Tuyển sinh đại học 2025: Cân nhắc với chương trình chất lượng cao

Chương trình chất lượng cao có thực sự 'cao' khi đầu vào của nhiều trường đại học (ĐH) có điểm chuẩn thấp hơn chương trình đại trà? Đây là băn khoăn của nhiều thí sinh và phụ huynh thời điểm này.

Học sinh tìm hiểu thông tin tại Ngày hội tư vấn Tuyển sinh - Hướng nghiệp năm 2025. Ảnh: Hà Anh.

Học sinh tìm hiểu thông tin tại Ngày hội tư vấn Tuyển sinh - Hướng nghiệp năm 2025. Ảnh: Hà Anh.

Đa dạng các chương trình đào tạo

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 11/2023 bãi bỏ Thông tư 23/2014 quy định về đào tạo chất lượng cao trình độ ĐH, một số cơ sở đào tạo đã xóa tên gọi chất lượng cao trong các chương trình đào tạo nhưng không ít trường vẫn giữ tên gọi này. Ở mùa tuyển sinh ĐH 2025, ghi nhận các loại hình chương trình đào tạo khác nhau trong cùng một trường ĐH.

Đề án tuyển sinh ĐH 2025 của Học viện Ngân hàng nêu rõ, các chương trình đào tạo của nhà trường được chia thành 3 nhóm là chương trình chất lượng cao, chương trình chuẩn và chương trình đào tạo liên kết quốc tế đều xét tuyển theo 5 phương thức. Trong đó, chương trình chất lượng cao được Học viện Ngân hàng giới thiệu là chương trình đào tạo các cử nhân tài năng và có chuẩn đầu ra cao hơn về kiến thức, kỹ năng, năng lực nghiên cứu khoa học và năng lực ngoại ngữ so với các chương trình đào tạo khác. Phần lớn các môn chuyên ngành được giảng dạy bằng tiếng Anh, nhiều môn học trong chương trình được tích hợp với các chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế. Đội ngũ giảng viên gồm các giáo sư từ trường ĐH danh tiếng trên thế giới và giảng viên có trình độ cao, giàu kinh nghiệm của Học viện Ngân hàng, hầu hết tu nghiệp tại các trường ĐH uy tín trên thế giới…

Đơn cử, cùng chuyên ngành Kế toán, hệ chất lượng cao đào tạo 152 tín chỉ có mức thu 1.113.000 đồng/tín chỉ, trong khi chương trình chuẩn là 135 tín chỉ với mức 785.000 đồng/tín chỉ. Về điểm chuẩn, năm 2024, hai hệ này có mức điểm trúng tuyển tương đương ở phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024, trung bình gần 9 điểm/môn nhưng hệ chất lượng cao nhân đôi điểm đối với môn Toán (thang điểm 40) trong khi hệ chuẩn lấy tổng điểm 3 môn theo tổ hợp xét tuyển (thang điểm 30).

ĐH Kinh tế Quốc dân thông tin, năm 2025 tuyển sinh 5 nhóm chương trình đào tạo gồm các chương trình học bằng tiếng Việt, chương trình đào tạo bằng tiếng Anh, chương trình định hướng ứng dụng POHE, chương trình tiên tiến và chương trình chất lượng cao. So với năm 2024, phương thức tuyển sinh các ngành chất lượng cao năm 2025 có thay đổi lớn đó là sẽ xét tuyển song song với các ngành học tiêu chuẩn, công bố điểm chuẩn ngay từ đầu. Những năm trước, thí sinh trúng tuyển vào các ngành đào tạo của trường, sau đó nhà trường mới tổ chức thi vào các ngành chất lượng cao nên thí sinh trúng tuyển một ngành nhưng sau khi thi vào hệ chất lượng cao có thể học ngành khác. Được biết, mức học phí của chương trình chất lượng cao áp dụng cho năm 2024 là 4,7 triệu đồng/tháng trong khi chương trình tiên tiến của trường này là 6,5 triệu đồng/tháng.

Trường ĐH Xây dựng có chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao PFIEV đào tạo bằng tiếng Việt và một số chương trình đào tạo bằng tiếng Anh và tiếng Pháp. Trong đó, điểm chuẩn năm 2024 của ngành Kỹ thuật xây dựng của chương trình PFIEV và chương trình đào tạo liên kết với ĐH Mississippi – Hoa Kỳ xét theo kết quả thi tốt nghiệp THPT 2024 là 20 trong khi chương trình chuẩn ngành này lấy 21,9 điểm.

Trường ĐH Ngoại thương có 5 mô hình đào tạo gồm chương trình tiêu chuẩn (học phí 22 - 25 triệu đồng/năm), chương trình chất lượng cao (45 - 48 triệu đồng/năm), chương trình tiên tiến (68 - 70 triệu đồng/năm), chương trình định hướng nghề nghiệp quốc tế và chương trình định hướng phát triển quốc tế (45 - 65 triệu đồng/năm). Điểm chuẩn xét tuyển năm 2024 giữa các mô hình đào tạo của cùng một chuyên ngành hầu hết đều bằng nhau hoặc chỉ chênh lệch ít, khoảng 0,5 điểm theo điểm thi tốt nghiệp THPT 2024.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, TS Lê Đông Phương - nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục ĐH (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam), nhìn nhận tự chủ ĐH góp phần không nhỏ cho sự bùng nổ các chương trình đào tạo từ đại trà đến chất lượng cao, liên kết đào tạo với với các trường ĐH quốc tế… Điều này mở ra nhiều cơ hội cho người học lựa chọn các chương trình phù hợp với năng lực, điều kiện kinh tế và định hướng phát triển của bản thân. Trong đó, người học cần đặc biệt lưu ý về mức học phí các chương trình chất lượng cao, tiên tiến đều cao hơn đáng kể so với chương trình tiêu chuẩn nên cần cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo không “đứt gánh giữa đường”.

Băn khoăn chất lượng dịch vụ

Đứng trước lựa chọn về ngành học cũng như các chương trình đào tạo chênh lệch nhau rõ rệt về học phí, điều phụ huynh và học sinh, cả xã hội quan tâm đó là ngoài đặc điểm nổi bật dễ nhận thấy của các chương trình chất lượng cao, chương trình tiên tiến… là đào tạo bằng tiếng Anh hoặc tiếng Anh bán phần, được ưu tiên sử dụng cơ sở vật chất hiện đại hơn hẳn, mô hình lớp học ít, đội ngũ giảng viên chất lượng… thì chuẩn đầu ra có vượt trội hơn so với chương trình tiêu chuẩn? Bởi không ít cơ sở giáo dục ĐH hiện nay đang tuyển sinh hệ chất lượng cao có điểm chuẩn đầu vào thấp hơn so với hệ đại trà.

Đã từng có không ít tranh luận về tên gọi chương trình chất lượng cao hay chương trình chất lượng dịch vụ cao những năm gần đây với nhiều ý kiến trái chiều. Là cơ sở giáo dục ĐH có thời gian dài xây dựng và đào tạo chương trình chất lượng cao từ năm 2003, Trường ĐH Luật TPHCM khẳng định quan điểm của nhà trường đó là đối tượng tham gia chương trình chất lượng cao phải trúng tuyển vào trường ở chương trình chuẩn đại trà, sau đó nếu có nguyện vọng thì làm đơn xin vào lớp chất lượng cao. Nhà trường sẽ tổ chức sơ tuyển trình độ tiếng Anh, nếu sinh viên đạt yêu cầu mới được học. Tuy nhiên, có trường cho rằng điểm đầu vào không hoàn toàn quyết định chất lượng đầu ra. Lý do là vì dù điểm trúng tuyển thấp hơn nhưng sinh viên học hệ chất lượng cao được đầu tư nguồn lực nhiều hơn so với lớp đại trà từ cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo tăng cường ứng dụng, rèn kỹ năng… và đặc biệt là lớp học ít nên có thể thực sự “lấy người học là trung tâm”.

Trường ĐH Ngân hàng TPHCM vừa công bố chương trình đào tạo lớp học tinh hoa với khoảng 2% sinh viên của trường tham gia chương trình này. Nhà trường khẳng định số lượng sinh viên ít, nguồn lực của trường có đủ để thực hiện đào tạo lấy sinh viên làm trung tâm. Chương trình sẽ giảng dạy 100% bằng tiếng Anh và đào tạo ngoại ngữ thứ hai là tiếng Trung, chú trọng phát triển kỹ năng thực hành qua các dự án thực tế và học tập tại doanh nghiệp, ngân hàng trong và ngoài nước. Sinh viên chương trình này sẽ học hai ngày tại trường, hai ngày học tại doanh nghiệp, một ngày tham gia các hoạt động cộng đồng trong hai năm đầu. Hai năm sau sinh viên cũng sẽ học lịch trình như vậy nhưng kiến tập, thực tập tại doanh nghiệp có lương dựa vào năng lực.

Bên cạnh đó, Trường ĐH Ngân hàng TPHCM vẫn tuyển sinh chương trình chuẩn, chương trình tiếng Anh bán phần và chương trình đào tạo đặc biệt (theo tiêu chuẩn Anh ngữ chất lượng quốc tế), chương trình quốc tế cấp song bằng. Trong đó, điểm chuẩn của chương trình chuẩn năm 2024 thường cao hơn từ 0,5 đến 4,35 điểm so với chương trình chất lượng cao (tiếng Anh bán phần) cùng chuyên ngành đào tạo.

Đề xuất áp trần học phí trường công lập

Hiện nay học phí ĐH công lập đang dao động từ 10,6 - 250 triệu đồng/năm, thực hiện theo quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP. Với sự chênh lệch đáng kể giữa học phí các chương trình đào tạo, nhiều băn khoăn đặt ra về việc trong cùng một trường công lập lại có sự phân hóa rõ rệt như vậy liệu có phù hợp?

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất một số định hướng sửa đổi Luật Giáo dục ĐH, trong đó có cách tính học phí. Theo đó, các trường ĐH được tự chủ về học phí đi kèm với cam kết đảm bảo chất lượng đào tạo. Riêng đối với các trường công lập, mức học phí không được vượt quá 50% thu nhập bình quân đầu người. Chẳng hạn, với thu nhập bình quân đầu người năm 2024 của Việt Nam là hơn 120 triệu đồng/năm, thì học phí một năm của trường ĐH công lập không vượt quá 60 triệu đồng.

Theo đánh giá của TS Lê Đông Phương, mục tiêu của đề xuất này theo Bộ GDĐT là nhằm thống nhất cơ chế học phí giữa trường công và tư, đồng thời đảm bảo tính công bằng và khả năng chi trả của người học là phù hợp trong bối cảnh học phí các trường ĐH ngày càng tăng cao và hệ thống trường ĐH tư khó cạnh tranh trong tuyển sinh so với các trường công lập vì học phí hệ tiêu chuẩn có khi cao hơn hệ chất lượng cao ở trường ĐH công lập.

“Hiện cả nước có 264 cơ sở giáo dục ĐH và cao đẳng với 2,3 triệu sinh viên. Để học phí không là rào cản trong tiếp cận giáo dục ĐH, Nhà nước cần tiếp tục có các chính sách hỗ trợ tài chính, học bổng cho người học; trong đó ưu tiên sinh viên ngành nghề mũi nhọn, vùng khó khăn, yếu thế” – TS Lê Đông Phương đề xuất.

Hàn Minh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tuyen-sinh-dai-hoc-2025-can-nhac-voi-chuong-trinh-chat-luong-cao-10303083.html