Tuyển sinh Đại học 2021: Hàng loạt các trường xét tuyển học bạ, liệu có nảy sinh bất cập?
Từ năm 2021, Bộ GD&ĐT giao quyền tự chủ cho các trường Đại học. Do vậy, các phương thức xét tuyển của nhiều trường cũng đa dạng hơn, trong đó có phương thức xét điểm học bạ được rất nhiều trường sử dụng. Tuy nhiên, phương thức này liệu có nảy sinh bất cập?
Các trường Top cũng xét học bạ
Trong mùa tuyển sinh năm nay, nhiều trường đại học top đầu cũng sử dụng phương thức xét tuyển học bạ để tuyển sinh. Hiện tại, đã có hơn 100 trường đại học, cao đẳng trên cả nước sử dụng học bạ là một trong những phương thức tuyển sinh với số lượng chỉ tiêu lớn.
Năm 2021, Học viện tài chính cũng sử dụng phương thức xét học bạ với những tiêu chí: Đạt học sinh giỏi 3 năm THPT, đoạt các giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia (nhất, nhì, ba, khuyến khích); Điểm Tổng kết 03 năm học THPT đạt từ 6.5 điểm trở lên; Tổng điểm trung bình 03 môn lớp 12 trong tổ hợp xét tuyển tự chọn (A00, A01, D01, D07) đạt từ 21 điểm trở lên.
Là một trong những trường Top đầu của cả nước về đào tạo sư phạm, năm nay, ĐH Sư phạm Hà Nội xét học bạ đối với những thí sinh: Là học sinh tốt nghiệp THPT năm 2021 có hạnh kiểm tất cả các học kỳ ở bậc THPT đạt loại tốt và 3 năm học lực giỏi; Đối với các ngành ngoài sư phạm: Thí sinh là học sinh tốt nghiệp THPT năm 2021 có hạnh kiểm tất cả các học kỳ và học lực 3 năm ở bậc THPT đạt từ khá trở lên.
Tương tự, đại diện phía Nam như Đại học Bách Khoa TP.HCM, ĐH Tôn Đức Thắng cũng sử dụng điểm học bạ xét tuyển, cụ thể:
Đại học Bách Khoa TP.HCM: Xét tuyển ưu tiên học sinh Giỏi tại các trường THPT chuyên, THPT năng khiếu trên cả nước và các trường thuộc nhóm trường có điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT cao nhất trong 3 năm gần đây (theo quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM).
Đại học Tôn Đức Thắng: Xét tuyển theo kết quả học tập của 05 học kỳ THPT (trừ học kỳ 2 lớp 12) dành cho học sinh tốt nghiệp THPT năm 2021 tại các trường THPT ký kết với Đại học Tôn Đức Thắng; với chương trình tiêu chuẩn, chất lượng cao và chương trình học 2 năm tại cơ sở, điểm xét tuyển là tổng điểm trung bình 5 học kỳ của các môn trong tổ hợp xét tuyển; Với chương trình đại học bằng tiếng Anh, xét tuyển 05 học kỳ theo điểm trung bình học kỳ.
Trong việc đào tạo tại các trường đại học, không có sự phân biệt các phương thức xét tuyển của sinh viên khi vào trường. Do đó, tất cả các thí sinh khi trúng tuyển đều học cùng một chương trình đào tạo như nhau.
Số lượng học sinh giỏi ở các lớp liệu có “bị” tăng quá nhanh?
Thực tế, ở mỗi một trường THPT, mỗi một địa phương, điểm học bạ có sự chênh lệch rất xa so với kết quả học tập thực sự của học sinh. Điều này bắt nguồn từ quan điểm đánh giá kết quả học bạ ở mỗi địa phương, mỗi giáo viên. Chính vì vậy, điểm học bạ không hoàn toàn thực sự phản ánh được học lực của học sinh THPT một cách khách quan trung thực.
Nếu trong xét tuyển đại học hiện nay phương thức xét điểm học bạ “lên ngôi”, liệu có tình trạng học sinh giỏi ở các trường, các lớp “bị” tăng quá nhanh không?
Theo chia sẻ của cán bộ tuyển sinh của một trường đại học, qua mỗi năm thực hiện phương thức xét tuyển học bạ, cán bộ này nhận thấy, trung bình điểm học bạ năm lớp 12 của học sinh luôn cao hơn hẳn so với điểm của năm lớp 10, 11.
Chưa kể, nhiều học sinh có điểm chênh lệch khá lớn giữa điểm học bạ và kết quả thi tốt nghiệp THPT. Thông thường, nếu học sinh đạt loại giỏi ở điểm học bạ một môn nào đó, thì điểm thi tốt nghiệp THPT của học sinh đó tối thiểu cũng phải đạt loại khá trở lên. Tuy nhiên, có những học sinh điểm môn đó chỉ đạt ở mức trung bình.
Vì vậy, để đảm bảo tính công bằng, khách quan khi xét tuyển bằng học bạ, Bộ GD&ĐT cần có một hệ thống đánh giá điểm học bạ. Hệ thống này đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa việc chấm điểm học bạ giữa các địa phương với nhau và giữa các giáo viên với nhau. Và phải có một bài toán tổng thể để tránh tình trạng phụ huynh, học sinh "xin" điểm học bạ, giành lợi thế trong xét tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học, cao đẳng.
Nhật Linh
Theo nhiều nguồn tin