Tục thờ thổ công của người Tày, Nùng: Nét văn hóa đặc sắc giúp cố kết cộng đồng
Theo quan niệm của người Tày, Nùng, Thổ công là vị thần có vai trò quan trọng khi đảm nhiệm việc cai quản mọi hoạt động trong đời sống của họ. Trong đời sống của mình, người Tày, Nùng luôn tin rằng, Thổ công là vị thần luôn phù hộ cho dân bản khỏe mạnh, làm ăn thuận lợi, cuộc sống bình an...
Quan niệm về Thổ công của người Tày, Nùng
Thực tế trong đời sống tâm linh của người Tày, Nùng, Thổ công và tục thờ cúng vị thần này có vai trò vô cùng quan trọng, tuy nhiên, vấn đề này vẫn chỉ được nghiên cứu sơ lược trong nhiều công trình viết về hai dân tộc nói trên. Tới thời điểm hiện tại, các nhà nghiên cứu vẫn chưa đi đến được thống nhất về nguồn gốc của Thổ công trong đời sống tâm linh của người Tày, Nùng.
Hiện tại, có 3 quan niệm phổ biến về nguồn gốc của Thổ công được các nhà nghiên cứu đưa ra. Quan điểm thứ nhất cho rằng, Thổ công là người thật, người có công giúp dân bản khai phá ruộng nương, xây dựng mường bản, khi người ấy chết sẽ được dân bản phụng thờ. Quan điểm thứ hai thì nhận định, Thổ công là tổ tiên từ 3 đời trở lên của dân bản. Thần là vị trưởng lão đáng kính và có vị trí quan trọng trong đời sống. Cuối cùng, quan điểm thứ ba cho rằng, Thổ công là người có công sinh ra chỗ đất mà dân bản đang sinh sống. Thổ công là thần đất, thần bảo vệ cho mọi hoạt động sinh hoạt và làm ăn của cả bản.
Còn theo nhà nghiên cứu Lý Viết Trường, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội, ông đồng tình với cách giải thích Thổ công và vị thần đất, có nhiệm vụ trông coi mảnh đất dân bản đang sinh sống.
Theo giải thích của ông Lý Viết Trường, trong tiếng Tày, Nùng Thổ công được gọi là "Coong thồ", trong đó “coong” – “ông”, “thồ” – “thổ” - “đất”; hoặc “Thó tỳ”, trong đó “thó” – “thổ”- “đất”, “tỳ” – “địa điểm”. Dựa vào kết quả khảo sát tại thực địa, soi chiếu theo quan niệm của các tác giả đi trước, nhà nghiên cứu Lý Viết Trường tạm đưa ra một quan niệm về Thổ công như sau: Thổ công của người Tày, Nùng là vị thần đất có nhiệm vụ cai quản mảnh đất bản và mọi hoạt động diễn ra trên mảnh đất mà dân bản đang sinh sống. Ngoài ra, Thổ công còn có nhiệm vụ phù hộ cho dân bản khỏe mạnh, làm ăn thuận lợi, cuộc sống bình an.
Vị thần Thổ công được người Tày, Nùng thờ một cách trang trọng tại miếu làng. Các ngôi miếu thường được dựng ngay khi người dân chọn đất lập bản. Không giống như nhiều tôn giáo khác, miếu của người Tày, Nùng có diện tích nhỏ, sơ sài, lụp xụp và thường nằm ở đầu hoặc cuối bản. Do đó, ngôi miếu được người dân bản xây dựng rất đơn giản với 4 cây cọc rồi bện lá tranh để che thành ngôi miếu. Hoặc có ngôi miếu được dựng bằng gạch mộc, lợp bằng cỏ tranh hoặc mái ngói âm dương.
Bên trong miếu được chia làm 2 phần, một phần cao hơn dùng để đặt bát hương và phần thấp hơn dùng để đặt lễ vật. Ngoài bát hương chính, đồng bào còn cắm hương ở chân tường hai bên và cắm ở các gốc cây xung quanh miếu.
“Phần đất cao hơn đó ngoài các gia đình của dòng họ đầu tiên đến khai bản lập xóm thì không ai được phép đặt lễ vật lên trên. Vì đồng bào quan niệm, chỉ những người có công khai phá ruộng nương đầu tiên của bản mới được đặt lên chỗ đó. Đây cũng là một cách thể hiện sự kiêng nể của dân bản đối với dòng họ đầu tiên đã đến khai phá lập nên bản làng”, nhà nghiên cứu Lý Viết Trường cho hay.
Những hoạt động thờ cúng Thổ công trong năm
Thổ công được cho là vị thần cai quản trên mảnh đất mà người Tày, Nùng sinh sống nên hầu hết mọi hoạt động quan trọng của họ đều sẽ làm lễ xin phép Thổ công. Trong niềm tin của mình, người Tày, Nùng cho rằng nếu không xin phép Thổ công thì mọi hoạt động liên quan đến sản xuất, nghi lễ, lễ Tết hay lễ hội đều không được phép tổ chức.
Do đó, hoạt động thờ cúng, tổ chức dâng lễ vật của người Tày, Nùng đối với Thổ công diễn ra nhiều lần trong năm. Đầu tiên phải kể tới việc thờ cúng Thổ công trong ngày lễ Nguyên đán. Đây là lễ cúng Thổ công lớn nhất của người Tày, Nùng. Theo nhà nghiên cứu Lý Viết Trường, mâm cúng Thổ công ngày Tết Nguyên đán bắt buộc phải có gà trống thiến, rượu và vàng hương.
Ngoài ra, việc thờ cúng Thổ công còn được tổ chức trong một số ngày Tết quan trọng khác của người Tày, Nùng như: Tết Thanh minh cúng Thổ công phải có thịt gà hoặc vịt và xôi ngũ sắc; Tết So Sloọc (mùng 6 tháng 6 âm lịch), lễ vật cúng phải có thịt vịt hoặc gà và bánh tải; Tết Slíp Slí (ngày 14 tháng 7 âm lịch), lễ vật cúng thần bắt buộc phải có thịt vịt và bánh gai, nếu bản nào có điều kiện thì thịt lợn cúng rồi sau đó chia cho mỗi hộ trong bản một phần; Tết Xì Xà Khẩu Mâứ lễ vật bắt buộc phải có thịt vịt và bánh giầy.
Người dân thực hiện thờ cúng Thổ công trong các dịp lễ tết với mong muốn thần sẽ phù hộ cho thời tiết thuận lợi, mùa màng bội thu. Bởi lẽ, lễ tết của người Tày, Nùng thường trùng vào các tiết trong năm, mỗi tiết lại gắn với một chu kỳ sản xuất nhất định. Theo đó, thờ cúng Thổ công vào dịp lễ tết thực chất là một trong những biểu hiện niềm tin gắn với sản xuất nông nghiệp trong đời sống của người Tày, Nùng.
Đối với các lễ hội, người Tày, Nùng cũng tổ chức thờ cúng Thổ công trong lễ hội Lồng Tồng. Lồng Tồng tiếng Tày, Nùng nghĩa là xuống đồng, mở đầu cho một năm mới sản xuất nông nghiệp thuận lợi. Trước ngày mở hội, người dân bao giờ cũng phải mang lễ vật là một chai rượu, vàng hương đến miếu để xin phép Thổ công cho tổ chức lễ hội tại khu vực bản mà thần cai quản.
Đặc biệt, trong ngày hội, bất kỳ con sư tử (múa lân sư tử) nào muốn đến hội góp vui thì trước khi vào hội cũng bắt buộc phải đến miếu để xin phép Thổ công.
Chưa dừng lại ở đó, Thổ công còn xuất hiện trong nhiều nghi lễ hàng ngày khác của người Tày, Nùng. Trong quá trình hành nghề tôn giáo truyền thống của các vị thầy cúng như Tào, Mo, Pụt… Thổ công đóng vai trò quan trọng trong quá trình các vị thầy kể trên đi từ nhà gia đình tổ chức lễ cúng đến cửa thần mà người tiến hành nghi lễ muốn đến.
Hay như trong đám cưới của người Tày, Nùng, gia chủ phải mang theo chai rượu và nén nhang đến miếu để báo với Thổ công. Bởi họ quan niệm rằng, nếu không báo cáo Thổ công thì cuộc hôn nhân sẽ gặp nhiều trắc trở.
Khi gia đình có người sinh đẻ, gia chủ cũng phải mang theo chai rượu và nén hương đến miếu để báo cáo với Thổ công vì người dân quan niệm thần sẽ phù hộ cho cháu bé mau ăn chóng lớn, trở thành người tốt. khi gia đình có người mất, họ phải mang gà, rượu và vàng hương lên báo cho Thổ công, để khi hành lễ thầy Tào còn nhờ Thổ công giúp đỡ…
Nhà nghiên cứu Lý Viết Trường cho rằng, tục thờ cúng thần Thổ công của người Tày, Nùng mang nhiều ý nghĩa. Trong đó, về mặt tín ngưỡng, tục lệ này giúp người ta gửi gắm những tâm tư, thêm động lực để phát triển đời sống, phát triển cộng đồng. Thổ công là nơi để đồng bào Tày, Nùng tin và bấu víu tinh thần, để vượt qua những khó khăn, bất trắc trong cuộc sống.
Tục thờ này cũng giúp gìn giữ phong tục tập quán lâu đời của người Tày, Nùng khi các quan niệm về lễ nghi, các loại lễ vật, sinh hoạt văn hóa… được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Đặc biệt, tục thờ Thổ công giúp cố kết cộng đồng người Tày, Nùng, khi thông qua những hoạt động này mà các thành viên trong bản có điều kiện để đoàn kết, phát triển, cùng nhau hướng tới tương lai tốt đẹp.