Tuyên Quang: Tự ý đắp thuốc Nam gây bỏng nặng cả hai chân
Theo thông tin từ bệnh viện tỉnh Tuyên Quang, mới đây BV tiếp nhận một trường hợp 2 chân bị hoại tử nặng nề do đắp lá, bệnh nhân được chuẩn đoán bỏng độ III.
Bệnh nhân Nguyễn Văn T nằm tại bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: từ BV
Theo thông tin từ BV cho biết, trường hợp nói trên là bệnh nhân tên Nguyễn Văn T (34 tuổi), trú tại Đội Cấn, huyện Yên Sơn, nhập viện ngày 15/9 trong tình trạng cẳng chân 2 bên sưng tấy, phỏng nước, có phần trợt da, có phần hoạt tử đen kèm theo chảy mủ hôi tanh… Sau khi được kiểm tra, các bác sỹ chẩn đoán bỏng độ II, III (diện tích khoảng 16%), một số vị trí bỏng độ IV (diện tích 3%).
Khi bệnh nhân nhập viện, đã được các bác sỹ, điều dưỡng khoa chấn thương chỉnh hình (CTCH), bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang làm sạch dịch mủ và vệ sinh sạch sẽ tại vị trí bỏng. Đồng thời, điều trị toàn thân, truyền kháng sinh, truyền dịch, dùng thuốc giảm đau, thay băng và theo dõi đánh giá tổn thương bỏng hàng ngày.
Gia đình bệnh nhân T cho biết, trước khi nhập viện 4 ngày, bệnh nhân đang sử dụng bếp ga công nghiệp, bất ngờ dây ga tuột bắn ra khỏi bếp, bén lửa và gây bỏng nặng. Gia đình đã nghe người quen giới thiệu lấy “thuốc Nam” của 1 “bà lang” về để đắp, nhưng không đỡ, càng ngày càng sưng to và đau rát, nên gia đình đã đưa bệnh nhân T đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang khám bệnh và điều trị.
Ngày 16-17/9, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang liên tục tiếp nhận thêm 02 trường hợp bệnh nhi: Nguyễn Bảo T (8 tuổi), trú tại Công Đa – Yên Sơn và Lý Thị H (5 tuổi), trú tại Phúc Ninh, Yên Sơn đều bị bỏng nước sôi độ II và độ III, sau khi bị bỏng, gia đình cũng đã đi lấy thuốc Nam về đắp cho trẻ, nhưng sau 1 ngày đắp thuốc không đỡ, thấy vị trí bỏng sưng, tấy đỏ, gia đình mới đưa trẻ đến Bệnh viện để khám bệnh và đang được điều trị tích cực tại khoa CTCH.
Bác sỹ Chuyên khoa II Ngọc Đại Cương, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Bệnh viện, Trưởng khoa CTCH, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết: Thời gian qua, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp nhập viện điều trị trong tình trạng nhiễm trùng vết bỏng do đắp thuốc Nam không rõ nguồn gốc. Có những bệnh nhân vùng bỏng đã hoại tử sâu, phải ghép da rất phức tạp, thời gian điều trị kéo dài và tốn rất nhiều chi phí.
Một bệnh nhi nhập viện tại bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: BV cung cấp.
Có nhiều tác nhân gây bỏng, thường gặp nhất là bỏng do nước sôi. Ngoài ra có thể là do dầu mỡ sôi, bỏng lửa hoặc điện, hóa chất…Tổn thương bỏng rất đa dạng ở nhiều vị trí như: mặt, chân, lưng, cánh cẳng tay, đặc biệt là bàn tay, ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh, để lại những di chứng nặng nề.
Các ca bỏng khoa Chấn thương chỉnh hình tiếp nhận và điều trị chủ yếu là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Ở tuổi này trẻ rất hiếu động và chưa ý thức được nguy hiểm, nếu bị bỏng ở vị trí vùng mặt hoặc bộ phận sinh dục rất nguy hiểm vì ảnh hưởng đến thẩm mỹ và chức năng sinh sản sau này của trẻ.
Một bệnh nhi khác bị bỏng nước sôi cũng tự ý đắp lá. Ảnh: Từ BV
Bệnh nhân bị bỏng cần đến bệnh viện xử lý vết thương ngay, có thể tránh các biến chứng nguy hiểm cho bệnh nhân. Nhưng do không được điều trị đúng cách bệnh nhân đã bị nhiễm trùng tại vị trí bỏng, nếu không được đưa đến Bệnh viện kịp thời, sẽ dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng huyết và có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Bác sỹ khuyến cáo, để tránh tai nạn bỏng ga, người nội trợ cần kiểm tra kỹ bếp và hệ thống van khóa, dây dẫn bình gas trước khi sử dụng; khóa bình gas sau khi sử dụng; Nếu van khóa và dây dẫn gas đã cũ cần phải được thay mới. Để tránh trẻ nhỏ bị bỏng nước sôi, cha mẹ cần luôn chú ý giám sát trẻ, cần để phích nước sôi, cốc nước nóng, thức ăn mới nấu… ở nơi trẻ không sờ hoặc với tới được.
Không để trẻ nhỏ tự tắm vòi nước nóng lạnh, nếu tắm chậu cho trẻ, cần đổ nước lạnh vào trước và hòa nước nóng sau, luôn kiểm tra nhiệt độ nước trước khi tắm cho trẻ. Khi nấu ăn luôn quay cán xoong, chảo vào phía trong.
Khi bê nước nóng, thức ăn mới nấu, cần tránh xa trẻ để không va đụng. Kiểm tra nhiệt độ của thức ăn, đồ uống trước khi cho trẻ ăn, uống. Không nên ăn thức ăn, uống nước nóng khi bế trẻ nhỏ…tránh trường hợp trẻ nghịch bị đổ gây bỏng.
Nếu bị bỏng, trước tiên cần cách ly bệnh nhân tránh xa tác nhân gây bỏng, xả vết bỏng dưới vòi nước mát ít nhất 15 phút (tuyệt đối không dùng đá, tránh gây bỏng lạnh), việc hạ nhiệt vùng bỏng sẽ giảm sưng, giảm độ sâu của vết thương, giảm nguy cơ gây sốc cho nạn nhân.
Nếu có bọng nước, kết vảy thì không nên bóc vì vỡ ra dễ bị nhiễm trùng, tổn thương nặng hơn. Tuyệt đối không xoa dầu, bôi kem đánh răng, trứng gà, mỡ trăn, dầu cá, đắp lá chữa bỏng… lên vùng bỏng vì dễ bị nhiễm trùng. Sau khi sơ cứu, cần đưa ngay người bệnh đến Bệnh viện để được khám bệnh và điều trị.