Tỷ giá tăng và áp lực lên chính sách điều hành, doanh nghiệp
Chuyên gia Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng trong kịch bản tiêu cực nhất, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ can thiệp bằng bán ngoại hối kết hợp hút ròng trên kênh tín phiếu.
Nửa cuối năm 2023, tỷ giá USD/VND tăng mạnh đã gây áp lực lên việc điều hành tài chính, tiền tệ. Bên cạnh đó, việc đồng USD tăng cũng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp.
Gánh nặng các khoản vay USD
Ngày 10/10, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm là 24.063 VND/USD, giảm 6 đồng so với phiên trước.
Với biên độ +/-5%, Ngân hàng Vietcombank đưa ra từ 24.210-24.550 đồng/USD (mua vào/bán ra), tăng 5 đồng. Một số ngân hàng khác cũng có mức tăng tương tự. So với phiên giao dịch đầu năm 2023, tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại tăng khoảng 800 đồng/USD, mức tăng khá mạnh, tăng 3,7% so với đầu năm và tăng 1,1% so với “đỉnh” cuối năm 2022.
Hiện nay, các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam bao gồm: Hàng dệt may, thủy sản, giày dép, điện tử, nông sản, cao su và gỗ... Trong đó, ngành dệt may dưới áp lực của tỷ giá sẽ nhận tác động hai chiều, bởi phần lớn nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài sau đó gia công xuất khẩu. Còn với ngành công nghệ, các doanh nghiệp ngành này sẽ hưởng lợi từ hoạt động gia công và xuất khẩu phần mềm. Tuy nhiên nếu doanh nghiệp nợ vay nước ngoài sẽ bị giảm phần lãi chênh lệch tỷ giá từ hoạt động xuất khẩu.
Lãnh đạo một doanh nghiệp may mặc cho biết do tỷ giá tăng mạnh từ tháng Sáu đến nay trong khi hầu hết các hợp đồng xuất khẩu đã ký cho đầu năm và xuất khẩu hàng hóa vào cuối năm, nên doanh nghiệp không kịp tăng giá sản phẩm. Do vậy, doanh nghiệp đang cố tiết giảm những chi phí khác, cũng như dùng nguồn vốn tích trữ để chi trả cho những khoản chênh lệch của tỷ giá.
Dù thuộc ngành hàng xuất khẩu nhiều nhưng ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tiên Sơn Thanh Hóa cũng bộc bạch, doanh nghiệp đang nỗ lực tìm kiếm đơn hàng từng tuần, từng ngày. Song, mặt khác cũng phải chống chọi với biến động tỷ giá. Trong bối cảnh kinh tế bình thường, tỷ giá USD/VND tăng có lợi cho xuất khẩu, nhất là ở các thị trường lớn và ngành hàng quan trọng như dệt may, da giày… nhưng mặt trái của nó lại đẩy tăng chi phí vốn thêm để nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên liệu nhiều hơn.
Là một trong các doanh nghiệp xuất khẩu tôm sang thị trường Nhật Bản, đại diện Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Fimex) cho biết việc đồng yên sụt giảm quá mạnh như hồi giữa năm khiến tiêu thụ tôm vào thị trường này khó vô cùng, vì giá bán phải giảm theo đà giảm của đồng yên.
Để cạnh tranh, Fimex phải chấp nhận biên lợi nhuận thu hẹp, trong khi “đối thủ” từ các quốc gia có được lợi thế khi đồng nội tệ mất giá so với USD.
Tìm cách giảm sức ép lên tỷ giá
Trên thực tế, để giảm bớt áp lực lên tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước mới đây đã kích hoạt trở lại hoạt động phát hành tín phiếu sau khi tạm ngưng từ đầu tháng 3/2023. Như vậy đến thời điểm này Ngân hàng Nhà nước đã có 13 phiên liên tiếp phát hành tín phiếu và hút ra khỏi hệ thống tổng cộng gần 145.700 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Minh Tuấn - CEO Công ty AFA Capital cho biết mục tiêu phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước trên thị trường mở thông thường nhằm điều tiết lãi suất thị trường liên ngân hàng. Bên cạnh đó, việc phát hành tín phiếu cũng có tác dụng rút bớt tiền từ các ngân hàng thương mại về Ngân hàng Nhà nước. Hiện nay, bối cảnh chung cho thấy dòng tiền đang đang khá dồi dào trong hệ thống ngân hàng, nhưng lại chưa đưa ra được nền kinh tế.
Nhiều chuyên gia kinh tế sự báo thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ là đồng thời 2 nhiệm vụ, một mặt hút bớt thanh khoản thị trường 2 để giảm áp lực đầu cơ tỷ giá trong ngắn hạn, lượng hút vừa đủ để cân bằng tỷ giá bước đầu và không gây ra căng thẳng thanh khoản liên ngân hàng. Song song với đó là tiếp tục ban hành các chính sách giúp lãi suất thị trường liên ngân hàng giảm và tín dụng khơi thông. Hành động này của Ngân hàng Nhà nước có thể kéo dài đến cuối năm, trước khi có những dấu hiệu mới đối với nền kinh tế.
Còn lãnh đạo Công ty chứng khoán Maybank nhận định đây là bước đi có tính toán kỹ từ việc quan sát thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng và với bước đi khôn ngoan này Ngân hàng Nhà nước chưa cần phải sử dụng đến công cụ bán ngoại hối như năm ngoái.
Qua quan sát diễn biến thị trường, chuyên gia Maybank tin rằng Ngân hàng Nhà nước đang tính toán liều lượng hút tiền qua tín phiếu một cách thận trọng để đảm bảo liều lượng vừa đủ, sao cho đạt các mục tiêu là đẩy lãi suất trên thị trường liên ngân hàng lên. Từ đó giảm bớt áp lực cho tỷ giá mà không gây gián đoạn thanh khoản cho toàn bộ nền kinh tế và đảm bảo lãi suất thực của nền kinh tế sẽ tiếp tục xu hướng giảm.
Về phía nhà điều hành, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết: “Ngân hàng Nhà nước điều tiết tín phiếu ngắn hạn để giảm bớt thanh khoản dư thừa trên hệ thống, cố gắng để không tác động lớn tới mặt bằng lãi suất. Hiện nay lãi suất thị trường liên ngân hàng vẫn ổn định. Dù vậy, áp lực thời gian tới vẫn rất lớn khi chúng ta cần cân đối giữa lãi suất và tỷ giá.”
Chuyên gia Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) giữ nguyên quan điểm về tỷ giá sẽ biến động quanh vùng 24.500 đồng/USD và giảm trở lại vào cuối năm. Tuy nhiên, rủi ro đối với dự báo là đồng USD tăng vượt ngưỡng 110, dẫn đến việc Ngân hàng Nhà nước phải bán bớt dự trữ ngoại hối để đối phó với việc tiền đồng mất giá mạnh hơn.
“Trong kịch bản tiêu cực nhất, chỉ số DXY (là chỉ số đo lường sức mạnh của đồng USD so với 6 loại tiền tệ khác là EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) tăng vượt 110, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ phải can thiệp bằng bán ngoại hối kết hợp hút ròng trên kênh tín phiếu. Và điều này có thể làm trầm trọng thêm tâm lý đầu tư do lo ngại về sự thay đổi sâu sắc hơn trong điều hành chính sách tiền tệ,” chuyên gia VDSC nhận định.
Dù vậy, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông cho rằng mối liên hệ giữa tỷ giá và lãi suất rất chặt chẽ. Về lý thuyết, tiền ra thị trường nhiều sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá và hút tiền về để giảm áp lực tỷ giá. Theo diễn biến của rổ tiền tệ chung trên thế giới, điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam rất chặt chẽ và xuất sắc. Tỷ giá tuy có tăng, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát và ở phạm vi hợp lý, vừa hỗ trợ cho xuất khẩu, vừa đảm bảo thu hút được dòng vốn đầu tư. Điểm cân bằng này không dễ kiếm được trong điều hành chính sách tiền tệ.
Cũng theo ông Tùng mức biến động của tỷ giá thời gian qua là hợp lý, còn sức ép cuối năm cũng sẽ có nhưng tùy diễn biến của thị trường và các yếu tố bên ngoài. Hiện một số quốc gia bắt đầu thả nổi và ngày càng đánh giá thấp đồng nội tệ, song điều này lại kích thích xuất khẩu của họ tăng trưởng tốt./.