Tuổi trẻ Hải Phòng gắn 258 mã QR tại các di tích lịch sử, văn hóa
Chỉ trong hơn một năm (từ 10/2022 – 11/2023), các cấp bộ Đoàn Hải Phòng đã đồng loạt triển khai gắn 258 mã QR code, chiếm 68% tổng số mã QR trong kế hoạch thực hiện giai đoạn 2022-2025.
Số hóa 378 di tích lịch sử, văn hóa
Thực hiện Nghị quyết 03 của Thành ủy Hải Phòng về chuyển đổi số thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Chương trình hành động của BCH Thành Đoàn về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn TNCS TP Hải Phòng lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2022-2027), Ban Thường vụ Thành Đoàn Hải Phòng đã ban hành kế hoạch, đăng ký công trình thanh niên “Chuyển đổi số trong quảng bá di tích lịch sử, văn hóa”.
Công trình thực hiện nhằm phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, trí tuệ, sáng tạo của tuổi trẻ trong tuyên truyền, quảng bá địa điểm du lịch, các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của thành phố và thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa – du lịch.
Cung cấp thông tin, hình ảnh, tài liệu về di tích, địa danh lịch sử, địa điểm du lịch của thành phố đến với nhân dân và khách du lịch nhanh chóng, sinh động, hiệu quả.
Công trình được thực hiện đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả, chính xác về thông tin, thu hút sự tham gia khai thác thông tin và tuyên truyền lan tỏa của đông đảo đoàn viên thanh niên và cộng đồng xã hội.
Đồng thời, tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào công tác bảo tồn di tích, di sản; phát huy tinh thần xung kích tình nguyện, trí tuệ và sáng tạo của tuổi trẻ trong tuyên truyền, quảng bá các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của thành phố.
Theo đó, công trình được triển khai 3 giai đoạn, từ tháng 10/2022-4/2025, gắn với chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Hải Phòng. Các cấp bộ Đoàn thành phố dự kiến số hóa 378 điểm di tích lịch sử cấp thành phố thông qua việc lắp đặt mã phản hồi nhanh (QR code).
Để thực hiện hiệu quả công trình, Thành Đoàn Hải Phòng đã chỉ đạo các Quận/Huyện Đoàn phối hợp với ngành văn hóa tiếp cận các tài liệu lịch sử chính thống để tổng hợp, biên soạn thông tin điểm di tích. Trên cơ sở đó sẽ thẩm định nội dung, số hóa dữ liệu thông tin, đăng tải các bài giới thiệu về di tích lên chuyên mục “Hai Phong Destination” của website Thành Đoàn Hải Phòng và cấp mã QR.
Với mã QR này, Thành Đoàn và các Quận/Huyện Đoàn sẽ xã hội hóa để thực hiện gắn biển QR tại các điểm di tích đã được thẩm định nội dung.
Số hóa song ngữ Việt – Anh tại các di tích
Đại diện lãnh đạo Ban Thường vụ Thành Đoàn Hải Phòng cho biết, hưởng ứng lễ ra mắt công trình thanh niên “Chuyển đổi số trong quảng bá di tích lịch sử, văn hóa” hồi tháng 1/2023, các cấp bộ Đoàn thành phố đã đồng loạt ra quân gắn QR code tại 13 di tích lịch sử, văn hóa tại 13 quận/huyện trên địa bàn.
Từ khi triển khai đến hết tháng 11/2023, tuổi trẻ Hải Phòng đã triển khai lắp đặt QR code đồng bộ 258/378 di tích lịch sử trên địa bàn với tổng kinh phí huy động khoảng 1,2 tỷ đồng, chiếm 2/3 số di tích dự kiến số hóa trong giai đoạn 2022 – 2025.
Đại diện Ban Thường vụ Thành Đoàn Hải Phòng cho biết, trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh triển khai công trình, đồng thời nâng cao chất lượng nội dung số hóa thông qua xây dựng nội dung song ngữ Việt – Anh, kết hợp ảnh toàn cảnh góc rộng, infographic, video để khách du lịch và nhân dân tiếp cận thông tin một cách sinh động nhất.
“Đây là một hoạt động sáng tạo nổi bật nằm trong chuỗi các hoạt động chuyển đổi số của tuổi trẻ Hải Phòng năm 2023. Qua đó, cùng với thành phố nỗ lực quyết tâm đưa Hải Phòng thành nhóm tỉnh/thành dẫn đầu về chuyển đổi số, hướng tới xây dựng thành phố thông minh, kiến tạo nền tảng vững chắc để đến năm 2030 Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp hiện đại, văn minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á”, đại diện Ban Thường vụ Thành Đoàn nói.