'Tỷ lệ thuế, phí trong giá vé máy bay rất ít'
Sáng 23/5, chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, tỷ lệ thuế, phí trong vé máy bay thực hiện theo quy định và chiếm rất ít.
Tỷ lệ thuế, phí do Bộ Tài chính quản lý trong giá vé gần như không thay đổi
Thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế, xã hội, có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, cần làm rõ nguyên nhân khiến giá vé tăng cao và có giải pháp để bình ổn. Bởi vì, giá vé cao làm giảm nhu cầu đi lại, ảnh hưởng tới ngành du lịch, khách sạn.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, tỷ lệ thuế, phí trong vé máy bay thực hiện theo quy định và chiếm rất ít.
Thực tế, theo khảo sát, thuế, phí các hãng hàng không thu hộ chiếm 10 - 30% tổng chi phí vé máy bay và gần như không đổi trong thời gian qua. Trong đó, các hãng thu hộ ngân sách nhà nước thuế giá trị gia tăng, đây là khoản Bộ Tài chính quản lý.
Còn các loại phí, như phí sân bay, soi chiếu an ninh là hai khoản các hãng thu hộ Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, đơn vị đang quản lý, vận hành hơn 20 sân bay trên cả nước.
Phí soi chiếu an ninh được áp dụng cố định ở mức 20.000 đồng (gồm thuế giá trị gia tăng) mỗi hành khách người lớn, 10.000 đồng với trẻ em.
Bộ Tài chính chỉ thu thuế giá trị gia tăng 8 - 10%, thuế thu nhập doanh nghiệp với các hãng hàng không. Những khoản này chiếm tỷ lệ ít trong giá vé máy bay.
Bộ trưởng cho biết, tại Hội nghị Tài chính APEC vừa qua, chủ trương của bộ trưởng tài chính các nước là tăng sức mạnh tài chính công bằng tăng thuế, để đối phó với già hóa dân số, dịch bệnh.
Đối với Việt Nam, 4 năm qua Chính phủ đưa ra nhiều chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí khoảng 200.000 tỷ đồng/một năm để khoan sức dân.
Thuế, phí vé máy bay là giá dịch vụ không thuộc ngân sách nhà nước
Liên quan đến việc giá vé máy bay tăng cao trong thời gian vừa qua, một số dư luận cho rằng, một trong những nguyên nhân đẩy giá vé máy bay tăng cao quá mức là do mức thu thuế, phí hiện nay không hề nhỏ. Theo thống kê, các hãng hàng không phải gánh trên 20 loại phí cả trực tiếp và gián tiếp.
Theo Cục Quản lý giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính), các khoản phí nêu trên là “giá dịch vụ” chuyên ngành hàng không quy định tại Thông tư số 53/2019/TT-BGTVT ngày 31/12/2019 của Bộ Giao thông vận tải; không phải là khoản phí thuộc ngân sách nhà nước theo quy định tại Luật Phí và lệ phí.
Theo quy định pháp luật phí và lệ phí, đối với chuyến bay của Việt Nam hạ cánh hoặc cất cánh tại các sân bay trong nước chỉ phải nộp phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay (theo Thông tư số 247/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính) với mức phí 165.000 đồng/lượt/dịchvụ bảo đảm hoạt động bay và 335.000 đồng/lượt/dịch vụ kinh doanh cảng hàng không.
Tại khoản 2 Điều 9 Luật số 66/2006/QH11 về hàng không dân dụng và Khoản 3 Điều 1 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam số 61/2014/QH13 ngày 21/11/2014 quy định: Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hàng không dân dụng.
Hãng hàng không quyết định giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa trong khung giá do Bộ Giao thông vận tải quy định và thực hiện kê khai giá với Bộ Giao thông vận tải. Theo thẩm quyền, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 53/2019/TT-BGTVT ngày 31/12/2019 quy định mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam.
Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải (Cục Hàng không dân dụng Việt Nam) tiếp nhận kê khai giá đối với lĩnh vực giá dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục nhà nước quy định khung giá; giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa do Bộ Giao thông vận tải định giá tối đa…
Đối với giá vé dịch vụ vận chuyển hàng không, theo thẩm quyền, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 34/2023/TT-BGTVT ngày 30/11/2023 (có hiệu lực từ ngày 1/3/2024) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT ngày 3/5/2019 ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không trên các đường bay nội địa,…
Như vậy, việc quản lý nhà nước về giá và ban hành quy định giá dịch vụ chuyên ngành hàng không; giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông vận tải.
Bộ Tài chính chỉ thu thuế giá trị gia tăng 8 - 10%, thuế thu nhập doanh nghiệp với các hãng hàng không. Những khoản này chiếm tỷ lệ ít trong giá vé máy bay.