Tuyên Quang: Xây dựng lộ trình nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới

Ngày 25.6, Thường trực HĐND tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức Phiên giải trình về việc duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí xã NTM giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Phạm Thị Minh Xuân; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Thanh Trà chủ trì phiên họp.

45/62 xã nông thôn mới không duy trì được 19/19 tiêu chí

Tính đến tháng 5.2024, toàn tỉnh Tuyên Quang có 62/122 xã đạt chuẩn NTM (tỷ lệ 50,8%). Trong đó, 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 12/12 xã có kế hoạch đạt chuẩn NTM năm 2023 đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận. Về tiêu chí, đạt bình quân 15,8 tiêu chí/xã.

Quang cảnh phiên giải trình

Quang cảnh phiên giải trình

Đối với cấp huyện, năm 2022, tỉnh có một đơn vị là TP. Tuyên Quang được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu sẽ có thêm 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn là Hàm Yên và Sơn Dương...

Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo tại phiên giải trình cho thấy, tính đến hết tháng 4.2024, có tới 45/62 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM không duy trì được 19/19 tiêu chí. Trong đó, 12/14 xã của huyện Yên Sơn; 10/12 xã thuộc huyện Chiêm Hóa; 8/11 xã thuộc huyện Hàm Yên; 7/13 xã của huyện Sơn Dương; 3/3 xã thuộc huyện Lâm Bình... TP. Tuyên Quang cũng có đến 2/5 xã không duy trì được đủ tiêu chí.

Các đại biểu dự phiên giải trình

Các đại biểu dự phiên giải trình

Tại một số xã đạt chuẩn NTM, mô hình phát triển kinh tế còn nhỏ lẻ, manh mún, giá trị hàng hóa thu nhập trên đơn vị sản xuất thấp, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thiếu bền vững, gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh tự tìm đầu ra cho sản phẩm của mình, chưa có sự hỗ trợ tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Vốn ngân sách tỉnh bố trí cho các xã thực hiện kế hoạch xây dựng NTM năm 2022, 2023 chưa kịp thời, còn thiếu so với các quyết định phê duyệt kế hoạch vốn…

Đại biểu HĐND tỉnh phát biểu ý kiến tại phiên giải trình

Đại biểu HĐND tỉnh phát biểu ý kiến tại phiên giải trình

Trước tình trạng trên, các đại biểu HĐND tỉnh đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến trách nhiệm của chính quyền các cấp, các sở, ngành chức năng trong việc duy trì các tiêu chí ở các xã; giải pháp để nâng cao chất lượng các tiêu chí bảo đảm bền vững. Đồng thời, đề nghị chú trọng đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh lập quy hoạch chung xây dựng các xã, giảm tỷ lệ nghèo đa chiều, nâng cao tiêu chí nhà ở dân cư, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, môi trường và an toàn thực phẩm; bố trí nguồn lực cho các xã đạt chuẩn nhằm tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí; tuyên truyền, phát huy tối đa vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM...

Quan tâm đầu tư nguồn lực duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí

Tại phiên giải trình sau khi lãnh đạo các sở, ngành, địa phương giải trình làm rõ các nội dung liên quan đến ngành quản lý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thế Giang đã giải đáp, làm rõ thêm về những vấn đề đại biểu băn khoăn. Trong đó, lý giải việc nhiều địa phương không duy trì được 19/19 tiêu chí là do Bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2021 - 2025 có nhiều tiêu chí được bổ sung nội dung, điều chỉnh mức độ đạt cao hơn. Cụ thể, tăng từ 49 lên 59 chỉ tiêu (tăng 10 chỉ tiêu so với giai đoạn 2016 – 2020).

 Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Vân Đình Thảo phát biểu tại phiên giải trình

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Vân Đình Thảo phát biểu tại phiên giải trình

Điều này đòi hỏi các địa phương phải có sự tập trung chỉ đạo thực hiện với sự tham gia tích cực của người dân, cộng đồng. Đơn cử, như: chỉ tiêu về thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của xã gắn với xây dựng vùng nguyên liệu và được chứng nhận VietGAP hoặc tương đương; chỉ tiêu về tỷ lệ dân số có sổ khám, chữa bệnh điện tử 50% trở lên; tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn từ 30% trở lên; tỷ lệ hộ nghèo hằng năm từ 12% trở xuống nay là tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo đa chiều dưới 13% (bao gồm cả hộ nghèo và hộ cận nghèo)…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thế Giang phát biểu tại phiên giải trình

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thế Giang phát biểu tại phiên giải trình

Bên cạnh đó, nguồn thu ngân sách tỉnh còn hạn chế nên vốn ngân sách tỉnh bố trí cho các xã mục tiêu năm 2022, 2023 chưa kịp thời; còn thiếu so với các quyết định phê duyệt kế hoạch thực hiện mục tiêu các xã của tỉnh nên ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thiện các công trình, các tiêu chí…

Nhằm duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí xã NTM giai đoạn 2021 - 2025, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thế Giang nhấn mạnh: UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các thành viên Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh của tỉnh, tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí đặc biệt là hoàn thành các tiêu chí chưa đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí hiện hành.

Yêu cầu các ngành, địa phương chủ động rà soát các chỉ tiêu, tiêu chí xây dựng NTM tại các xã đã đạt chuẩn NTM, xây dựng kế hoạch, giải pháp, lộ trình cụ thể để thực hiện duy trì, củng cố, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đảm bảo đáp ứng theo quy định của Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021 - 2025...

Phát biểu kết luận phiên giải trình, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Phạm Thị Minh Xuân đề nghị, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố khắc phục ngay những tồn tại hạn chế đã được chỉ ra qua báo cáo khảo sát của Thường trực HĐND tỉnh. Sớm chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát lại các chỉ tiêu, tiêu chí xây dựng NTM, có giải pháp cụ thể duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt.

 Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Phạm Thị Minh Xuân phát biểu kết luận phiên giải trình

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Phạm Thị Minh Xuân phát biểu kết luận phiên giải trình

Cùng với đó, quan tâm đầu tư nguồn lực cho các xã đạt chuẩn NTM tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí làm nền tảng để xây dựng xã NTM nâng cao, kiểu mẫu theo hướng bền vững. Bố trí nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM cho các huyện còn thiếu từ năm 2022, 2023.

Quan tâm đầu tư cho phát triển sản xuất; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã trong nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, tiêu chuẩn hóa, nâng hạng các sản phẩm OCOP, đưa những sản phẩm OCOP, sản phẩm có thế mạnh của tỉnh tham gia triển lãm, trưng bày, giới thiệu tại một số hội chợ, chương trình kết nối lớn trên cả nước; kết nối đưa nông sản của tỉnh vào các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, lên sàn giao dịch thương mại điện tử.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cũng nhấn mạnh, cần nghiên cứu cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn, nhất là lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp, ngành nghề nông thôn. Thu hút đầu tư, xây dựng nhà máy xử lý rác để việc phân loại, xử lý rác trên toàn tỉnh đảm bảo vệ sinh môi trường. Tổ chức nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế; đào tạo nghề cho lao động nông thôn phù hợp với thực tế phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; thực hiện chính sách giải quyết việc làm sau đào tạo nghề...

Nguyễn Ánh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-dong/tuyen-quang-xay-dung-lo-trinh-nang-cao-chat-luong-cac-tieu-chi-nong-thon-moi-i376875/