Tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020 có gì đặc biệt?
Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, trong công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020, dự kiến sẽ có một số điểm mới so với năm ngoái.
Chỉ còn khoảng 4 tháng nữa, kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2020 chính thức diễn ra. Trong thời gian này, nhiều phụ huynh, thí sinh đặc biệt quan tâm đến những quy định trong tuyển sinh bởi Bộ GD&ĐT đang tiếp tục sửa đổi, bổ sung quy chế cho kỳ tuyển sinh năm nay.
Đánh giá về công tác tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2019, TS. Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, tuyển sinh năm 2019 được đánh giá là thành công trên nhiều phương diện. Quy chế, quy trình tuyển sinh được hoàn thiện, công nghệ thông tin được áp dụng triệt để trong tất cả các khâu tuyển sinh đảm bảo khoa học, khách quan, công khai, minh bạch, giảm tối đa thí sinh ảo và kiểm soát tình trạng vượt chỉ tiêu tuyển sinh.
Việc tuyển sinh đảm bảo quyền tự chủ của trường theo đúng quy định của pháp luật, minh bạch thông tin trong đề án tuyển sinh và kết quả tuyển sinh. Phần mềm tuyển sinh đã phát huy tác dụng cho thí sinh trúng tuyển vào nguyện vọng ưu tiên cao nhất và giúp trường thống kê, dự tính được thí sinh ảo để chủ động tuyển sinh. Hệ thống này hoạt động ổn định, không có hiện tượng nghẽn mạng.
Tuy nhiên, cũng theo bà Phụng, bên cạnh những mặt đạt được, công tác tuyển sinh 2019 còn một số hạn chế cần khắc phục như: một số cơ sở đào tạo xác định tổ hợp không phù hợp với ngành đào tạo; quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào thấp hoặc nhập điểm sàn, các điều kiện sơ tuyển lên hệ thống không đúng với đề án tuyển sinh đã công bố; tỷ lệ thí sinh trúng tuyển, nhập học vào ngành sư phạm thấp…
Do đó, theo TS. Nguyễn Kim Phụng, quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2020 dự kiến có một số điểm mới. Cụ thể, năm 2020, Bộ sẽ quy định các nguyên tắc và mở rộng quyền tự chủ đối với các trường tổ chức thi tuyển sinh (thi các môn văn hóa, năng khiếu, đánh giá năng lực...) nhằm điều chỉnh pháp luật sát với thực tế, bảo đảm chất lượng đầu vào và nâng cao trách nhiệm giải trình của các trường.
Năm 2020, thí sinh sẽ tiếp tục được đăng ký xét tuyển không giới hạn số nguyện vọng, số trường và phải sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất). Nếu thí sinh đăng ký xét tuyển vào nhiều trường/ngành thì việc xét tuyển được thực hiện theo thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng; thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng ưu tiên cao nhất.
Đối với các ngành đào tạo giáo viên và các ngành y khoa, y học cổ truyền, răng - hàm - mặt, dược học, điểm trung bình cộng xét tuyển sử dụng kết quả học tập THPT trình độ đại học phải tối thiểu là 8 trở lên.
Bộ GD&ĐT tiếp tục quy định tiêu chí xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên, sức khỏe; đặc biệt là bổ sung quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đồng bộ giữa các hình thức, loại hình đào tạo của hai khối ngành này.
"Bộ GD&ĐT đã rà soát, sửa đổi bổ sung và đang xin ý kiến góp ý Quy chế tuyển sinh và Quy chế xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Căn cứ vào ý kiến góp ý, Vụ Giáo dục Đại học sẽ tập hợp để hoàn thiện và ban hành quy chế" - TS. Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết.
Bên cạnh việc xây dựng quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2020, Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ sẽ có đề nghị các Sở GD&ĐT chú trọng chỉ đạo các trường THPT quan tâm đẩy mạnh tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, thông qua nhiều hình thức. Đây là nhiệm vụ và trách nhiệm của các nhà trường, nhằm giúp học sinh lựa chọn được ngành nghề phù hợp, phát huy được sở trường của bản thân và đáp ứng được nhu cầu thực tế của thị trường lao động.
Các trường ĐH, CĐ trong công tác tư vấn hướng nghiệp cần cung cấp thông tin trung thực nhà trường. Việc tư vấn tuyển sinh cần đổi mới phương thức, có sự phối hợp chặt chẽ với đơn vị sử dụng lao động để đưa ra các yêu cầu nghề nghiệp chính xác cho học sinh, phụ huynh tham khảo, lựa chọn.