Tương lai nào cho sự phát triển thương hiệu làng nghề sơn mài Hạ Thái
Làng nghề sơn mài Hạ Thái (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội) sở hữu nhiều nguồn tài nguyên dồi dào cho phát triển du lịch. Nhưng thực tế, hoạt động du lịch tại địa phương vẫn chưa xứng tầm. Hẳn nhiên, lý do là bởi chưa có sự đầu tư tâm huyết, định hướng cụ thể, sát sao từ phía cơ quan chức năng.
Cơ hội đến nhưng chưa kịp nắm bắt
Một tín hiệu tích cực cho sự cất cánh của hoạt động du lịch tại địa phương là vào tháng 12.2020, UBND thành phố Hà Nội đã ra quyết định công nhận điểm du lịch làng nghề sơn mài Hạ Thái. Phát biểu tại buổi lễ công bố quyết định công nhận điểm du lịch làng nghề sơn mài Hạ Thái vào ngày 27.3.2021, ông Ngô Đình Tiến, Chủ tịch UBND xã Duyên Thái, cho hay: “Sự kiện làng nghề sơn mài Hạ Thái được công nhận là điểm du lịch làng nghề đánh dấu bước đi quan trọng trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm làng nghề; đồng thời, mở ra những cơ hội, thời cơ mới để làng nghề phát triển mạnh mẽ hơn nữa”.
Không thể phủ nhận, trong nhiều năm nay, Hạ Thái đã trở thành địa chỉ có uy tín với các bạn hàng quốc tế khi tìm đến sản phẩm sơn mài. Các sản phẩm của làng nghề đã có dịp đến gần hơn với người tiêu dùng ở các quốc gia như Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Tây Ban Nha, Australia, Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Song, thành công ấy thường do những thương hiệu lớn trong làng tạo dựng nên. Còn những xưởng sản xuất có quy mô nhỏ hơn đôi khi vẫn còn gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng. Đôi khi, khách trong nước lại chưa có nhiều cơ hội để được tiếp cận với sản phẩm của làng nghề. Điều đó đến từ hoạt động du lịch chưa phát huy được tiềm năng. Việc tiếp cận thị trường quốc tế khó tính và đầy thử thách hẳn sẽ chẳng dễ dàng gì với những hộ sản xuất nhỏ. Tuy nhiên, những hộ sản xuất này có thể hướng tới người tiêu dùng trong nước thông qua giới thiệu sản phẩm hay tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí.
Biết chơi gì khi đến làng Hạ Thái
Đáng lý ra, từ khi điểm du lịch làng nghề, xã sẽ ra mắt thêm nhiều sản phẩm du lịch mới nhằm thu hút đông đảo du khách thập phương. Thế nhưng, nhìn vào thực tế, làng nghề này vẫn chưa phát triển xứng tầm là một điểm du lịch đáng được đặt vào lựa chọn hàng đầu mỗi khi đi du lịch của người dân. Bởi thật khó để có thể hình dung khi đến với làng Hạ Thái, du khách sẽ được trải nghiệm hoạt động gì. Trong khi đó, khi nhắc tới làng Bát Tràng – nơi cũng được công nhận là điểm du lịch làng nghề, người ta sẽ nghĩ ngay đến việc mua những món đồ gốm, sứ giá rẻ, ăn cỗ gia truyền, và đặc biệt là tự tay làm ra các sản phẩm đồ gốm...
Đi khắp các con đường làng, rất dễ dàng để bắt gặp những hộ gia đình, xưởng sản xuất tổ chức hoạt động vuốt – nặn – vẽ, giúp cho du khách khi đến với làng nghề có cơ hội được trải nghiệm hoạt động tạo ra các sản phẩm đồ gốm, hay đơn giản hơn là tô tượng. Tiêu biểu có thể kể tới không gian Lò bầu cổ. Ngoài hoạt động như đã nói, không gian này còn trưng bày một lò nung gốm có dạng hình bầu, giống với lò nung trong quá khứ được dân làng Bát Tràng sử dụng rộng rãi. Nhưng do sự phát triển của công nghệ, lò bầu gốm đã bị thay thế bằng những lò nung dùng bằng gas trong nhiều hộ sản xuất. Tuy nhiên, khi đến với không gian này, du khách được chiêm ngưỡng về kỹ thuật đặc biệt từng được làng nghề sử dụng.
Đối với làng nghề Hạ Thái, hoạt động trải nghiệm làm đồ sơn mài mới chỉ xuất hiện duy nhất tại xưởng sản xuất của họa sĩ Dũng Dị (tên thật: Trần Công Dũng). Theo anh chia sẻ, trong vòng vài tiếng đồng hồ, khách tới trải nghiệm có thể hoàn thiện một sản phẩm và có thể đem về ngay trong ngày.
Dẫu vậy, một cánh én chưa thể làm nên mùa xuân, một xưởng sản xuất tổ chức hoạt động làm đồ sơn mài cũng chưa thể quảng bá tới rộng rãi du khách về hoạt động trải nghiệm này tại địa phương. Vì vậy, họa sĩ Dũng Dị cũng đã liên kết với công ty lữ hành Amica để đưa khách du lịch đến với xưởng sơn mài của anh. Trung bình hàng tháng, anh đón được khoảng 300-400 khách đến trải nghiệm, nhưng chủ yếu vẫn tập trung ở khách nước ngoài được dẫn đến bởi công ty lữ hành.
Việc tổ chức hoạt động trải nghiệm như vậy cần sự khuyến khích từ chính quyền địa phương. Bởi những nghệ nhân trong làng vốn chỉ quen với việc sản xuất ra hàng hóa, mà chưa có nhiều sáng tạo trong việc thúc đẩy hoạt động du lịch của địa phương.
Thiếu đi không gian trưng bày sản phẩm làng nghề
Cùng với đó, địa phương thiếu đi một bảo tàng hay đơn giản hơn là một không gian trưng bày sản phẩm làng nghề. Việc xây dựng bảo tàng làng nghề hẳn sẽ chẳng còn là xa lạ ở nhiều địa phương. Kể như làng Lai Xá (Hoài Đức, Hà Nội), tuy rằng nghề nhiếp ảnh mới chỉ xuất hiện vào đầu thế kỷ 20, nhưng làng đã xây dựng được cho mình một bảo tàng, nhằm giới thiệu với du khách về một nghề cũng được xem là truyền thống của ông cha.
Thiết nghĩ, với một địa phương có lịch sử hình thành lâu đời, từ thế kỷ 17 như làng Hạ Thái, hẳn sẽ chẳng thiếu những câu chuyện thú vị để kể cho du khách nghe trong không gian trung bày sản phẩm làng nghề. Qua chia sẻ của bà Nguyễn Thị Lan, một người dân xã Duyên Thái, cho biết trước đây một lãnh đạo xã từng có đề xuất xây dựng khu trưng bày làng nghề trên mảnh đất hiện đang trong diện bị thu hồi. Không may, vị cán bộ này mất vào tháng 3.2020, đúng vào thời điểm dịch Covid-19. Nối tiếp sau đó là kế hoạch về xây dựng khu tái định cư trên mảnh đất trong diện bị thu hồi, vì vậy ý tưởng về một khu trưng bày sản phẩm làng nghề của bà con khó thành hiện thực. Theo người dân, từ đó cho đến nay, chưa thấy có thông tin kế hoạch gì về việc xây dựng một không gian trưng bày xứng tầm với bề dày lịch sử, truyền thống của làng nghề.
Việc có một bảo tàng nghề truyền thống của địa phương không chỉ thúc đẩy hoạt động du lịch, mà còn vun đắp thêm niềm tự hào, ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân làng với sự phát triển của quê hương mình.
Cần nhiều hơn sự đóng góp của các nghệ sĩ
Đến nay đã 15 năm kể từ khi họa sĩ Dũng Dị đã về làng Hạ Thái mở xưởng. Từ đó tới nay, làng vẫn chưa đón thêm nghệ sĩ nào tới mở xưởng.
Theo chia sẻ của họa sĩ Dũng Dị, anh không lựa chọn xưởng ở trung tâm thành phố, mà chọn làng Hạ Thái vì nhiều lợi thế mà địa phương đem lại lại. Anh cho biết: “Các sản phẩm sơn mài tôi làm ra đòi hỏi nhiều công đoạn, và cần đến sự hỗ trợ của các xưởng, như tiện gỗ, sơn phoóc,… Nếu không về làng mở xưởng thì có lẽ xưởng của tôi phải lên tới hàng chục nhân công, còn hiện nay tôi chỉ cần vài ba nhân công là đủ”.
Anh cũng chia sẻ thêm: “Mặc dù ở đây thuận lợi về nhân công, nhưng lại khó khăn trong việc tiếp cận thị trường”. Phải chăng vì lý do ấy nên không phải nghệ sĩ sơn mài nào cũng có lựa chọn giống anh Dũng. Làng nghề thiếu đi hoạt động du lịch sôi nổi từ du khách thập phương, nên chưa đủ hấp dẫn, khó tiếp cận đến đông đảo khách hàng như làng nghề Bát Tràng.
Ngoài ra, có một khúc mắc khác cũng cần phải nhìn nhận lại. Đó là việc thu hút các nghệ sĩ về làng nghề mở xưởng không thể nói là làm ảnh hưởng hay tranh giành thị phần với các hộ sản xuất trong làng. Bởi hướng đi trong sản xuất của nghệ sĩ và các hộ gia đình có truyền thống có nhiều khác biệt. Có thể nhìn vào các sản phẩm mà họa sĩ Dũng Dị làm ra cũng có nhiều điểm khác biệt so với các sản phẩm khác ở các hộ sản xuất khác trong làng. Các sản phẩm do nghệ sĩ làm ra thường để lại dấu ấn cá nhân rất riêng, đề cao tính độc bản qua mỗi sản phẩm.
Đồng thời, là một nghệ sĩ với nhiều tư duy sáng tạo, chủ động, nên so với những hộ sản xuất đơn lẻ, anh dễ dàng tìm kiếm thị trường hơn. Anh đã phối hợp với thương hiệu Tân Mỹ Design (phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm), để quảng bá các tác phẩm mà mình sáng tạo ra. Sự hiện diện của nghệ sĩ ở làng nghề như họa sĩ Dũng Dị đã đem đến một làn gió mới cho địa phương, đồng thời, tạo cơ hội là các nghệ nhân lành nghề với nghệ sĩ giao lưu, học hỏi kinh nghiệm.
Chính vì thiếu đi không gian trưng bày, giới thiệu làng nghề, thiếu sự khuyến khích, định hướng xây dựng, làm mới các hoạt động du lịch ở địa phương, nên nhiều người chưa được biết rõ về các sản phẩm thủ công truyền thống của làng. Đầu ra của các hộ gia đình trong làng cũng gặp nhiều khó khăn, theo chia sẻ của họa sĩ Dũng Dị. Nếu chính quyền địa phương biết tận dụng những lợi thế sẵn về truyền thống, trình độ, tay nghề của các nghệ nhân, nhất định sẽ tạo nên bệ phóng để làng sơn mài Hạ Thái tiến xa hơn nữa, trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn của Thủ đô.
Mảnh đất của hơn 100 hộ dân làng nghề sơn mài Hạ Thái (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội) vốn được ấp ủ để xây dựng khu triển lãm, giới thiệu sản phẩm làng nghề, đến nay đã được hơn một năm kể từ ngày chính quyền địa phương đưa ra thông báo thu hồi để làm làm hạ tầng kinh tế kỹ thuật khu đấu giá kề Duyên Thái 1. Cụ thể, vị trí đất đó nằm ở phía bên phải cổng làng (nhìn từ trong ra ngoài), đối diện với nhà văn hóa của xã. Điều này gây nên sự tâm tư, bất an trong tâm lý bà con nghệ nhân, nghệ sĩ đang nỗ lực giữ nghề ở làng Hạ Thái. Bởi thâm tâm họ luôn mong muốn có một không gian tương xứng với giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương, nhằm thúc đẩy sự phát triển của hoạt động thương mại, du lịch của làng nghề mình.