Tướng Mai Bộ: Vụ án 'Chuyến bay giải cứu' cho thấy có 1 số cán bộ không sợ luật
Chỉ trong một thời gian ngắn nhưng bị can nhận hối lội đến 253 lần, cho thấy mức độ nghiêm trọng của sự việc nên cần xử lý nghiêm để răn đe các đối tượng khác.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành, có 54 bị can bị cáo buộc phạm 5 tội danh khác nhau trong vụ "Chuyến bay giải cứu", gồm: đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong số này, 21 bị can bị truy tố tội nhận hối lộ.
Đáng chú ý, "đứng đầu bảng" trong danh sách người nhận hối lộ nhiều nhất trong vụ án nói trên chính là bị can Phạm Trung Kiên - cựu Thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên với 253 lần nhận hối lộ.
Qua sự việc này, nhiều ý kiến đặt không ít câu hỏi, băn khoăn quanh các thông tin trong cáo trạng liên quan đến bị can Phạm Trung Kiên và các bị can là cán bộ bị truy tố trong vụ án này.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Trần Ngọc Vinh, Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII cho rằng: "Từ một chủ trương rất nhân văn, kịp thời và đúng đắn của Đảng và Nhà nước khi tạo điều kiện cho người dân về nước trong lúc đại dịch nhưng chỉ vì lòng tham một số cá nhân đã khiến cho một chủ trương tốt đẹp bị ảnh hưởng.
Trong vụ việc này, nhiều cán bộ các của các ngành đã vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, việc thư ký của một Thứ trưởng có hành vi nhận hối lộ lên đến 253 lần chỉ trong thời gian ngắn như vậy đã cho thấy mức độ thực sự nghiêm trọng của sự việc".
Ngoài ra, ông Vinh cũng cho rằng, có thể ở một số vị trí, việc quản lý con người đã không được thực hiện một cách nghiêm túc mới dẫn đến các sự việc như vừa qua. Theo ông Vinh, dù mới chỉ là thư ký nhưng do cấp trên đã quá tin tưởng nên có thể tạo ra các "khe hở", từ đó những đối tượng này đã lợi dụng, luồn lách qua các khe hở đó để thực hiện các hành vi của mình.
Vị này nêu quan điểm: "Có nhiều loại tham nhũng, nhưng tham nhũng vào thời điểm đồng bào khó khăn, cần sự trợ giúp nhất thì cần xử lý nghiêm".
Cũng theo nhận định của ông Vinh, với mức độ của sự việc thì việc xử lý nghiêm sẽ tạo ra sự răn đe, ngăn chặn mầm mống khởi phát những tư tưởng chiếm đoạt đối với các đối tượng hiện đang làm việc tại các vị trí tương tự.
Ngoài ra, vị này cho rằng nó cũng sẽ loại bỏ ra khỏi bộ máy những người muốn chạy chọt vào các vị trí làm thư ký, giúp việc chỉ để với mục đích tư lợi cá nhân, không có đóng góp vào công việc chung của tập thể đó.
"Qua sự việc này, chúng ta cũng cần phải đánh giá lại sự quản lý cán bộ của cấp đó. Đồng thời, cũng cần coi đó là bài học và rút ra kinh nghiệm để các cấp có trợ lý giúp việc phải luôn theo dõi, tỉnh táo. Vì nếu để xảy ra tình trạng như thế này thì quả thật quá nguy hiểm", ông Vinh chia sẻ thêm.
Từ đó, vị này một lần nữa khẳng định sự quyết liệt của Đảng và Nhà nước ta trong công cuộc đấu tranh, phòng, chống tham nhũng trong giai đoạn hiện nay.
Ông Vinh cho rằng: "Để làm tốt hơn nữa việc quản lý đội ngũ nhân sự, tránh sự việc tương tự có thể tái diễn thì các ngành, các cấp phải chịu trách nhiệm trong từng ngành của mình.
Bên cạnh đó, quá trình đấu tranh với tham nhũng cũng cần tập trung xử lý đối với những án nhỏ chứ không chỉ là các vụ án điểm. Điều này có thể loại bỏ được tình trạng tham nhũng vặt, đây là mầm mống để các vụ việc tham nhũng lớn hơn được hình thành.
Cùng quan điểm về vấn đề này, Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ - nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng, để thực hiện hành vi tham nhũng với số lần nhiều như vậy thì người quản lý trực tiếp của các thư ký, trợ lý đó không thể không liên đới trách nhiệm.
Thiếu tướng Bộ chia sẻ thêm: "Theo cáo trạng thì các bị can phạm những tội khác nhau, liên quan đến hối lộ và nhận hối lộ. Tuy nhiên với bị can Phạm Trung Kiên - cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên với 253 lần nhận hối lộ khiến nhiều người chú ý.
Vị này nhấn mạnh, điều khiến dư luận chú ý không phải vì số lần nhận hối lộ của bị can trong một thời gian ngắn mà còn bởi thời điểm thực hiện hành vi phạm tội.
Thiếu tướng Bộ cho rằng: "Giữa lúc đại dịch hoành hành, có hàng trăm nghìn chiến sĩ, y bác sĩ nơi tuyến đầu phải vật lộn chống dịch. Nhiều người sẵn sàng san sẻ từng bữa ăn, chỗ ngủ. Trong lúc đó vẫn có kẻ ngồi phía sau trục lợi, hành vi này là phải lên án và cần được xử lý nghiêm minh. Xét về khía cạnh đạo đức con người thì hoàn toàn cũng không thể chấp nhận được".
Thông qua việc nhận định về mức độ nghiêm trọng của sự việc, Thiếu tướng Bộ cũng nêu băn khoăn của rất nhiều người khi các thông tin cáo trạng được công khai. Đó là cựu Thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế nhận hối lộ nhiều lần như vậy Thứ trưởng với trách nhiệm lãnh đạo trực tiếp ở đâu mà mà cấp dưới của lãnh đạo nói trên lại có thể thực hiện hành vi của mình trót lọt qua nhiều lần như vậy?
Thiếu tướng Bộ nhấn mạnh: "Sự việc lần này một lần nữa cho thấy quyết tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước ta trong công cuộc đấu tranh với tham nhũng. Qua đây cũng cho thấy có một bộ phận cán bộ công chức đang nhờn luật, thậm chí là không sợ luật nên bất chấp sai trái, dư luận để cố thực hiện hành vi của mình.
Chính vì thế, mong rằng từ những vụ án điểm vừa qua, các cơ quan làm luật sẽ sớm khắc phục các kẽ hở, để các đối tượng nhăm nhe thực hiện các hành động sai trái từ bỏ ý định của mình. Đồng thời, cần có hình thức, khung xử phạt thật mạnh với các đối tượng nói trên nhằm tạo ra tính răn đe với những cá nhân đang làm công việc như trợ lý, giúp việc" .