Tỷ lệ học sinh tiểu học tại Anh bị táo bón tăng 60%

Các chuyên gia cảnh báo phụ huynh cần nâng cao nhận thức về 'sự khốn khổ' của các em do tình trạng táo bón gây ra.

Đến năm 2024, đã có 16.973 ca táo bón ở trẻ từ 4 đến 11 tuổi tại Anh. (Ảnh minh họa)

Đến năm 2024, đã có 16.973 ca táo bón ở trẻ từ 4 đến 11 tuổi tại Anh. (Ảnh minh họa)

Theo số liệu của Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) đã có hơn 44.000 trẻ em phải nhập viện vì táo bón vào năm ngoái, nghiên cứu cũng đã chỉ rõ những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe của tình trạng này.

Trong báo cáo của NHS cho biết tỷ lệ chẩn đoán mắc táo bón tại bệnh viện ở trẻ em tiểu học tăng 60% trong 10 năm qua, không chỉ dừng lại ở tiểu học, nhóm tuổi học sinh mẫu giáo và trung học cũng có sự gia tăng. Các chuyên gia cho biết phụ huynh cần nâng cao nhận thức về tác hại ảnh hưởng đến thể chất và sự khốn khổ mà tình trạng này có thể gây ra bởi số đông người lớn coi táo bón là điều bình thường.

"Chúng ta không thể để quá nhiều trẻ em phải điều trị táo bón tại bệnh viện. Những biểu hiện của việc mắc táo bón ở con trẻ thường bị che giấu. Mọi người cảm thấy rất xấu hổ về điều đó, họ nghĩ đã làm sai điều gì đó với tư cách là cha mẹ và không chịu tìm kiếm sự giúp đỡ sớm hơn từ các chuyên gia”, bà Monica Lakhanpaul – Bác sĩ nhi khoa tại Whittington Health NHS, giáo sư tại University College London cho biết.

Bà nói thêm: “Đây không phải là chuyện nhỏ đối với trẻ em. Tình trạng này khiến trẻ phải nghỉ học hoặc gặp vấn đề về thể chất và cảm xúc.”

Tình trạng táo bón là điều phổ biến ở trẻ em và thường bắt đầu vào thời điểm con trẻ tập đi vệ sinh. Trong những trường hợp không phải do tình trạng bệnh lý tiềm ẩn thì nguyên nhân chính dẫn đến việc táo bón có thể là không ăn đủ chất xơ, mất nước, lo lắng khi đi vệ sinh và các vấn đề khác liên quan cảm xúc.

Nếu không được xử lý sớm, các em có thể rơi vào vòng luẩn quẩn sợ đi vệ sinh vì đau, điều này có thể dẫn đến tình trạng nguy hiểm hơn là tình trạng táo bón mãn tính. Trong trường hợp xấu này việc phải điều trị bằng thuốc nhuận tràng là điều bắt buộc, đôi khi kéo dài trong vài tháng và cố gắng tập đi vệ sinh để hình thành thói quen đào thải đều đặn.

 (Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

“Táo bón có thể gây đau dạ dày, buồn nôn hoặc hậu môn bị rách nhỏ khi cố rặn quá mạnh”, bà Lakhanpaul cho biết.

Theo dữ liệu nhập viện của NHS, có sự gia tăng đáng kể các chẩn đoán táo bón sơ cấp và thứ cấp ở bệnh nhân tại Anh trong 10 năm qua. Chẩn đoán ở bệnh nhân ở độ tuổi từ 0-16 tuổi đã tăng từ 29.087 ca trong năm 2014-2015 lên đến 44.161 ca trong năm 2023-2024, tương đương với mức tăng khoảng 46% khi điều chỉnh theo những thay đổi về quy mô dân số. Sự gia tăng đáng chú ý nhất là ở trẻ em thuộc 4-11 tuổi, từ 9.977 ca trong năm 2014-2015 lên tới 16.973 ca trong năm 2023-2024, tức tăng 60% về tỷ lệ trên 100.000 dân số.

Một số bác sĩ lâm sàng cho biết họ đang thấy nhiều trường hợp mắc táo bón hơn và đặt sự giả định về các yếu tố khác bao gồm nghèo đói, thực phẩm không đảm bảo vệ sinh hay việc trẻ em phải đi học quá sớm trước khi biết đi vệ sinh.

Bà Rebecca McManamon - Chuyên gia tư vấn dinh dưỡng kiêm phát ngôn viên của Hiệp hội Dinh dưỡng Anh cho biết: “Táo bón đang gia tăng ở trẻ em, chúng ta biết từ cuộc khảo sát chế độ ăn uống quốc gia rằng lượng chất xơ hấp thụ không đủ, cùng với tình trạng đói nghèo về lương thực và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, điều này ảnh hưởng rất lớn tới trẻ em. Nhiều nhà cung cấp thực phẩm cho biết như khoai tây rất dễ mua và là một nguồn chất xơ dồi dào lại không được sử dụng vì mọi người không đủ khả năng chi trả chi phí năng lượng để nấu chúng”.

McManamon cho biết hậu quả về sức khỏe có thể rất nghiêm trọng. “Nó có thể gây ra bệnh túi thừa và bệnh trĩ cũng như khó chịu hoặc đau đầu, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tập trung của trẻ ở trường. Điều quan trọng là người dân phải nắm được thông tin này bởi trẻ em là những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội.”

Theo bà Juliette Rayner - Giám đốc điều hành Giáo dục và nguồn lực để cải thiện khả năng tự chủ ở trẻ em (ERIC) - một tổ chức từ thiện về ruột và bàng quang dành cho trẻ em, cho biết một số gia đình hiện nay gặp khó khăn trong việc đặt lịch hẹn với bác sĩ tư nhân đồng thời với số lượng nhân viên y tế ít hơn, họ không nhận được sự giúp đỡ cho đến khi vấn đề trở nên nghiêm trọng.

“Trong một thế giới lý tưởng, không có trẻ em nào phải đến phòng cấp cứu chỉ vì bị táo bón. Họ nên gặp bác sĩ tư nhân của mình", bà Rayner chia sẻ thêm.

Với một cuộc khảo sát gần đây cho thấy cứ 4 trẻ bắt đầu đi học ở Anh thì có 1 trẻ chưa được huấn luyện đi vệ sinh, giáo viên ngày nay buộc phải nhận vai trò là người đầu tiên dạy thói quen đi vệ sinh lành mạnh. Nhưng trường học không được thiết lập để thực hiện vai trò này và trong một số trường hợp khác có thể làm trầm trọng thêm tình trạng đáng báo động này do các quy định giới hạn hành động đi vệ sinh của các em.

Ví dụ như một số trường trung học khóa nhà vệ sinh sau khi hết giờ giải lao, một trường ở xứ Wales được cho là lắp cửa cuốn kim loại để hạn chế việc ra vào trong giờ học, theo báo cáo gần đây của ERIC đã phản ánh tình trạng tiêu cực rằng học sinh phải tuân theo chính sách nhà vệ sinh “một người vào một người ra”.

Bà Lakhanpaul cho biết: “Để có thói quen đi vệ sinh tích cực, bạn cần được sử dụng nhà vệ sinh khi cần đi vệ sinh. Nhưng nếu trường học được xây dựng theo cách khiến các em sợ giơ tay lên để được phép đi vệ sinh, thì điều đó không có ích gì”.

Theo The Guardian

Lê Nghĩa

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ty-le-hoc-sinh-tieu-hoc-tai-anh-bi-tao-bon-tang-60-post720633.html