Bám bản đưa học trò trở lại trường sau Tết

Đối với giáo viên Trường THCS&THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh mùa Xuân còn là hành trình 'bám bản, vận động' HS dân tộc Chứt trở lại lớp...

Thầy cô đến tận nhà vận động học sinh dân tộc Chứt trở lại trường sau Tết. Ảnh: Bá Hải

Thầy cô đến tận nhà vận động học sinh dân tộc Chứt trở lại trường sau Tết. Ảnh: Bá Hải

Đối với giáo viên Trường THCS&THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh (Hương Khê, Hà Tĩnh), mùa Xuân còn là mùa của những chuyến đi không mệt mỏi - hành trình “bám bản, vận động” học sinh dân tộc Chứt trở lại lớp sau Tết. Đằng sau nụ cười rạng rỡ của 31 học sinh Chứt từ bản Rào Tre và thôn Bản Giàng là câu chuyện về sự kiên trì gieo chữ, thắp sáng tương lai của thầy, cô giữa đại ngàn.

Rào cản trở lại trường lớp

Người Chứt sinh sống ở vùng lõi dãy Trường Sơn hùng vĩ, nơi thiên nhiên ban tặng nét đẹp hoang sơ nhưng cũng đầy thách thức. Sau Tết, nhiều học sinh theo cha mẹ vào rừng mưu sinh, hái lượm, hoặc ở nhà tham gia lễ hội. “Có em ngại đường xa, quen nếp sinh hoạt tự do nên việc duy trì kỷ luật học tập là bài toán khó”, thầy Mai Văn Hải - Phó Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh trải lòng.

Nhận thức rõ thách thức, Ban giám hiệu nhà trường cùng lực lượng Biên phòng đã xây dựng kế hoạch “đặc biệt” từ đầu năm. Các thầy cô không đợi học sinh trở lại mà chủ động “đi từng ngõ, gõ từng nhà”. Họ vượt hàng chục km đường rừng gập ghềnh, đến từng gia đình vận động.

“Mỗi dịp Tết, chúng tôi phối hợp với chính quyền tổ chức họp bản, giải thích cho phụ huynh hiểu giá trị của học tập”, thầy Đặng Quốc Hoàn - Chủ tịch Công đoàn Trường THCS&THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh cho biết.

 Học sinh bản Rào Tre phấn khởi khi được thầy cô đến nhà đón trở lại trường. Ảnh: Bá Hải

Học sinh bản Rào Tre phấn khởi khi được thầy cô đến nhà đón trở lại trường. Ảnh: Bá Hải

Với những em có nguy cơ bỏ học, nhà trường ký cam kết với gia đình, đồng thời hỗ trợ nhiều suất quà. Đặc biệt, xe ô tô được thuê để đưa đón học sinh từ bản xa, giảm bớt nỗi lo đường sá.

Khó khăn không chỉ dừng ở địa hình hiểm trở mà nhiều phụ huynh cũng chưa thông suốt tư tưởng, cho rằng “học chữ không bằng đi rừng”. Lúc này, vai trò của những người lính Biên phòng như Trung tá Nguyễn Văn Thiên - Tổ trưởng tổ công tác Biên phòng bản Rào Tre (Đồn Biên phòng Bản Giàng 575) trở nên quan trọng. Bằng uy tín tích lũy qua nhiều năm gần dân, họ thuyết phục từng hộ gia đình: “Con em biết chữ sẽ giúp bản làng thoát nghèo”.

 Chuyến xe miễn phí chở học sinh dân tộc Chứt trở lại trường. Ảnh: Bá Hải

Chuyến xe miễn phí chở học sinh dân tộc Chứt trở lại trường. Ảnh: Bá Hải

Lớp học của hy vọng

Sự nỗ lực không ngừng của các thầy, cô và lực lượng Bộ đội Biên phòng đã đơm hoa kết trái. Sáng mồng 8 Tết, sân Trường THCS&THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh rộn rã tiếng cười. 31 học sinh Chứt trở lại lớp với hành trang là những chiếc bánh chưng, mứt ngọt từ bản làng. Em Hồ Thị Trang (lớp 9) chia sẻ: “Ban đầu em nhớ nhà lắm, nhưng các thầy cô luôn ở bên động viên. Giờ em muốn học thật giỏi để sau này dạy lại các em nhỏ trong bản”.

 Lớp học mùa Xuân của học sinh Trường THCS&THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh. Ảnh: Bá Hải

Lớp học mùa Xuân của học sinh Trường THCS&THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh. Ảnh: Bá Hải

Để học sinh Chứt hòa nhập, nhà trường áp dụng mô hình giáo dục linh hoạt, tôn trọng bản sắc. Các thầy cô tìm hiểu tiếng Chứt, lồng ghép văn hóa dân tộc vào bài giảng. Những buổi ngoại khóa về cồng chiêng, ẩm thực truyền thống được tổ chức, giúp các em không quên cội nguồn.

“Chúng tôi không ép học sinh từ bỏ phong tục, mà hướng các em cân bằng giữa truyền thống và hiện đại. Nhờ đó, nhiều phụ huynh dần thay đổi, chủ động nhắc con đến trường”, thầy Mai Văn Hải nói và chia sẻ:

Dẫu chặng đường phía trước vẫn gian nan. Một số học sinh chưa theo kịp chương trình do rào cản ngôn ngữ. Cơ sở vật chất trường lớp còn thiếu thốn, đặc biệt là khu nội trú cho học sinh xa nhà. Nhưng với tinh thần “tạm biệt núi rừng để đến với tri thức”, các thế hệ học sinh dân tộc Chứt đang viết tiếp câu chuyện về khát vọng tương lai tươi sáng.

Tấm gương giàu nghị lực như em Hồ Thị Sương, Hồ Viết Đức - những học sinh đầu tiên của bản đỗ vào đại học và đang học tập tốt tại Trường Đại học Hà Tĩnh là minh chứng cho những nỗ lực của người Chứt trên hành trình gian nan đi tìm “con chữ”, hứa hẹn cho những khởi đầu tốt đẹp cho đồng bào dân tộc Chứt ở bản Rào Tre.

Nhìn học sinh theo thầy cô trên hành trình trở lại trường, Trung tá Nguyễn Văn Thiên - Tổ trưởng tổ công tác Biên phòng bản Rào Tre (Đồn Biên phòng Bản Giàng 575), phấn khởi nói: “Mỗi em đến trường là một ngọn đuốc sáng thắp lên giữa đại ngàn. Ở nơi ấy, mùa Xuân không chỉ là mùa của lễ hội, mà còn là mùa gieo những hạt mầm hy vọng - hành trình kiên trì vì một tương lai rộng mở hơn cho đồng bào Chứt”.

Bá Hải - Tiến Hiệp

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/bam-ban-dua-hoc-tro-tro-lai-truong-sau-tet-post719023.html