi trước.