Từng nhận nhiều hỗ trợ, nữ sinh mở lớp tiếng Anh 0 đồng để 'trả nợ' ân tình
Ý tưởng mở một lớp học miễn phí, Quỳnh đã nhen nhóm từ lâu. Bố mất sớm, một mình mẹ nuôi 3 chị em, để có thể đi học, Quỳnh nhận được sự hỗ trợ của các thầy cô. Từ những ngày tháng đó, Quỳnh luôn ấp ủ mong muốn về việc 'được cho đi'.
Trong căn phòng vỏn vẹn 20m2 tại xã Đông Hợp, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, gần 20 học sinh lớp 3 chăm chú lắng nghe cách phát âm của các từ vựng xuất hiện trong bài học.
Đứng trên “bục giảng”, Nguyễn Thúy Quỳnh (cựu học sinh Trường THPT Chuyên Thái Bình) vừa đọc chậm rãi từng từ, vừa phân tích về những lỗi sai học sinh dễ mắc phải.
Học sinh lần lượt đứng dậy để phát âm. Với những em phát âm chưa chuẩn, cô nữ sinh thường góp ý nhẹ nhàng bằng những câu nói hóm hỉnh. Lớp học vì thế luôn diễn ra trong không khí sôi nổi, hào hứng.
Thúy Quỳnh là thí sinh vừa trải qua kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Hồi giữa tháng 6, Quỳnh đã trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm vào khoa Tiếng Anh của Học viện Ngoại giao. Không muốn để hoài phí quãng thời gian sau thi, Quỳnh rủ những người bạn cấp 3 của mình cùng mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí.
Ý tưởng này được cả nhóm 7 người đồng thuận. Chỉ chưa đầy 3 ngày sau, kế hoạch đã được nhóm phác thảo hoàn thiện.
Ban đầu, nhóm của Quỳnh dự định chỉ tổ chức một lớp duy nhất cho đối tượng học sinh lớp 3. Nhưng sau vài tiếng thông báo trên Facebook, cả nhóm phải vội đóng đơn đăng ký vì số lượng vượt kỳ vọng.
“Nhiều phụ huynh mong muốn chúng em mở thêm lớp cho học sinh lớp 4 và 5. Sau khi cân nhắc, cả nhóm quyết định dạy thêm 2 khối lớp này”.
Một tuần, nhóm của Quỳnh dạy 6 buổi chiều, mỗi lớp 2 buổi. Để đảm bảo chất lượng, các lớp chỉ nhận tối đa 20 học sinh. Trước khi chốt danh sách, cả nhóm đều xin xác nhận mong muốn theo học từ phía học sinh và phụ huynh.
Thúy Quỳnh cho biết từ khi còn học THCS, em đã bắt đầu nhen nhóm ý tưởng mở một lớp học miễn phí. Bởi lẽ, suốt quãng thời gian ngồi trên ghế nhà trường, em đã nhận được ân tình của quá nhiều người.
Bố mất sớm, một mình mẹ nuôi 3 chị em, để có thể đi học, Quỳnh nhận được sự hỗ trợ của các thầy cô.
“Thầy cô đã giúp đỡ em cả về vật chất lẫn tinh thần, cho em đi học thêm mà không phải chi trả học phí. Cũng chính nhờ các thầy cô, em được tiếp thêm tình yêu với môn tiếng Anh”.
Từ những ngày tháng đó, Quỳnh luôn ấp ủ mong muốn về việc “được cho đi”.
“Học sinh ở quê rất sợ tiếng Anh, vì thế em muốn lan tỏa tình yêu với môn học này, để các em thấy rằng đây là một ngôn ngữ rất đẹp”.
Dù là lớp học miễn phí, nhóm của Quỳnh vẫn đặt ra những quy định khắt khe, trong đó đặc biệt sát sao đến việc kiểm tra và làm bài tập về nhà. Nếu quá 3 lần không làm bài tập, học sinh sẽ không được tiếp tục theo học tại lớp.
Theo Quỳnh, ngoài kiến thức, điều cả nhóm mong muốn là giúp học sinh phải có trách nhiệm hơn với việc học của bản thân.
Để đảm bảo mọi học sinh đều có thể tiếp cận trọn vẹn kiến thức, mỗi lớp học thường có thêm 2 – 3 trợ giảng hỗ trợ những học sinh yếu hoặc chưa hiểu bài. Ngoài ra, mỗi lớp học đều có một nhóm chia sẻ chung của các phụ huynh nhằm hỗ trợ, giải đáp và cập nhật tình hình của học sinh sau mỗi buổi học.
Dù có kinh nghiệm đi gia sư trong suốt 3 năm THPT, nhưng để “vận hành” một lớp học không đơn giản. Những giờ giảng đầu tiên với Quỳnh và 6 thành viên còn lại không tránh khỏi cảm xúc lạ lẫm.
“Ngoài năng lực tiếng Anh, cả nhóm phải tự trau dồi thêm kỹ năng đứng lớp, thiết kế bài giảng sao cho logic, gần gũi, bài bản. Chúng em không coi bản thân là người đi truyền đạt kiến thức mà chỉ đang cùng đồng hành, định hướng, hỗ trợ các em tiến bộ hơn mỗi ngày”, Vũ Viết Lương Sơn – một thành viên của nhóm chia sẻ.
Ngoài ra, vấn đề địa điểm học cũng là một thách thức. Vì không có sẵn bàn ghế, cả nhóm phải đi tới từng nhà, mượn từng chiếc bàn, ghế. Lớp học cũng là địa điểm mượn của người thân mới đủ chỗ ngồi cho học sinh.
Dù còn nhiều thiếu thốn cả về cơ sở vật chất lẫn kinh nghiệm giảng dạy nhưng theo Sơn, bằng sự tận tâm, nhiệt huyết và tình yêu đặc biệt với môn tiếng Anh, cả nhóm đã nhận được sự tin tưởng của phụ huynh và học sinh.
Chị Nguyễn Thị Thùy, phụ huynh khối lớp 3, cho biết con chị vốn rất sợ tiếng Anh, trên lớp rất ít khi dám phát biểu ý kiến.
“Tham gia lớp học này, con như được truyền năng lượng tích cực, thậm chí không ngần ngại hỏi những điều còn thắc mắc. Sau mỗi buổi học, con đều rất hứng thú và luôn hào hứng chờ đón mỗi buổi lên lớp với các anh chị”.
Nhận được sự phản hồi tích cực từ phụ huynh, Thúy Quỳnh cho rằng đây là sự khích lệ để cả nhóm tiếp tục kiên trì trên hành trình của mình.
“Chúng em chỉ là những học sinh bình thường có niềm đam mê tiếng Anh. Chúng em không hẳn là những người giỏi nhất, cũng không hẳn có nhiều kinh nghiệm nhưng chúng em cho rằng, cho đi là nhận lại. Một đơn vị kiến thức nhỏ nhưng chia sẻ cho những người chưa biết cũng là cách lan tỏa, giúp các em tiến bộ hơn từng ngày”, Quỳnh nói.