Tỷ giá VND/USD không còn là rủi ro lớn với thị trường chứng khoán

Tỷ giá VND/USD đang chịu áp lực từ việc chỉ số DXY tăng và một số yếu tố khác. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, biến động của tỷ giá chỉ mang tính chất ngắn hạn và tác động của chính sách tiền tệ nới lỏng khá hạn chế. Đối với thị trường chứng khoán, rủi ro tỷ giá cũng sẽ không còn lớn như giai đoạn năm 2022.

Nguồn: Bloomberg. Đồ họa: TL

Nguồn: Bloomberg. Đồ họa: TL

Không ảnh hưởng nhiều đến chính sách tiền tệ nới lỏng?

Thống kê cho thấy, tính tới ngày 21/9/2023, chỉ số Đô la Mỹ (DXY) hiện đang ở xung quanh mức 105,50 điểm, tăng gần +3,3% so với đầu tháng 8. Lý giải về điều này, theo chuyên gia của Công ty Chứng khoán VNDIRECT, sự gia tăng của DXY được thúc đẩy bởi việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) gia tăng khả năng tăng lãi suất điều hành thêm một lần nữa trong năm nay do dữ liệu kinh tế khả quan. Đồng thời, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng cao do Chính phủ Mỹ tăng cường phát hành trái phiếu để bù đắp thâm hụt ngân sách cũng là một nguyên nhân khiến đồng USD tăng giá.

Chỉ số DXY tăng đã gây áp lực lên đồng VND khi tỷ giá USD/VND liên ngân hàng leo lên mức 24.063 đồng vào ngày 21/9/2023 (tăng gần 1,9% so với cuối tháng 7 và +2,2% so với đầu năm).

Theo chuyên gia của VNDIRECT, áp lực tỷ giá càng gia tăng bởi Trung Quốc nới lỏng tiền tệ gây áp lực lên đồng Nhân dân tệ (NDT), trong khi, trong quá khứ VND có tương quan cao với đồng NDT. Mặt khác, áp lực lạm phát trong nước tăng lên trong những tháng cuối năm 2023. Trong khi đó, đồng USD cũng tăng giá so với hầu hết các đồng tiền trong khu vực, đáng chú ý là đồng Peso Philippines (+1,8% so với đầu năm), Baht Thái Lan (+3,2%), NDT (+5,1%) và Ringgit Malaysia (+6,3%).

Theo ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận Vĩ mô và Chiến lược thị trường của VNDIRECT, tỷ giá tăng sẽ làm tăng nghĩa vụ nợ (đặc biệt là đối với khu vực tư nhân), cũng như làm tăng giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và hàng tiêu dùng nhập khẩu, từ đó gia tăng áp lực lên lạm phát trong nước. Vì vậy, khi áp lực từ tỷ giá càng lớn, thì càng ít dư địa cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục giảm lãi suất điều hành. “Chúng tôi tin rằng, NHNN sẽ tạm dừng hạ lãi suất điều hành ít nhất cho đến nửa đầu năm 2024, vì NHNN cần cân bằng mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng trong bối cảnh áp lực tỷ giá và lạm phát gia tăng” - ông Hinh cho hay.

Còn theo ý kiến của các chuyên gia đến từ Dragon Capital, với sự hỗ trợ từ dòng vốn FDI và phục hồi của ngành du lịch, VND đã thể hiện sự ổn định hơn so với các đồng tiền khác, với mức giảm tương đối thấp, khoảng 1,8% so với mức trung bình 4 - 7% trong khu vực. Bên cạnh đó, biên độ biến động của tỷ giá cũng như sự tăng nhẹ của lạm phát trong mức kiểm soát chưa gây ra nhiều lo ngại.

Mặc dù có xu hướng lạm phát tăng trong các tháng gần đây, tuy nhiên Dragon Capital dự đoán rằng lạm phát sẽ được duy trì ở quanh mức 3,5% - 4% trong năm nay. Sự biến động của thị trường thế giới có thể sẽ khiến tỷ giá biến động trong ngắn hạn. Tuy nhiên, cả tỷ giá và lạm phát sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến chính sách khi NHNN tiếp tục áp dụng chính sách tiền tệ theo hướng hỗ trợ nền kinh tế và giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp. Lãi suất tiết kiệm tiếp tục giảm với khoảng 0,3 - 0,4% trong tháng 8 và có thể sẽ được duy trì ở nền lãi suất thấp trong những tháng tới.

Rủi ro tỷ giá không còn quá lớn lên thị trường

Chuyên gia của VNDIRECT nhận thấy, NHNN vẫn có một số yếu tố hỗ trợ để ổn định tỷ giá, bao gồm: thặng dư thương mại duy trì ở mức cao; FDI và kiều hối tích cực; và các thỏa thuận bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài dự kiến thực hiện trong nửa cuối năm 2023 sẽ làm tăng nguồn cung ngoại tệ.

“Việc giữ tỷ giá biến động trong phạm vi phù hợp (

Các chuyên gia của SSI Research cũng đánh giá, tác động của chính sách tiền tệ nới lỏng khá hạn chế và vị thế của NHNN tương đối khác so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái (nhờ lượng dự trữ ngoại hối đã được bổ sung trong giai đoạn 6 tháng đầu năm), cũng như nguồn cung ngoại tệ tích cực (từ FDI giải ngân 8 tháng đạt 13,1 tỷ USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ), hay cán cân thương mại ước tính đạt thặng dư kỷ lục ở mức 20,6 tỷ USD.

Còn theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), mặc dù tỷ giá trong nước đang chịu áp lực tăng trở lại do diễn biến mạnh lên của chỉ số DXY, nhưng diễn biến tăng của đồng USD sẽ chỉ có tính ngắn hạn và không tạo ra áp lực lớn với tỷ giá USD/VND như trong năm 2022. Ở góc nhìn tích cực, việc giảm giá của đồng VND có thể còn hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa trong giai đoạn cuối năm 2023.

“Chúng tôi cho rằng, rủi ro tỷ giá sẽ không còn lớn đối với thị trường chứng khoán như giai đoạn 2022. Mặt khác, theo quan sát của chúng tôi, diễn biến thị trường chứng khoán sẽ thường có xu hướng ổn định khi tỷ giá có mức biến động giảm giá không quá 3%” - Chuyên gia của BVSC cho hay.

Nhiều yếu tố hỗ trợ thị trường

“Thị trường chứng khoán vẫn có khả năng hướng đến vùng cao hơn, nhờ vào các yếu hỗ trợ: Mặt bằng lãi suất thấp giúp thu hút dòng tiền mới, kết quả kinh doanh dần cải thiện trong nửa cuối năm, đầu tư công được đẩy mạnh trong các tháng tới, tác động tích cực từ các chính sách hỗ trợ từ đầu năm để khơi thông dòng vốn, thúc đẩy tín dụng, thúc đẩy nền kinh tế…” – BVSC nhận định.

Thái Duy

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ty-gia-vndusd-khong-con-la-rui-ro-lon-voi-thi-truong-chung-khoan-136259.html