Tuyển sinh đại học năm 2025: Thay đổi tổ hợp môn xét tuyển, thí sinh được lợi
Với những dự kiến thay đổi của dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025 (gọi tắt là dự thảo quy chế), nhiều trường đã đồng loạt điều chỉnh tổ hợp môn xét tuyển.
Tăng tổ hợp xét tuyển
Theo quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025, thí sinh thi hai môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và hai môn lựa chọn trong 9 môn Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Tin học, Công nghệ. Trong đó, các môn Tin học, Công nghệ, Giáo dục kinh tế và pháp luật lần đầu xuất hiện ở kỳ thi tốt nghiệp. Điều này sẽ tạo nên sự thay đổi ở các tổ hợp xét tuyển đại học. Do đó, nhiều trường sẽ điều chỉnh tổ hợp xét tuyển.
Theo đề án tuyển sinh năm 2025 của Trường Đại học (ĐH) Khoa học và Công nghệ Hà Nội, trong 17 ngành đào tạo, có 6 ngành xét tuyển từ 4-6 tổ hợp, trong khi nhiều ngành khác có tới 11-12 tổ hợp xét tuyển. Đặc biệt, ngành Khoa học Vũ trụ và Công nghệ Vệ tinh (với 20 tổ hợp xét tuyển) trở thành ngành có số lượng tổ hợp xét tuyển nhiều nhất trong hệ thống ĐH hiện nay.
Bên cạnh đó, nhiều ngành khác tại trường cũng có số lượng tổ hợp xét tuyển lớn, như ngành Toán ứng dụng có 19 tổ hợp xét tuyển; ngành Khoa học và Công nghệ Thực phẩm, Khoa học và Công nghệ Y khoa tuyển sinh theo 13 tổ hợp; các ngành Dược học, An toàn Thông tin, Công nghệ Thông tin - Truyền thông và Khoa học dữ liệu mỗi ngành có 12 tổ hợp xét tuyển.
Trường ĐH Công thương TPHCM bổ sung 5 tổ hợp mới, trong đó có 4 tổ hợp khối C là C00 (Văn, Sử, Địa), C01 (Văn, Toán, Lý), C02 (Văn, Toán, Hóa), C14 (Toán, Văn, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật), chủ yếu để tuyển sinh các ngành Luật, Quản trị kinh doanh, Khách sạn. Tổ hợp còn lại (Toán, Tin học, Tiếng Anh) dùng để xét tuyển các ngành Công nghệ thông tin, An toàn thông tin và Khoa học dữ liệu. Tổ hợp này lần đầu xuất hiện do lần đầu môn Tin học được đưa vào kỳ thi tốt nghiệp.
Năm 2025, hầu hết các ngành của Trường ĐH Văn Lang xét tuyển từ 6 tổ hợp trở lên, có ngành xét điểm của 19 tổ hợp. Các tổ hợp tuyển sinh được áp dụng cho cả ba phương thức, gồm: xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ hoặc điểm thi đánh giá năng lực V-SAT (kỳ thi đánh giá đầu vào ĐH với 8 bài thi trên máy tính). Trường bổ sung môn Tin học, Công nghệ, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật vào các tổ hợp xét tuyển nhằm mở rộng lựa chọn cho thí sinh, đáp ứng yêu cầu liên ngành giữa các lĩnh vực.
Nhiều thuận lợi cho thí sinh
Theo Th.S Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và truyền thông, Trường ĐH Công thương TPHCM, năm 2025, việc một ngành không còn bị giới hạn chỉ 4 tổ hợp xét tuyển sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn cho thí sinh trong việc lựa chọn ngành học.
Thứ nhất, thí sinh có thể chọn tổ hợp có điểm cao nhất để đăng ký xét tuyển, từ đó nâng cao khả năng đậu vào ngành mong muốn. Thứ hai, việc mở rộng tổ hợp xét tuyển giúp các trường tiếp cận được nhiều đối tượng thí sinh hơn, không chỉ giới hạn trong một số nhóm môn học nhất định. Điều này đặc biệt có lợi cho những thí sinh có thế mạnh ở các tổ hợp khác ngoài các tổ hợp truyền thống. Thứ ba, nhiều thí sinh đã chọn môn học ngay từ đầu cấp ba để định hướng thi ĐH; bây giờ, với nhiều tổ hợp xét tuyển hơn, các em có thể linh hoạt lựa chọn tổ hợp phù hợp nhất với năng lực và sở thích.
TS Quách Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, thông tin, trường dự kiến có 5 phương thức tuyển sinh, trong đó có 2 phương thức xét tuyển sớm.
Năm 2025, trường dự kiến mở mới 6 ngành: Dinh dưỡng và khoa học thực phẩm; Quản lý tài nguyên và môi trường; Công nghệ tài chính; Quản trị kinh doanh; Vật lý kỹ thuật (định hướng công nghệ bán dẫn và cảm biến, đo lường); Công nghệ truyền thông (truyền thông số và công nghệ đa phương tiện). Đồng thời, trường dự kiến tuyển sinh và đào tạo 12 ngành tại phân hiệu tỉnh Bình Phước.
Với những thay đổi của dự thảo quy chế, đề án tuyển sinh năm nay của trường sẽ có sự thay đổi về tổ hợp xét tuyển, theo hướng thêm các môn mới vào tổ hợp xét tuyển và bỏ một số môn trong tổ hợp xét tuyển để phù hợp với các môn thi tốt nghiệp, các môn học của chương trình giáo dục phổ thông mới.
Theo các chuyên gia tuyển sinh, việc các trường ĐH điều chỉnh, bổ sung nhiều tổ hợp môn xét tuyển ĐH là hoàn toàn phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới. Điều này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh lựa chọn các môn thi tốt nghiệp để xét tuyển hoặc các môn trong tổ hợp xét tuyển ở các phương thức xét tuyển khác.
Theo dự thảo quy chế của Bộ GD-ĐT, đối với phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả học tập, kết quả thi theo từng môn (bao gồm điểm tổng kết các môn học cấp THPT, điểm thi các môn tốt nghiệp THPT, các chứng chỉ ngoại ngữ và các kết quả đánh giá khác), tổ hợp môn dùng để xét tuyển bao gồm ít nhất 3 môn. Trong đó phải có môn Toán hoặc Ngữ văn, với trọng số đánh giá chiếm ít nhất 1/3 tổng điểm.
Một chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo có thể sử dụng đồng thời một số tổ hợp môn để xét tuyển, khi đó số môn chung của các tổ hợp phải có trọng số đánh giá chiếm ít nhất 50% tổng điểm. Trường hợp sử dụng kết quả học bạ để xét tuyển thì phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh.