Từ sáng sớm, người dân trong và ngoài tỉnh Bạc Liêu đã tìm về Lăng Ông Nam Hải chờ đợi thời khắc diễu hành đón Ông từ biển vào Lăng để làm lễ cúng tế, tạ ơn theo phong tục tập quán của ngư dân tại địa phương.
Mặc dù trời nắng nóng, nhưng người dân không quản ngại từ nơi xa, đặc biệt là những người hành nghề đi biển tề tựu về Lăng Ông Nam Hải để cúng bái, cầu mong những điều tốt đẹp cho mùa đi biển đầu năm.
Sau các nghi thức cúng bái tại Lăng Ông Nam Hải, ngư dân ven biển đã tiến hành thỉnh lư hương lên kiệu với trống lân, cờ ngũ sắc đưa xuống tàu cá.
Ngư dân trên các tàu chờ đón đoàn rước kiệu đến để ra biển đón Ông
Đoàn tàu gần 30 chiếc được gắn cờ, hoa, có tiếng trống múa lân tạo một không khí rước Ông sôi nổi, thành kính.
Trước biển cả bao la, ngư dân trên tàu nguyện cầu bình an trong những chuyến ra khơi và mong Ông phù hộ đánh bắt được nhiều tôm cá.
Lễ hội Nghinh Ông lần này ngoài những nghi lễ truyền thống còn diễn ra nhiều trò chơi dân gian như: đẩy gậy, kéo co, múa lân, đánh bóng chuyền, bóng đá, văn nghệ... phục vụ du khách trong và ngoài tỉnh.
Dịp này, ngành thủy sản tỉnh Bạc Liêu thả hơn 4,7 triệu con tôm sú giống ra biển góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản, nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho ngư dân.
Ngoài Lễ hội Nghinh Ông, Lăng Ông Nam Hải ở thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu còn được nhiều người biết đến bởi nơi đây đang sở hữu mô hình cá voi lớn nhất Việt Nam được tái tạo từ bộ da thật của cá voi có chiều dài 9,7m, nặng khoảng 13 tấn, có vòng bụng hơn 5m, sau khi “lụy” được Viện Hải dương học Nha Trang ướp hóa chất bảo quản, xử lý xác lấy da nhồi bông trưng bày, thờ cúng tại đây, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của hàng nghìn ngư dân Bạc Liêu và các tỉnh lân cận.
Lễ hội là dịp để ngư dân tạ ơn biển cả, cầu mưa thuận gió hòa, bà con gặt hái được nhiều thắng lợi, may mắn trong việc đánh bắt hải sản ngoài khơi bao la; đồng thời, cũng là dịp để địa phương quảng bá du lịch, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.
Tấn Phong/VOV-ĐBSCL