Tuyển sinh đại học 2025: Lưu ý khi đăng ký xét tuyển

17h ngày 28/7 là hạn cuối cùng thí sinh hoàn thành đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học (ĐH) năm 2025. Do mỗi trường quy đổi điểm một kiểu nên thí sinh cần cân nhắc kỹ và và mạnh dạn đăng ký xét tuyển vào ngành, trường đủ điều kiện dự tuyển.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2025. Ảnh: Lam Nhi .

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2025. Ảnh: Lam Nhi .

Chú ý về quy đổi điểm

Trần Thùy Dương - học sinh Trường THPT Chuyên Biên Hòa (tỉnh Ninh Bình) chia sẻ, em đạt 20,5 điểm khối D01 và hơn 90 điểm bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội. Dương cho biết có lợi thế xét tuyển theo diện học sinh trường chuyên nhưng không được cộng điểm ngoại ngữ do thiếu chứng chỉ. “Em khá tiếc vì không đầu tư thi chứng chỉ trong khi nhiều bạn đã có.” Dương đã đăng ký 15 nguyện vọng, trong đó có ngành chắc chắn trúng tuyển theo phương thức xét sớm, nhưng chưa phải ngành yêu thích nhất nên vẫn đặt Học viện Tài chính và một số ngành tại ĐH Quốc gia Hà Nội ở nguyện vọng đầu.

Còn Phạm Minh Cường - cựu học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (TP Hải Phòng), đạt 27 điểm khối A00 và dự định đăng ký vào ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Kinh tế (ĐHQG Hà Nội). Tuy nhiên, do mỗi trường có cách quy đổi điểm khác nhau, lại có nhiều phương thức xét tuyển như điểm thi đánh giá năng lực, học bạ..., Cường và gia đình đã nhiều lần tính toán để nắm chính xác mức điểm quy đổi trước khi đăng ký. Với IELTS 6.5, em khá tự tin nhưng ban đầu khá lúng túng khi cập nhật chứng chỉ lên hệ thống xét tuyển: phần ngoại ngữ không hiển thị trên phiếu in nguyện vọng. Sau đó, nhờ hướng dẫn của Bộ GDĐT, Cường đã tìm được chứng chỉ trong mục “Danh sách chứng chỉ ngoại ngữ”, thay vì mục “Tra cứu” như trước đó đã nhầm lẫn.

Bộ GDĐT đã công bố bảng bách phân vị, khung quy đổi chung nhưng hiện mỗi trường quy đổi mỗi khác do đặc thù riêng.

Các chuyên gia giáo dục lưu ý, thí sinh không nên quá lo lắng vì “ma trận” quy đổi điểm mà chỉ nên quan tâm tới các ngành, trường mình quan tâm. Một số em chia sẻ vì không hiểu rõ việc quy đổi ra sao nên dự kiến hạ thấp tiêu so với dự định để đảm bảo an toàn, không dám “đánh cược” đặt nguyện vọng 1 ở trường top đầu như trước. Tuy nhiên, điều này là không nên do hệ thống của Bộ GDĐT sẽ tự động chọn ra phương thức mà thí sinh có điểm xét tốt nhất.

Đại học không phải là… học đại

Cảnh báo từ các chuyên gia tuyển sinh cho thấy, do không nắm vững việc quy đổi điểm nên có trường hợp thí sinh và gia đình tính toán nhầm số điểm thí sinh đạt được thấp hơn thực tế dẫn đến việc không dám đăng ký ngành có điểm chuẩn dự kiến cao, đây là một điều đáng tiếc. Vì vậy, thí sinh vẫn nên đặt nguyện vọng yêu thích lên trước hết và không nên đăng ký quá ít nguyện vọng sẽ khó đảm bảo việc đỗ ĐH.

GS Nguyễn Đình Đức - nguyên Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) đưa ra lời khuyên, trong chiến lược chọn trường, ngoài căn cứ là mức điểm các em đạt được so với điểm sàn trường công bố, điểm chuẩn các năm trước, sở thích của bản thân, cần cân nhắc về các điều kiện liên quan đến thứ hạng của trường, cơ sở vật chất, cơ hội việc làm, thế mạnh và những cam kết hỗ trợ, đồng hành cùng với sinh viên trong quá trình học từ phía trường.

Đây cũng là lời khuyên của nhiều chuyên gia để ĐH không phải là học đại. Cần có định hướng về ngành, trường mình yêu thích thay vì chọn ngành, chọn trường để đảm bảo đỗ nhưng không thực sự yêu thích thì khi vào học có thể sẽ khó để đạt kết quả tốt.

GS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT cho rằng, trước đây nhiều người quan niệm trượt ĐH mới chọn học nghề nhưng thực tế ngày nay cho thấy, không phải cứ học ĐH mới thành công. Theo đó, các em cần xác định rõ ngành nghề mình muốn theo đuổi, năng lực của bản thân, nhu cầu của xã hội và cả yếu tố tài chính của gia đình do xu hướng tự chủ ĐH, các trường sẽ tăng học phí từ năm học này và cả những năm sau. Lựa chọn học nghề ở bậc cao đẳng, trung cấp hay sơ cấp cũng là một hướng đi, quan trọng là sự nỗ lực của người học sẽ làm nên thành công trong tương lai.

Thu Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tuyen-sinh-dai-hoc-2025-luu-y-khi-dang-ky-xet-tuyen-10311405.html