Tuyên Quang phát triển du lịch nông nghiệp theo hướng bền vững
Dựa trên những điều kiện thiên nhiên ưu đãi, những năm gần đây loại hình du lịch nông nghiệp đang phát triển mạnh ở huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang. Mối liên kết giữa du lịch và nông nghiệp đã đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.
Nằm ở độ cao trên 1.000 mét so với mực nước biển, xã Hồng Thái ở huyện Na Hang (Tuyên Quang) sở hữu khí hậu tự nhiên mát mẻ quanh năm. Nơi này còn có hơn 80 ha ruộng bậc thang và những vườn lê, vườn mật bạt ngàn, những cây chè Shan Tuyết trăm năm tuổi, đặc trưng của địa phương. Đến với Hồng Thái, du khách sẽ được trải nghiệm con đường hoa lê dài nhất Việt Nam, hơn 6,5 km và những nét văn hóa ẩm thực độc đáo của đồng bào Dao Tiền…
Những năm gần đây nhờ kết hợp du lịch với nông nghiệp nên đời sống của người Dao Tiền ở xã Hồng Thái ngày một nâng lên, cái đói, cái nghèo đã lùi vào quá khứ. Chị Đặng Thị Hà - chủ homestay Hoàng Hà cho biết du khách đến với Hồng Thái ngắm cảnh quan thiên nhiên còn rất thích các đặc sản địa phương, rau củ quả trái vụ. "Ở trên này có điều kiện khí hậu và phong cảnh thiên nhiên, tháng 3 mùa hoa lê nở, vào tháng 9 là mùa lúa chín, tháng 5, tháng 7 mùa nước đổ cũng có khách du lịch".
Ông Đặng Hoàng Thái - thành viên Hợp tác xã Sơn Trà cho biết những năm gần đây khách du lịch đến với xã Hồng Thái ngày một đông, qua đó các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là chè Shan Tuyết bán được nhiều hơn. "Khi khách du lịch đến đây người ta cũng hay hỏi ngoài chỗ chơi có đặc sản gì. Cũng giới thiệu cho khách như chè, rượu, hoa quả... khách cũng mua về làm quà. So với trước đây, khi có khách du lịch thì lượng bán hàng cũng tăng lên".
Để hỗ trợ người dân phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, thời gian qua, huyện Na Hang đã quan tâm và tạo điều kiện hỗ trợ cho người dân phát triển nông nghiệp gắn với du lịch. Ưu tiên đầu tư những dự án hạ tầng kỹ thuật xã hội như cầu, đường giao thông, viễn thông. Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, hữu cơ, phát triển chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tạo ra nhiều sản phẩm mẫu mã đẹp, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch.
Ông Vi Ngọc Quý - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Na Hang cho rằng khi kết hợp với du lịch, các sản phẩm nông nghiệp phải đạt tiêu chuẩn chất lượng thì mới tiêu thụ được: "Chúng tôi đang đẩy mạnh các sản phẩm đặc trưng của huyện là sản phẩm OCOP, hoàn thiện mẫu mã sản phẩm để nâng hạng lên. Hiện Na Hang đang duy trì tốt là cây chè đã có chỉ dẫn địa lý, rượu ngô men lá Na Hang cũng có chỉ dẫn địa lý. Thủy sản Na Hang có lợi thế lòng hồ thủy điện nên phát triển thủy sản có hiệu quả".
Để người nông dân làm du lịch chuyên nghiệp hơn, huyện Na Hang thường xuyên quan tâm tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng giúp nông dân nâng cao kỹ năng làm dịch vụ du lịch. Qua đó, ý thức giữ gìn cảnh quan môi trường, bảo tồn các giá trị văn hóa, kỹ năng về kinh doanh du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp, quảng bá, giới thiệu hình ảnh, điểm đến đã được từng bước nâng cao.
Ông Nguyễn Trọng Đoan - Phó Chủ tịch UBND huyện Na Hang cho biết hiện nay, các tour du lịch nông nghiệp ở địa phương kết hợp tham quan lòng hồ thủy điện Tuyên Quang, kèm theo trải nghiệm hoạt động bắt cá, ngắm ruộng bậc thang, chế biến chè Shan Tuyết... đã giúp địa phương phát triển du lịch hiệu quả, tạo lợi thế quảng bá tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
"Trong sản xuất nông lâm nghiệp thì lĩnh vực du lịch rất hiệu quả, mang lợi ích cho người dân. Đặc biệt lĩnh vực nông nghiệp, ngoài áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất thì các chuỗi tiêu thụ sản phẩm, một số hợp tác xã, sản phẩm OCOP được giao dịch tiện lợi đem lại hiệu quả", ông Nguyễn Trọng Đoan nói.
Du lịch nông nghiệp hiện đang mang lại nhiều lợi ích về phát triển kinh tế bền vững cho người dân. Loại hình này không chỉ giúp người dân bảo vệ môi trường mà còn bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.
Xác định rõ mục tiêu phát triển du lịch nông nghiệp, UBND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 - 2025. Kế hoạch nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững.