Tuyên ngôn Độc lập - sự hội tụ của tinh thần dân tộc và giá trị nhân văn của nhân loại
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, trịnh trọng tuyên bố khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam) - Nhà nước công - nông đầu tiên ở châu Á. Tuyên ngôn Độc lập là áng hùng văn bất hủ, văn kiện lịch sử - chính trị - pháp lý đầu tiên của các dân tộc thuộc địa bị áp bức bóc lột trên toàn thế giới. Tuyên ngôn Độc lập chính là sự hội tụ của tinh thần dân tộc và giá trị nhân văn của nhân loại.
Giá trị lớn lao, ý nghĩa thời đại và sức sống trường tồn của bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo trước hết xuất phát từ sự phát triển quyền tự nhiên của con người đến quyền độc lập, tự do của dân tộc; khẳng định sự thống nhất biện chứng giữa quyền dân tộc và quyền con người - mục tiêu, lý tưởng mà bất cứ quốc gia nào trên thế giới đều mong muốn và hướng đến. Tuyên ngôn Độc lập là sự kế thừa và phát triển quyền tự chủ của Nhân dân Việt Nam qua hàng nghìn năm lịch sử đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước, cùng với sự kết tinh giá trị nhân văn cao cả của nhân loại mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lĩnh hội được qua những tháng năm bôn ba khắp thế giới để tìm đường cứu nước. Đây thực sự là áng văn bất hủ khẳng định quyền độc lập tự do thiêng liêng của dân tộc.
Trong quá trình đấu tranh giữ nước của các thế hệ người Việt, lịch sử Việt Nam đã hai lần xuất hiện những tuyên ngôn mang tính lịch sử - chính trị - pháp lý. Đó là, “Nam quốc sơn hà” trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Tống của triều nhà Lý vào thế kỷ XI; “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi, thế kỷ XV. Năm 1945, thấm nhuần sâu sắc tinh thần và tư tưởng đó của các bậc tiền nhân cùng với sự tiếp nhận nhiều luồng tư tưởng tiến bộ của thế giới, trong Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và thật sự đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Vào những ngày sục sôi không khí của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tại ngôi nhà 48 Hàng Ngang, Hà Nội, chấp bút mở đầu cho Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn những câu bất hủ trong bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ năm 1776: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.
Rõ ràng là trong những năm bôn ba đi tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã được tiếp cận và nghiên cứu rất kỹ hai bản tuyên ngôn trên. Người đã tìm thấy trong các văn kiện quan trọng đó tư tưởng về quyền bình đẳng, quyền tự do. Chính điều này đã thực sự khiến Người chú ý và có ấn tượng sâu sắc. Có lẽ vì vậy mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bằng những câu bất hủ từ Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ, Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp. Điều khác biệt cơ bản là, trong khi hai bản tuyên ngôn trên chỉ dừng lại ở việc khẳng định quyền con người như một sự tất yếu của tạo hóa, thì trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát triển từ quyền tự nhiên của con người đến quyền độc lập, tự do của dân tộc; đồng thời làm rõ và khẳng định mối quan hệ biện chứng giữa quyền con người và quyền dân tộc. Đây là một sự phát triển hết sức sáng tạo và hợp quy luật.
Ngay sau trích dẫn các câu bất hủ nêu trên từ Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ, Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp, trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Sự suy rộng ra ấy không chỉ nói lên khát vọng độc lập tự do cháy bỏng của dân tộc Việt Nam, mà còn là tiếng nói chung của các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới.
Với lãnh tụ Hồ Chí Minh, quyền con người không thể tách rời quyền của mỗi dân tộc. Quyền con người là lẽ tự nhiên thì quyền của mỗi dân tộc cũng là lẽ tự nhiên. Con người trong dân tộc có được bình đẳng, tự do và hạnh phúc thì dân tộc đó mới được xem là dân tộc độc lập, tự do, hạnh phúc.
Đã 77 năm trôi qua nhưng quan điểm, tư tưởng về sự thống nhất biện chứng giữa quyền dân tộc và quyền con người; khát vọng cháy bỏng về độc lập, tự do và tinh thần đấu tranh kiên quyết để bảo vệ nền độc lập, tự do đã giành được trong Tuyên ngôn Độc lập vẫn trường tồn cùng lịch sử dân tộc, sống mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam và trở thành kim chỉ nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ hiện nay.
BTV (tổng hợp)