Từng bước gỡ vướng các dự án trồng mắc ca

ĐBP - Hiện nay, toàn tỉnh có 11 dự án trồng mắc ca được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, với quy mô dự kiến trồng 71.415ha, tổng mức đầu tư 12.343 tỷ đồng. Đến ngày 10/6, toàn tỉnh mới trồng được 3.498ha cây mắc ca, so với tiến độ cam kết của nhà đầu tư mới đạt 25% và đạt 5% tổng quy mô các dự án được phê duyệt.

Công nhân Công ty TNHH Mắc ca Mường Then Điện Biên chăm sóc vườn cây mắc ca.

Nguyên nhân các dự án đều chậm tiến độ so với kế hoạch các nhà đầu tư đăng ký với tỉnh chủ yếu là do trong quá trình thực hiện gặp khó khăn, vướng mắc về thủ tục đất đai. Để đẩy nhanh tiến độ, Ban Chỉ đạo triển khai các dự án mắc ca tỉnh đã tăng cường gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe những vướng mắc của nhà đầu tư, đồng thời chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành và địa phương đồng hành cùng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn ngay từ cơ sở.

Dự án Trồng cây mắc ca tại các xã Thanh An, Thanh Xương (huyện Điện Biên) được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 816/QĐ-UBND ngày 30/8/2019 với tổng mức đầu tư 127,165 tỷ đồng, quy mô trồng tập trung 505ha. Quá trình thực hiện Dự án gặp vướng mắc trong khâu tích tụ đất đai. Nguyên nhân là do diện tích đất thực hiện dự án được giao cho người dân theo theo Nghị định số 163/1999/NĐ-CP ngày 16/11/1999 của Chính phủ. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, đối chiếu cho thấy quá trình giao đất theo Nghị định số 163 đã xảy ra nhiều sai sót dẫn đến diện tích, vị trí thửa đất trong giấy chứng nhận không đúng với thực tế.

Ông Ngô Xuân Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên cho biết: UBND huyện đã thành lập các tổ công tác đồng hành cùng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn. Đến nay UBND huyện Điện Biên đã cấp lại trên 200 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 220/220ha bị vướng mắc để doanh nghiệp có cơ sở thực hiện dự án. Dự án đã thực hiện trồng được 230ha, đạt 45,5% so với quy mô phê duyệt.

Trong số 11 dự án trồng mắc ca trên địa bàn tỉnh thì tiến độ Dự án Trồng mắc ca kết hợp với trồng rừng, dược liệu và xây dựng khu chế biến sản phẩm tại xã Phu Luông (huyện Điện Biên) được triển khai nhanh hơn cả. Theo kế hoạch năm 2022, dự án trồng 700ha. Đến hết tháng 5/2022, Công ty TNHH Mắc ca Mường Then Điện Biên đã trồng được 430ha; diện tích đã làm đất, chuẩn bị trồng là 245ha. Hiện nay Công ty đã tập kết được 5.880 tấn phân bón và 200.000 cây giống sẵn sàng cho vụ trồng. Ngoài ra, Công ty đã chủ động được nguồn nước và đang hoàn thiện hệ thống tưới, dự kiến tháng 10/2022 sẽ đưa vào hoạt động. Ông Vì Văn Phượng, Giám đốc Công ty TNHH Mắc ca Mường Then Điện Biên cho biết: Thời gian trước, dự án cũng gặp nhiều vướng mắc về thủ tục đất đai; người dân chưa đồng thuận với cơ chế chính sách nên chưa đồng ý giao đất để thực hiện dự án. Tuy nhiên, quá trình thực hiện, Công ty nhận được sự hỗ trợ, đồng hành của UBND huyện Điện Biên, UBND xã Phu Luông. Các tổ công tác của huyện, xã thường xuyên phối hợp với công ty để tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tham gia dự án trồng mắc ca. Bên cạnh cơ chế theo chủ trương đầu tư của tỉnh, công ty đã cam kết với người dân hỗ trợ việc khai hoang ruộng bậc thang, san nền, đào ao... để người dân phát triển sinh kế. Những khó khăn, vướng mắc của dự án từng bước được tháo gỡ, giúp Công ty đẩy nhanh tiến độ dự án.

Hiện nay, bên cạnh khó khăn về thủ tục đất đai, một số nhà đầu tư dự án mắc ca còn khó về tài chính. Đây cũng là nguyên nhân khiến một số dự án chậm tiến độ. Tại buổi họp Ban Chỉ đạo triển khai các dự án mắc ca của tỉnh, ông Nguyễn Văn Định, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Him Lam mắc ca Điện Biên đề nghị: Hiện nay, dự án trồng mắc ca công nghệ cao tại huyện Tuần Giáo đã trồng được 1.400ha (đạt 70% quy mô phê duyệt dự án). 100% diện tích đã có thời gian kiến thiết 5 năm, một số diện tích đã cho quả bói. Công ty đề nghị các sở, ngành liên quan hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ xác định giá trị tài sản trên đất là vườn cây mắc ca để Công ty có cơ sở thực hiện các thủ tục tín dụng. Trao đổi về vấn đề này, bà Phạm Thị Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo cho biết: Đến nay, các sở ngành liên quan và chính quyền địa phương đã tích cực hỗ trợ, tuy nhiên do vẫn đang gặp một số vướng mắc nên hiện tại vẫn chưa hoàn thiện được hồ sơ như đề nghị của Công ty Cổ phần Him Lam mắc ca Điện Biên. Thời gian tới, UBND huyện sẽ tiến hành đo đạc lại toàn bộ diện tích cây mắc ca của Công ty trên địa bàn, tích cực phối hợp giúp Công ty sớm hoàn thiện hồ sơ.

Ngoài ra, hiện nay các nhà đầu tư cũng đang gặp khó khăn về nguồn lao động. Đơn cử như dự án tại xã Phu Luông, thời điểm mùa trồng cây, Công ty cần tuyển thêm 200 - 300 lao động để trồng và chăm sóc vườn cây. Tuy nhiên, nguồn lao động tại địa bàn không đủ đáp ứng nhu cầu.

Bài, ảnh: Phạm Trung

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/198007/tung-buoc-go-vuong-cac-du-an-trong-mac-ca