Tuyến đường ven sông dài 94km sẽ là 'bàn đạp' cho Bình Dương cất cánh

UBND tỉnh Bình Dương đang xây dựng kế hoạch đầu tư tuyến đường ven sông Sài Gòn đi qua 4 địa phương, gồm TP.Thuận An, TP.Thủ Dầu Một, TP.Bến Cát và huyện Dầu Tiếng. Dự án trọng điểm này hứa hẹn mang đến diện mạo mới cho tỉnh, thúc đẩy giao thông, du lịch và phát triển đô thị.

Theo kế hoạch, tuyến đường ven sông Sài Gòn sẽ dài khoảng 93,9km, điểm đầu tại rạch Vĩnh Bình (TP.Thuận An) và điểm cuối tại thị trấn Dầu Tiếng (huyện Dầu Tiếng).

Dự án đóng vai trò quan trọng trong việc khai thác vận tải, du lịch và phát triển đô thị của tỉnh. Khi tuyến đường hoàn thành cũng sẽ góp phần chống ngập do triều cường, phòng chống sạt lở bờ sông; hình thành trục kết nối thủy - bộ dọc sông Sài Gòn.

Để đầu tư tuyến đường ven sông Sài Gòn, Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương đề xuất huy động nguồn vốn xã hội hóa kết hợp với nguồn vốn đầu tư công.

Đối với các đoạn tuyến đường ven sông nằm trong khu vực phát triển đô thị, các dự án cảng sẽ do nhà đầu tư thực hiện (kể cả kè sông theo mẫu thiết kế chung).

Bình Dương đã đầu tư, đưa vào sử dụng gần 1km đường ven sông Sài Gòn đoạn qua TP.Thủ Dầu Một

Bình Dương đã đầu tư, đưa vào sử dụng gần 1km đường ven sông Sài Gòn đoạn qua TP.Thủ Dầu Một

Đối với các đoạn tuyến đường ven sông còn lại sẽ sử dụng nguồn vốn đầu tư công để thực hiện.

Việc đầu tư, xây dựng tuyến đường ven sông sẽ theo giai đoạn. Cụ thể, tại TP.Thuận An, trước năm 2030 sẽ đầu tư kết nối tuyến đường ven sông từ đường Gia Long đến rạch Bà Lụa bằng vốn đầu tư công.

Sau năm 2030, đầu tư bằng vốn đầu tư công đoạn tuyến từ rạch Vĩnh Bình đến đường Gia Long; cải tạo đoạn tuyến từ rạch Bình Nhâm đến đường Châu Văn Tiếp và đoạn thuộc dự án cống ngăn triều Bình Nhâm; đầu tư cống kiểm soát triều rạch Vĩnh Bình - Lái Thiêu.

Ở TP.Thủ Dầu Một, giai đoạn đến năm 2030, đầu tư kết nối các tuyến đường ven sông từ rạch Bà Lụa đến ranh khu vực phát triển đô thị Tân An bằng vốn xã hội hóa.

Tuyến từ ranh khu vực phát triển đô thị Tân An đến cầu Ông Cộ kết nối với đường ven sông địa phận Bến Cát, nguồn vốn đầu tư công, sau năm 2030.

Còn TP.Bến Cát và huyện Dầu Tiếng, đầu tư các đoạn tuyến đường ven sông nằm trong dự án các cảng, khu di tích địa đạo Tam giác sắt và các khu vực phát triển đô thị trước năm 2030, bằng nguồn vốn xã hội hóa của nhà đầu tư.

Giai đoạn sau năm 2030, đầu tư các đoạn tuyến còn lại ngoài phạm vi dự án cảng, khu vực phát triển đô thị bằng nguồn vốn đầu tư công.

Để triển khai thực hiện đầu tư tuyến đường ven sông Sài Gòn hiệu quả, Sở Xây dựng đề xuất, trước năm 2024, các địa phương có tuyến đường ven sông đi qua tổ chức điều chỉnh, phê duyệt quy hoạch chung và quy hoạch phân khu.

Sau khi được phê duyệt, các địa phương cần công bố quy hoạch đến người dân để đảm bảo tính minh bạch; có các giải pháp bảo vệ đất thuộc tuyến đường ven sông, tránh tình trạng lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép. Cập nhật khu vực phát triển đô thị vào quy hoạch. Công bố danh mục các khu vực phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh để thu hút nhà đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư tham gia vào dự án.

Đảm bảo sự đồng bộ về thời gian và quy mô đầu tư giữa các địa phương. Kết nối tuyến đường ven sông với các tuyến giao thông khác để tạo thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh.

Thiên Lý/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tin-24h/tuyen-duong-ven-song-dai-94km-se-la-ban-dap-cho-binh-duong-cat-canh-post1101605.vov