Từng bước tháo gỡ khó khăn do thiếu thuốc, vật tư y tế

Việc thiếu thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở y tế thời gian qua, đặc biệt trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã diễn ra và không phải là vấn đề mới. Tuy nhiên gần đây, do gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế khiến nhiều bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh giống như cả nước đã xảy ra tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư, trang thiết bị y tế, ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Kim Sơn.

Khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Kim Sơn.

Bác sĩ Nguyễn Văn Tuyên, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Thời gian qua, tại Bệnh viện đã và đang diễn ra tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, vật tư y tế ở hầu hết các khoa điều trị. Như đối với hệ ngoại, hiện đang thiếu một số vật tư tiêu hao dùng để phẫu thuật tạo hình cột sống.

Cụ thể là khoa Ngoại thần kinh-sọ não, hiện đang thiếu các loại vật tư, thiết bị để thực hiện phẫu thuật lấy bỏ đĩa đệm hoặc vá xương sọ cho bệnh nhân, như: bộ xi măng sinh học không bóng, miếng ghép đĩa đệm, vis sọ cố định miếng ghép sọ... Tại Khoa Ngoại thận tiết niệu, hiện đang thiếu các vật tư như: dây dẫn tia laser, rọ bắt sỏi làm tán sỏi nội soi bằng ống mềm... Còn tại Khoa Ngoại tổng hợp, việc phẫu thuật nội soi cắt đoạn đại trực tràng, cắt dạ dày hoặc các phẫu thuật tiêu hóa khác, thường thiếu các dụng cụ phẫu thuật như: dao hàn mạch, dụng cụ cắt khâu tiêu hóa, kim chỉ đơn sợi…

Đối với Hệ nội, một số nhóm thuốc điều trị đái tháo đường cung ứng không liên tục nên bệnh nhân phải đổi thuốc, đổi phác đồ điều trị, gây khó khăn cho y bác sĩ và cả bệnh nhân.

Đối với khối cận lâm sàng (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cũng diễn ra tình trạng thiếu và hết thuốc đối quang từ chụp MRI dẫn đến máy chụp cộng hưởng từ gần như không hoạt động, ảnh hưởng rất lớn đến việc chẩn đoán các bệnh lý về gan, mật, tụy, đại trực tràng, cột sống thắt lưng, khớp… vì không chẩn đoán được nên bệnh nhân phải chuyển lên tuyến trên điều trị.

Đối với các bệnh viện tuyến huyện, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế diễn ra ít hơn, thường cục bộ theo từng thời điểm nhưng vẫn xảy ra thiếu ở một số loại thuốc, vật tư chuyên khoa.

Bác sĩ Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Sơn cho biết: Tại Bệnh viện, mỗi ngày có từ 600-700 bệnh nhân đến khám bệnh, số bệnh nhân điều trị nội trú thường xuyên là 160-170 ca/ngày. Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế có thời điểm vẫn diễn ra với một số loại thuốc chuyên khoa và một số vật tư tiêu hao, tuy nhiên Bệnh viện khắc phục bằng cách thay thế bằng loại khác tương tự về chất lượng, giá thành...

Theo đại diện lãnh đạo các bệnh viện, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị phục vụ công tác khám, chữa bệnh do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do những khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu thầu tập trung. Khó khăn này không phải chỉ ở tỉnh Ninh Bình mà ở tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trong cả nước, đặc biệt ở các bệnh viện lớn.

Đơn cử như tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, hiện Bệnh viện đang trong quá trình xây dựng danh mục gói thầu mua vật tư y tế, hóa chất sinh phẩm sử dụng tại Bệnh viện, nhưng việc tra giá rất khó khăn, lấy giá trúng thầu thấp nhất làm giá kế hoạch thì dễ trượt thầu.

Cùng với đó, việc lấy đủ báo giá, thuê dịch vụ thẩm định giá sửa chữa, bảo trì bảo dưỡng, mua sắm trang thiết bị y tế hết sức khó khăn, gần như không đơn vị nào nhận thực hiện dịch vụ thẩm định giá. Nhiều đơn vị kinh doanh trang thiết bị y tế còn không tham gia việc dự thầu, bán hàng cho các cơ sở y tế công lập... đại diện lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết.

Hiện Chính phủ đã ban hành Nghị định 98/2021/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế, tuy nhiên vẫn chưa có thông tư, các văn bản hướng dẫn chi tiết nên các Bệnh viện vẫn còn lúng túng, khó thực hiện. Đa số các cán bộ, nhân viên thực hiện nhiệm vụ đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế đều có tâm lý e dè, sợ sai, lúng túng không biết thực hiện như nào cho đúng.

Bên cạnh đó, việc trình các cơ quan cấp trên phê duyệt danh mục, dự toán mua sắm cũng rất khó khăn, thời gian thường kéo dài hoặc không được phê duyệt. Một nguyên nhân khác là do việc hiểu và thực hiện Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập về thẩm quyền quyết định mua sắm từ các nguồn thu của đơn vị sự nghiệp công lập được giao tự chủ về tài chính chưa thống nhất, dẫn đến việc đấu thầu, mua sắm của các đơn vị sự nghiệp công lập bị chững lại, chưa tổ chức thực hiện việc đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản, hàng hóa, dịch vụ kể từ khi Nghị định này có hiệu lực…

Bác sĩ Vũ Mạnh Dương, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Nguyên nhân dẫn đến việc thiếu thuốc, thiếu vật tư, trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế, bệnh viện là do các đơn vị gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư hóa chất. Bên cạnh đó, một số loại thuốc biệt dược hiện không có để mua.

Thời gian qua, Sở Y tế đã tích cực tổ chức gói đấu thầu mua thuốc tập trung cũng như chỉ đạo các đơn vị tổ chức đấu thầu mua thuốc, vật tư theo thẩm quyền của mình. Riêng gói thuốc đấu thầu tập trung tại Sở cũng đã được tổ chức xong, các đơn vị cũng đã ký hợp đồng để lấy thuốc.

Tuy nhiên, có một số mặt hàng trượt thầu do nhiều nhà thầu không tham dự. Thậm chí có những thuốc không có nhà thầu tham dự, tỉ lệ trúng thầu chỉ đạt khoảng 50%. Đối với những thuốc trượt thầu, Sở đã xin ý kiến UBND tỉnh để tổ chức đấu lại.

Trong thời gian chờ đấu lại, Sở chỉ đạo các đơn vị, cơ sở y tế khám, chữa bệnh sử dụng các thuốc thay thế, hoặc các đơn vị chủ động mua bằng các hình thức như: áp giá, chào hàng cạnh tranh hoặc tổ chức đấu thầu theo quy định, đảm bảo công tác khám, chữa bệnh được diễn ra bình thường, không để ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh.

Bài, ảnh: Hạnh Chi

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/tung-buoc-thao-go-kho-khan-do-thieu-thuoc-vat-tu-y-te/d20220717230058841.htm