Từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia

Mới đây, Ủy ban Dân tộc (UBDT) đã tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, từ năm 2021 đến năm 2023 (viết tắt là Chương trình). Hội nghị nhằm đánh giá những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện Chương trình trong giai đoạn 2021-2023 tại các địa phương vùng miền núi phía Bắc. Qua đó, tìm ra những giải pháp để thực hiện hiệu quả Chương trình trong giai đoạn 2023-2025 và định hướng triển khai trong giai đoạn tới.

Chương trình MTQG được kỳ vọng cải thiện sinh kế cho đồng bào DTTS. Ảnh: Cẩm Linh

Chương trình MTQG được kỳ vọng cải thiện sinh kế cho đồng bào DTTS. Ảnh: Cẩm Linh

Những kết quả bước đầu

Kết quả 3 năm thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi góp phần rất lớn trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Các nguồn lực, chính sách của Chương trình đã và đang tập trung đầu tư phát triển các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh tập trung vào địa bàn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi. Hoạt động đào tạo nghề giải quyết việc làm ổn định cho một lực lượng lớn lao động trên địa bàn. Việc đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc được quan tâm. Công tác chăm sóc sức khỏe, giáo dục - đào tạo có những chuyển biến tích cực...

Đến ngày 31/5/2023, 19 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc đã giải ngân số vốn gần 5.700 tỷ đồng, đạt 21,46%. Mục tiêu đến ngày 31/12/2023, hoàn thành mục tiêu kế hoạch được giao như: Tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông đạt trung bình 99,2%; tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa, đạt trung bình 91,7%; tỷ lệ trường, lớp học được xây dựng kiên cố, đạt trung bình 90,1%; tỷ lệ trạm y tế được xây dựng kiên cố, đạt trung bình 92,3%; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp, đạt trung bình 98,6%; tỷ lệ lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề đạt trung bình 54,7%; tỷ lệ học sinh học mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt trung bình 92,8%; tỷ lệ thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng đạt trung bình 92%...

Báo cáo tại hội nghị, ông Hà Việt Quân, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình cho biết: Với sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương; sự nỗ lực, quyết tâm cao và tính chủ động trong phối hợp của cơ quan chủ trì Chương trình với các bộ, cơ quan Trung ương, thành viên Tổ công tác, đến nay, cấp Trung ương đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ xây dựng, ban hành văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện về Chương trình.

Theo ông Hà Việt Quân, Chương trình mới được đưa vào tổ chức tại thực tiễn địa phương từ nửa cuối năm 2022, tuy nhiên, bằng sự nỗ lực và tính chủ động của nhiều địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện và lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn tỉnh, mà một số chỉ tiêu ước đến ngày 31/12/2023 hoàn thành, vượt mục tiêu kế hoạch được giao, như: Tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào DTTS của 19 tỉnh khu vực phía Bắc bình quân đạt 3,61% (đạt so với mức trên 3% mục tiêu kế hoạch giao). Trong đó, một số địa phương đã vượt mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao, như: Lai Châu (193,3%), Thái Nguyên (168%), Tuyên Quang (166,7%)...

Còn đó những khó khăn

Bên cạnh những kết quả đạt được, sau 3 năm triển khai thực hiện, Chương trình vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Nguyên nhân là, mặc dù Chương trình có quyết định triển khai từ năm 2021, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đến giữa năm 2022, kế hoạch vốn ngân sách Trung ương mới được giao thực hiện các chương trình MTQG, nên việc phân bổ vốn tại các địa phương chậm, ảnh hưởng đến công tác thực hiện và giải ngân năm 2022, nhất là đối với các dự án quy mô lớn.

Phụ nữ DTTS thực hiện các mô hình cải thiện sinh kế từ nguồn vốn của Chương trình MTQG tại huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Thanh Cường

Phụ nữ DTTS thực hiện các mô hình cải thiện sinh kế từ nguồn vốn của Chương trình MTQG tại huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Thanh Cường

Song song với đó, việc xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình của một số địa phương, đơn vị, nhất là một số UBND cấp huyện, cấp xã thời gian đầu ban hành còn chung chung, chưa sát với yêu cầu phát triển của địa phương hoặc do nhiệm vụ và giải pháp chưa gắn với thực tiễn nên phải điều chỉnh, bổ sung.

Nhu cầu nguồn lực để thực hiện 3 Chương trình MTQG tại địa phương là rất lớn (nhất là vốn đầu tư phát triển). Tuy nhiên, trên thực tiễn, việc lồng ghép các nguồn vốn thực hiện bị hạn chế bởi các quy định về địa bàn thực hiện, nhiều địa phương gặp khó trong xác định sự trùng lặp về “địa bàn”, được hiểu là trong phạm vi nào (xã, thôn, bản hay đối tượng thực hiện cụ thể), do đó, gặp khó khăn trong việc lập, xây dựng kế hoạch.

Ông Hoàng Văn Tuyên, Vụ trưởng Vụ Chính sách dân tộc, UBDT cho biết: Nguyên nhân chủ yếu của các hạn chế, vướng mắc do Chương trình được thiết kế với nhiều nội dung, dự án, tiểu dự án thành phần, lần đầu được triển khai thực hiện; bao phủ toàn bộ các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh vùng DTTS và miền núi do nhiều bộ, ngành, cơ quan chủ trì; sự phối hợp giữa UBDT với các bộ, ngành trong xây dựng văn bản hướng dẫn và triển khai thực hiện có lúc, có nơi chưa chặt chẽ.

Bên cạnh đó, một số tỉnh thuộc vùng DTTS và miền núi chưa chủ động, sáng tạo trong triển khai thực hiện chính sách. Một bộ phận cán bộ làm công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương còn thiếu năng lực, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đồng thời, tình trạng cán bộ thiếu trách nhiệm, có tâm lý trông chờ, ỷ lại, ngại triển khai vì sợ sai đang diễn ra ở một số bộ, ngành, địa phương.

Đánh giá cao khung thiết kế Chương trình do Vụ Chính sách dân tộc đề xuất cho giai đoạn tới, song theo ông Lê Như Xuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cần rà soát, đánh giá lại những dự án đã làm được trong giai đoạn vừa qua. Bên cạnh đó, đề xuất UBDT nghiên cứu, tham mưu với Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung nội dung Quyết định số 1719/QĐ-TTg thiết kế lại khung Chương trình phù hợp với giai đoạn 2026 - 2030.

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh, quan điểm của Thủ tướng Chính phủ và của Ban Chỉ đạo Chương trình là sẽ sửa đổi các văn bản hướng dẫn cho phù hợp với quá trình triển khai. Tuy nhiên, các địa phương cần chỉ ra những vướng mắc cụ thể để giải quyết theo từng cấp trong phạm vi thẩm quyền.

“Các vấn đề thuộc thẩm quyền của bộ, ngành do bộ, ngành giải quyết, vấn đề thuộc thẩm quyền của Thủ tướng sẽ báo cáo Thủ tướng giải quyết, vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội sẽ tập hợp ý kiến gửi Quốc hội. Đó chính là trách nhiệm của các cơ quan thường trực, phải kiến nghị các cấp có thẩm quyền giải quyết. Từ đó, rút ra những điểm mạnh, điểm yếu từ công tác phối hợp, chỉ đạo điều hành, cơ chế, pháp lý... để có những điều chỉnh, bổ sung phù hợp” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh nhấn mạnh.

Cẩm Linh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tung-buoc-thao-go-kho-khan-vuong-mac-de-thuc-hien-hieu-qua-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-post463356.html