Tương lai hòa đàm Nga - Ukraine thêm trắc trở?
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 23/4 (giờ địa phương), tức ngày 24/4 (giờ Việt Nam), thừa nhận rằng ông thấy khó khăn hơn so với tưởng tượng khi làm việc với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky, liên quan tới vấn đề đàm phán hòa bình với Nga. Tuyên bố của Tổng thống Mỹ được đưa ra sau khi chính ông và Tổng thống Ukraine lại một lần nữa khẩu chiến, nhưng lần này là thông qua mạng xã hội, làm dấy lên lo ngại về viễn cảnh kết thúc xung đột ngày càng xa vời.
Đăng tải trên mạng xã hội Truth Social hôm 23/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết: "Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố trên trang nhất tờ Wall Street Journal rằng Ukraine sẽ không công nhận tính hợp pháp của việc Crimea bị chiếm đóng và vấn đề này không có gì để bàn cãi. Tuyên bố ấy gây tổn hại nghiêm trọng đến các cuộc đàm phán hòa bình với Nga...".
Theo Tổng thống Mỹ, không ai yêu cầu ông Zelensky công nhận Crimea là lãnh thổ của Nga, nhưng bình luận ấy của Tổng thống Ukraine ở thời điểm hiện tại có thể khiến xung đột tiếp tục kéo dài. Đáp lại, người đồng cấp Ukraine cũng đăng tải trên X, khẳng định:
"Kiev sẽ luôn hành động theo hiến pháp và chúng tôi hoàn toàn chắc chắn rằng các đối tác của mình, đặc biệt là Mỹ, sẽ hành động phù hợp với các quyết định mạnh mẽ của họ". Động thái của ông Zelensky được cho là đã khiến các quan chức Mỹ không hài lòng, đến mức Ngoại trưởng Marco Rubio quyết định hủy tham dự cuộc họp về Ukraine với các phái đoàn châu Âu và Ukraine tại London (Anh) ngày 24/4.

Sau cuộc tranh cãi nảy lửa tại Nhà Trắng hồi tháng 2, Tổng thống Trump và người đồng cấp Ukraine tiếp tục khẩu chiến về điều khoản trong thỏa thuận hòa bình. Nguồn: NYT
Trước đó, theo Người phát ngôn Nhà Trắng Karoline Leavitt, chính quyền Tổng thống Donald Trump bất bình với Tổng thống Zelensky vì công khai bàn luận các chi tiết nhạy cảm liên quan đến tiến trình đàm phán nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine. Một quan chức cấp cao Nhà Trắng nói với CNN rằng, điều khoản mà Ukraine bác bỏ bao gồm việc đóng băng các ranh giới lãnh thổ ở mức độ gần với tình hình hiện tại.
Bà Karoline Leavitt nhấn mạnh, Mỹ tin rằng các cuộc đàm phán như vậy cần được tiến hành trong không gian kín và các cuộc đối thoại phải mang tính thực tế thay vì thông qua các phát biểu công khai. Đội ngũ an ninh quốc gia của Tổng thống Trump và các cố vấn của ông đã dành rất nhiều thời gian, công sức và nỗ lực để chấm dứt xung đột.
Theo giới chuyên gia, những tuyên bố này cho thấy sự sốt ruột ngày càng gia tăng trong nội bộ chính quyền Mỹ. Nếu trước đây, ông Trump cho rằng thương lượng với người đồng cấp Ukraine sẽ dễ dàng hơn, thì nay ông thừa nhận rằng mọi chuyện ngày càng trở nên khó khăn.
Hôm 23/4, Ngoại trưởng Marco Rubio cảnh báo, nếu không có tiến triển đáng kể, Mỹ có thể rút khỏi bàn đàm phán để chuyển sang các ưu tiên khác. Ngày 24/4, Phó Tổng thống Mỹ JD Vance một lần nữa nhắc lại vấn đề này. Giới chuyên gia cho rằng, chính quyền ông Trump đang theo đuổi lập trường cứng rắn, với ít dư địa cho việc điều chỉnh hay tiếp nhận các đề xuất ngoài phạm vi kế hoạch đã định sẵn. Trong bối cảnh các cuộc đàm phán đi chệch khỏi kế hoạch ban đầu của Mỹ hoặc tệ hơn là vẫn "giậm chân tại chỗ", không thể loại trừ khả năng Nhà Trắng thực sự rút khỏi tiến trình hòa bình.
Theo nhà phân tích Yevhen Magda, điều này sẽ trao cho Điện Kremlin điều họ mong muốn ngay từ đầu, đó là quyền quyết định cái kết của xung đột hiện thời. Còn ông James Nixey, Giám đốc Chương trình Nga và Âu-Á tại Chatham House, nhận định: "Tôi nghĩ hiện tại chúng ta đang đi xa khỏi đàm phán và quay trở lại xung đột mà không thấy trước được hồi kết. Không phải là hai bên có thể tiếp tục mãi, nhưng về mặt quân sự, cả hai vẫn còn khả năng chiến đấu với sự hỗ trợ của châu Âu". Tuy vậy, ông James Nixey nhấn mạnh, tuy đây là một kịch bản khả thi hơn nhiều so với thời điểm vài tháng trước, nhưng khoảng trống viện trợ do Washington để lại sẽ rất khó được lấp đầy trong ngắn hạn.
Theo Reuters, hiện tại, các cuộc thảo luận ở châu Âu chủ yếu xoay quanh việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình nếu có một thỏa thuận được ký kết.
Một tuyên bố chung từ Anh, Pháp và Đức sau cuộc hội đàm tại London cho biết ba nước "tái khẳng định sự ủng hộ đối với cam kết của Tổng thống Trump nhằm chấm dứt thương vong và đạt được hòa bình công bằng, bền vững". Báo cáo cũng ghi nhận "tiến triển đáng kể trong việc xác lập lập trường chung về các bước tiếp theo" và khẳng định ý định "duy trì phối hợp chặt chẽ, hướng tới các vòng đàm phán tiếp theo trong tương lai gần". Tuy vậy, dù một số quốc gia đang tăng tốc đầu tư và mở rộng sản xuất quốc phòng, giới chuyên gia cho rằng sẽ cần nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, để châu Âu có thể cung cấp lượng vũ khí cần thiết giúp Ukraine duy trì được thế chủ động trên chiến trường.
"Ukraine cần chuẩn bị để tự lực cánh sinh", Phó Giáo sư Ian Garner chuyên nghiên cứu về chế độ toàn trị tại Viện Pilecki (Ba Lan) nhận định, đồng thời dẫn lời Tổng thống Zelensky cho biết Ukraine đã tự sản xuất được khoảng 30% nhu cầu vũ khí và đang giữ vững các vị trí then chốt ở mặt trận phía Đông - nơi Nga cũng đang gặp khó về mặt hậu cần và thiếu hụt nhân lực. Dù vậy, ông Garner cũng cảnh báo rằng việc giữ vững phòng tuyến "sẽ không dễ dàng" và "đòi hỏi những hy sinh lớn về nhân lực và tài chính".
Trong một diễn biến có liên quan, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông có thể gặp nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin ngay sau chuyến thăm Trung Đông vào tháng 5 tới. Trao đổi với báo chí ngày 24/4, khi được hỏi về những nỗ lực giải quyết xung đột Ukraine, ông Trump cho rằng Moscow đã sẵn sàng, trong khi thỏa thuận với Kiev vẫn còn phải tiếp tục thảo luận. Tuy vậy, Tổng thống Mỹ tiếp tục bày tỏ hy vọng rằng Nga và Ukraine sẽ làm được.
Được biết, Nhà Trắng thông báo Tổng thống Donald Trump sẽ đến Trung Đông vào ngày 13-16/5 để thăm Arab Saudi, Qatar và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Hồi tháng 3, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov thông báo, Tổng thống Trump và Tổng thống Putin có thể gặp nhau tại Arab Saudi vào một thời điểm nào đó, nhưng cho đến nay, vẫn chưa có kế hoạch cụ thể được đưa ra. Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg, Đặc phái viên Mỹ Steven Witkoff cũng gợi ý rằng Hội nghị thượng đỉnh Nga - Mỹ có thể được tổ chức tại quốc gia Trung Đông này.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-gioi-24h/tuong-lai-hoa-dam-nga-ukraine-them-trac-tro--i766274/