Tuyến tàu điện triệu đô và khát vọng liên kết vùng miền Trung
Với tầm nhìn chiến lược sau sáp nhập, thành phố Đà Nẵng đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối vùng hiệu quả. Một trong những dự án trọng điểm đang được khởi động nghiên cứu là tuyến tàu điện đô thị kết nối Đà Nẵng - Hội An - Tam Kỳ - Chu Lai, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền Trung.

Bản đồ minh họa tuyến tàu điện đô thị Đà Nẵng - Hội An - Tam Kỳ - Chu Lai. Nguồn: Sở Xây dựng Đà Nẵng
Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy Đà Nẵng, Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố Đà Nẵng (PIIP) đang tổ chức lập hồ sơ báo cáo tiền khả thi dự án xây dựng tuyến tàu điện đô thị liên kết các đô thị động lực trong vùng. Đây là bước chuẩn bị quan trọng để hiện thực hóa định hướng phát triển giao thông xanh, thông minh, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững sau sáp nhập hành chính.
Đáng chú ý, đại diện PIIP cho biết đơn vị đã tổ chức đoàn công tác vào TP Hồ Chí Minh để trải nghiệm hệ thống tàu điện đô thị hiện có. Chuyến khảo sát được thực hiện đúng vào kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 nhằm ghi nhận thực tiễn tổ chức, vận hành, kết nối giao thông công cộng tại đô thị lớn, từ đó rút ra bài học và kinh nghiệm phù hợp để triển khai tại thành phố Đà Nẵng trong bối cảnh địa giới hành chính mới sau khi hợp nhất với tỉnh Quảng Nam.
Theo kế hoạch, hệ thống tàu điện sẽ triển khai theo hai giai đoạn. Giai đoạn 1 gồm hai tuyến: tuyến từ cảng Tiên Sa đi Hội An theo trục Ngô Quyền - Trần Đại Nghĩa và tuyến từ sân bay quốc tế Đà Nẵng qua cầu Tiên Sơn, kết nối với tuyến thứ nhất tại Hội An. Giai đoạn 2 tiếp tục kéo dài tuyến từ Hội An đến Tam Kỳ và Khu kinh tế mở Chu Lai.
Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến từ 7.500 đến 15.000 tỷ đồng, triển khai theo hình thức đối tác công tư (PPP). Tuyến tàu điện này đã được đưa vào danh mục dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư giai đoạn 2020 - 2025 của UBND thành phố Đà Nẵng theo Quyết định 641/QĐ-UBND ngày 26/2/2021 và tích hợp vào quy hoạch mạng lưới vận tải công cộng của thành phố mới sau sáp nhập.
Không chỉ là giải pháp giao thông, tuyến tàu điện liên kết Đà Nẵng - Hội An - Tam Kỳ - Chu Lai còn được kỳ vọng mở ra trục phát triển du lịch - dịch vụ - công nghiệp công nghệ cao dọc hành lang ven biển miền Trung, thúc đẩy tăng trưởng vùng và phát triển kinh tế số, kinh tế xanh.
Theo nhận định của một số chuyên gia giao thông đô thị, việc triển khai tuyến tàu điện đô thị kết nối Đà Nẵng - Hội An - Tam Kỳ - Chu Lai không chỉ giải quyết bài toán giao thông trong nội vùng, mà còn là bước đi chiến lược nhằm phát triển trục đô thị ven biển miền Trung. Trong bối cảnh đô thị hóa và áp lực dân số ngày càng tăng, hình thành mạng lưới vận tải công cộng hiện đại, thân thiện với môi trường chính là giải pháp tối ưu để xây dựng thành phố thông minh và phát triển bền vững.
Các chuyên gia cũng cho rằng, điều kiện để thành công của dự án là sự nhất quán trong quy hoạch liên kết vùng, sự chủ động trong thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và đặc biệt là tầm nhìn lâu dài của các cấp chính quyền trong tổ chức vận hành, khai thác hiệu quả hệ thống tàu điện sau khi hoàn thành.