Tuyển sinh 2024: Cơ sở đào tạo không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học trước ngày 22/8
Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu ý, cơ sở đào tạo không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học hoặc nhập học trước ngày 22/8 và không được kết thúc xác nhận nhập học hoặc kết thúc nhập học trước 17 giờ ngày 6/9.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành dự thảo công văn hướng dẫn tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục mầm non. Theo đó, Bộ lưu ý các cơ sở đào tạo thực hiện những nội dung sau:
Thứ nhất, ban hành đề án, quy chế tuyển sinh của cơ sở đào tạo theo quy định; mỗi cơ sở đào tạo được gán 1 mã số và cấp một tài khoản (tên truy cập và mật khẩu) để sử dụng trong công tác tuyển sinh.
Các cơ sở đào tạo khi đăng nhập hệ thống phải cập nhật đầy đủ, chính xác thông tin của cơ sở đào tạo; chịu trách nhiệm về tính chính xác của dữ liệu, thông tin đưa lên hệ thống.
Thứ hai, đề án tuyển sinh của cơ sở đào tạo phải cung cấp đầy đủ, đúng cấu trúc, định dạng và bảo đảm tính xác thực của thông tin, dữ liệu tuyển sinh theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó lưu ý:
- Thông tin cần dễ hiểu, rõ ràng để thí sinh không nhầm lẫn giữa quy định xét tuyển thẳng theo quy định tại Điều 8 của Quy chế tuyển sinh với phương án tuyển sinh riêng của cơ sở đào tạo; giữa tên các cơ sở đào tạo; tuyển sinh vào phân hiệu của cơ sở đào tạo với cơ sở đào tạo; giữa các chương trình đào tạo của cơ sở đào tạo; lưu ý triển khai áp dụng quy định về điểm ưu tiên cho tất cả phương thức xét tuyển theo đúng quy định của Quy chế tuyển sinh (Không được quy định, thông báo hoặc yêu cầu thí sinh phải đăng ký nguyện vọng 1 trên Hệ thống mới được xét tuyển (trừ trường hợp thí sinh đăng ký vào các cơ sở đào tạo Công an, Quân đội).
- Đảm bảo tuyệt đối chính xác, thống nhất các thông tin tuyển sinh khai báo trong hệ thống với các thông tin trong đề án tuyển sinh (như mã cơ sở đào tạo, mã chương trình/ngành/nhóm ngành, mã phương thức xét tuyển2, mã tổ hợp xét tuyển, và chỉ tiêu xét tuyển, tiêu chí phụ...) và trong các thông báo tuyển sinh.
Việc để sai sót trong khâu này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của thí sinh, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác tuyển sinh của hệ thống. Cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm giải trình về các nội dung của đề án tuyển sinh với Bộ Giáo dục và Đào tạo, cơ quan có thẩm quyền và các bên liên quan theo quy định và theo yêu cầu; chịu trách nhiệm trước pháp luật về công tác tuyển sinh, các điều kiện đảm bảo chất lượng, tính đầy đủ, chính xác của các nội dung trong đề án.
Đề án tuyển sinh của cơ sở đào tạo phải đăng trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo (tại trang chủ), đồng thời phải gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo ngay sau khi đăng để phục vụ công tác hậu kiểm.
- Trước và trong thời gian tuyển sinh tiếp tục rà soát lại đề án tuyển sinh, thông báo tuyển sinh bao gồm: chỉ tiêu, ngành, phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển; bài thi/môn thi được nhân hệ số khi xét tuyển, mức chênh lệch điểm giữa các tổ hợp so với tổ hợp gốc, tiêu chí phụ, môn năng khiếu, điểm xét tuyển môn năng khiếu (nếu có); các phương thức, điều kiện xét tuyển bổ sung (nếu có)...;
- Trong trường hợp cần điều chỉnh, bổ sung nội dung đề án, phải tuân thủ các quy định, hướng dẫn và việc điều chỉnh phải bảo đảm không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các thí sinh đã đăng ký xét tuyển vào cơ sở đào tạo (ví dụ: cơ sở đào tạo mở thêm ngành và điều chỉnh chỉ tiêu cho ngành mới mở; lượng thí sinh đăng ký thấp hơn chỉ tiêu dự kiến một số ngành nên cần điều chỉnh chỉ tiêu dư cho các ngành gần trong nhóm ngành; điều chỉnh để thống nhất thông tin khai báo trên hệ thống nghiệp vụ với báo cáo xác định chỉ tiêu và đề án tuyển sinh đã công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo;...).
- Cập nhật các nội dung thay đổi trong Đề án lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo để báo cáo và phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra;
- Các cơ sở đào tạo điều chỉnh và công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo và cập nhật vào hệ thống mức điểm nhận hồ sơ đăng ký nguyện vọng xét tuyển đối với các tổ hợp xét tuyển khác nhau, sau khi có kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông và các điều kiện khác không trái với Quy chế tuyển sinh.
Thứ ba, cập nhật thường xuyên cơ sở dữ liệu ngành trên hệ thống HEMIS (phục vụ công tác xác định chỉ tiêu tuyển sinh năm 2024), công bố công khai minh bạch điều kiện đảm bảo chất lượng trong việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh, các điều kiện sơ tuyển, điều kiện xét tuyển, tổ hợp xét tuyển, ngưỡng đảm bảo chất lượng, chính sách ưu tiên của cơ sở đào tạo gắn với yêu cầu của ngành đào tạo;
Đối với các ngành đào giáo viên và ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề, cơ sở đào tạo sử dụng kết quả điểm thi trung học phổ thông để xét tuyển phải cập nhật ngưỡng đầu vào trước 17 giờ ngày 21/7/2024; rà soát và cập nhật chính xác chỉ tiêu sư phạm đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo lên hệ thống báo cáo xác định chỉ tiêu và trang nghiệp vụ; đồng thời đồng bộ đề án tuyển sinh tại Cổng thông tin tuyển sinh, đảm bảo các thông tin thống nhất và chính xác.
Thứ tư, công tác xét tuyển:
a) Chỉ tổ chức xét tuyển đối với các ngành đủ điều kiện theo quy định. Đối với các ngành buộc phải dừng tuyển sinh, cần phải thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo.
- Khi thông tin về Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Mã định danh giữa hệ thống và thí sinh khai báo tại cơ sở đào tạo không thống nhất, cơ sở đào tạo lấy theo số Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Mã định danh trên hệ thống và sử dụng trong suốt quá trình đăng ký xét tuyển, lọc ảo và nhập học. Số Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân đúng sẽ được cập nhật sau khi thí sinh nhập học vào cơ sở đào tạo.
- Trên hệ thống đã hỗ trợ các cơ sở đào tạo có thực hiện xét tuyển sớm báo cáo thống kê danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển đã đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào cơ sở đào tạo hoặc cơ sở đào tạo khác.
Cơ sở đào tạo vào hệ thống và chọn mục báo cáo, báo cáo khai thác số liệu, tình hình đăng ký nguyện vọng của những thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển sớm để tải về báo cáo thống kê.
Rà soát danh sách thí sinh đã thông báo đủ điều kiện trúng tuyển. Trường hợp thí sinh không đủ điều kiện trúng tuyển như đã thông báo, cơ sở đào tạo phải kịp thời liên hệ, thông báo cho thí sinh biết và có phương án hỗ trợ thí sinh.
b) Đối với phương thức xét tuyển thẳng, cơ sở đào tạo quy định cụ thể các ngành học phù hợp với môn thi, nội dung đề tài hoặc nghề dự thi, thi đấu, đoạt giải.
c) Tổ chức đăng ký và xét tuyển sớm:
- Thực hiện theo quy định tại Điều 18 của Quy chế tuyển sinh và cập nhật danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm lên hệ thống trước 17 giờ ngày 8/7/2024;
- Chỉ xét tuyển sớm với các phương thức không sử dụng kết quả điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 (trong trường hợp phương thức xét tuyển có sử dụng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 thì thực hiện xét tuyển theo kế hoạch chung);
- Phải có phương án để không tuyển vượt số lượng chỉ tiêu đã dự kiến;
- Thông báo cho thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp trung học phổ thông) để thí sinh có đủ thông tin và chủ động trong việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống; tuyệt đối không được xét tuyển lại (tăng hoặc giảm mức điểm trúng tuyển) để loại bớt hoặc tăng thêm thí sinh. Tất cả các thí sinh trúng tuyển sớm phải được đưa lên hệ thống để xử lý nguyện vọng nếu thí sinh có đăng ký nguyện vọng xét tuyển.
- Không được yêu cầu hoặc thỏa thuận với thí sinh việc cam kết, xác nhận nhập học sớm dưới bất kỳ hình thức nào (nộp kinh phí giữ chỗ, thu giữ các hồ sơ…);
Cơ sở đào tạo phải thông báo rõ thời điểm nhận hồ sơ xét tuyển và tổ chức xét tuyển theo phương thức xét tuyển sớm, bảo đảm đồng bộ giữa việc thí sinh nộp hồ sơ về cơ sở đào tạo và đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống.
Các cơ sở đào tạo phải có các biện pháp kiểm tra, đối sánh các dữ liệu khác (chứng chỉ…) để đảm bảo đúng, đầy đủ dữ liệu trước khi xét tuyển.
d) Trong đợt 1, các cơ sở đào tạo có thủ tục sơ tuyển, kết quả kỳ thi độc lập, bổ trợ, đánh giá năng lực, chứng chỉ ngoại ngữ… (nếu có) hoặc các hình thức khác để kết hợp với việc sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông để xét tuyển phải hoàn thành việc cập nhật kết quả vào hệ thống trước 17 giờ ngày 28/7/2024.
đ) Bộ Giáo dục và Đào tạo hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ sở đào tạo về: thông tin tuyển sinh trên Cổng thông tin tuyển sinh, thống kê nguyện vọng thí sinh, điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, điểm thi đánh giá năng lực, tư duy (nếu có), điểm kết quả học tập cấp trung học phổ thông, các minh chứng về ưu tiên và phần mềm xét tuyển (các cơ sở đào tạo phải cập nhật đúng phiên bản phần mềm xét tuyển)... để giúp các cơ sở đào tạo thực hiện tuyển sinh thuận lợi.
Tuy nhiên, các cơ sở đào tạo cần lưu ý: Hệ thống xử lý nguyện vọng xét tuyển chỉ làm nhiệm vụ lọc bỏ những thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng cao hơn vào cơ sở đào tạo khác ra khỏi danh sách trúng tuyển dự kiến mà cơ sở đào tạo gửi lên hệ thống, không có chức năng điều chỉnh chỉ tiêu, điểm chuẩn mà cơ sở đào tạo đã xác định; Hệ thống không xét tuyển thay cho các cơ sở đào tạo.
- Các cơ sở đào tạo sẽ nhận được đầy đủ thông tin ưu tiên của thí sinh sau khi thí sinh đăng ký xét tuyển trên hệ thống. Các cơ sở đào tạo tổ chức xét tuyển sớm mà không sử dụng dữ liệu trên hệ thống chung phải tự chịu trách nhiệm về thông tin để xét đối tượng, khu vực ưu tiên, nhưng nhất định không được đặt ra những yêu cầu gây phiền hà cho thí sinh trái với quy định của Chính phủ về bãi bỏ yêu cầu nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, giấy xác nhận thông tin về cư trú khi thực hiện thủ tục hành chính.
- Cơ sở đào tạo phải triệt để tuân thủ và thống nhất thực hiện quy định về danh sách trúng tuyển. Danh sách thí sinh trúng tuyển chính thức vào cơ sở đào tạo là danh sách thí sinh được hệ thống xử lý nguyện vọng xét tuyển gửi lại cơ sở đào tạo (trên cơ sở danh sách thí sinh dự kiến trúng tuyển do cơ sở đào tạo tải lên hệ thống) sau khi lọc ảo lần cuối cùng vào ngày 10/8/2024. Các cơ sở đào tạo tuyệt đối không được điều chỉnh danh sách trúng tuyển chính thức này.
e) Thí sinh chỉ đăng ký xét tuyển theo ngành. Vì vậy, các cơ sở đào tạo có sử dụng nhiều phương thức, tổ hợp để xét tuyển thì phần mềm phải xét tuyển tất các các phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển cho thí sinh (nếu thí sinh đáp ứng các quy định) theo đúng đề án tuyển sinh đã công bố.
Thứ năm, các cơ sở đào tạo sử dụng đồng thời nhiều phương thức xét tuyển cho một ngành hoặc nhóm ngành (sau đây gọi chung là ngành) phải xác định và công bố công khai chỉ tiêu, mức điểm, điều kiện nhận đăng kí xét tuyển cho từng phương thức xét tuyển.
Chủ động phân tích, thống kê kết quả của các phương thức xét tuyển; phân tích, đánh giá kết quả học tập của sinh viên theo các phương thức xét tuyển. Với những ngành sử dụng đồng thời nhiều phương thức xét tuyển, nhiều tổ hợp môn thi, các cơ sở đào tạo cần rà soát đảm bảo công bằng, hiệu quả và và chịu trách nhiệm giải trình trước xã hội, đảm bảo sự công bằng cho thí sinh; loại bỏ các phương thức xét tuyển không đảm bảo công bằng, hiệu quả.
Trong trường hợp các phương thức hoặc tổ hợp xét tuyển của cùng một ngành có số lượng chỉ tiêu riêng thì cơ sở đào tạo phải giải trình được căn cứ phù hợp cho việc phân bổ chỉ tiêu cho từng phương thức hoặc tổ hợp xét tuyển.
Thứ sáu, các cơ sở đào tạo phải bố trí bộ phận thường trực gồm các cán bộ có năng lực, có kinh nghiệm trong công tác tuyển sinh, nắm vững quy chế để giải đáp các thắc mắc liên quan đến công tác tuyển sinh của cơ sở đào tạo và chế độ ưu tiên trong tuyển sinh.
Tạo điều kiện hỗ trợ thí sinh được sử dụng các phòng máy tính nối mạng internet của cơ sở đào tạo để thực hiện việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển (nếu thí sinh có nhu cầu).
Thứ bảy, mức điểm ưu tiên (ưu tiên khu vực, ưu tiên đối tượng) để xét tuyển đảm bảo thống nhất, đồng bộ theo đúng quy định tại Điều 7 của Quy chế tuyển sinh.
Trước khi xét tuyển cơ sở đào tạo quy về thang điểm 30 (bao gồm tất cả các điểm xét) và xác định mức điểm ưu tiên để xét. Trường hợp xét tuyển theo thang điểm khác thang điểm 30 cơ sở đào tạo phải xác định mức điểm ưu tiên tương ứng như thang điểm 30 theo quy định tại Điều 7 của Quy chế tuyển sinh.
Trong trường hợp xét theo thang điểm 30, cơ sở đào tạo quy định các tiêu chí phụ đối với thí sinh có năng lực vượt trội (nếu có) phải đảm bảo điểm trúng tuyển không lớn hơn 30 điểm bao gồm cả điểm ưu tiên, điểm thưởng (nếu có).
Thứ tám, từ ngày 5/8/2024 đến 17 giờ ngày 10/8/2024, cơ sở đào tạo phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát dữ liệu trên Hệ thống trước khi tải dữ liệu, thông tin xét tuyển.
Từ ngày 5/8/2024 đến 17 giờ ngày 10/8/2024 theo các mốc thời gian, cơ sở đào tạo tải dữ liệu, thông tin xét tuyển trên hệ thống, tổ chức xét tuyển nguyện vọng của thí sinh đã đăng ký vào cơ sở đào tạo tương ứng dữ liệu thí sinh cung cấp phục vụ xét tuyển vào ngành/chương, xử lý nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống để xác định nguyện vọng cao nhất trong số nguyện vọng xét tuyển mà thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển.
Thứ chín, cơ sở đào tạo phải quy định tất cả các thí sinh xác nhận nhập học bằng hình thức trực tuyến trên hệ thống, trước khi nhập học tại cơ sở đào tạo.
- Đối với thí sinh trúng tuyển theo phương thức xét tuyển thẳng (Điều 8 của Quy chế tuyển sinh), cơ sở đào tạo hướng dẫn thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống trong thời gian quy định.
- Trên cơ sở số thí sinh xác nhận nhập học, cơ sở đào tạo tổ chức xét tuyển các đợt tiếp theo (nếu có) và cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển và nhập học theo quy định.
- Các cơ sở đào tạo công bố điểm trúng tuyển phải kèm theo việc công bố thang điểm xét tuyển và công bố thông tin tiêu chí phụ (nếu có). Cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển, nhập học các đợt, phương thức xét tuyển, các hình thức đào tạo theo đúng cấu trúc dữ liệu, đúng quy định trong các danh mục về tuyển sinh (trường phổ thông, xã khó khăn, xã đặc biệt khó khăn...) và đúng thời gian quy định.
- Cơ sở đào tạo không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học hoặc nhập học trước ngày 22/8/2024 và không được kết thúc xác nhận nhập học hoặc kết thúc nhập học trước 17 giờ ngày 6/9/2024 (kể cả đối với các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài).
Thứ mười, Các cơ sở đào tạo, nhóm cơ sở đào tạo lưu ý bảo mật thông tin trong suốt quá trình xét tuyển, xử lý nguyện vọng; lưu ý chuẩn bị cấu hình máy tính đủ mạnh để phục vụ công tác xét tuyển, xử lý nguyện vọng (đặc biệt các trường có số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển lớn).
- Các cơ sở đào tạo phải có biện pháp kiểm soát các điều kiện sơ tuyển, điều kiện phụ trong tuyển sinh, không để xảy ra tình trạng thí sinh đã trúng tuyển nhưng bị loại khi nhập học do: không đủ điều kiện sơ tuyển, điều kiện phụ, điều kiện sức khỏe, không đảm bảo yêu cầu về lý lịch để học tập; chịu trách nhiệm chủ động giải quyết và phối hợp với các cơ sở đào tạo liên quan để giải quyết các trường hợp ngoại lệ, trường hợp rủi ro cho thí sinh, và cam kết trách nhiệm của cơ sở đào tạo;
Các cơ sở đào tạo tự chủ trong công tác tuyển sinh và phải chịu trách nhiệm trong việc xác định chỉ tiêu, xác định điểm trúng tuyển vào các ngành/nhóm ngành đào tạo của cơ sở đào tạo; nếu cơ sở đào tạo xác định danh sách trúng tuyển dự kiến không sát với thực tế dẫn đến tuyển vượt chỉ tiêu đã đăng ký thì cơ sở đào tạo và cá nhân liên quan hoàn toàn chịu trách nhiệm và sẽ bị xử lý theo Điều 27 của Quy chế tuyển sinh hiện hành.
Những cơ sở đào tạo tuyển không đủ chỉ tiêu trong đợt 1 có thể tiếp tục xét tuyển các đợt bổ sung.