U xương khổng lồ khiến chàng trai ăn uống khó
U xơ sinh xương là một bệnh lý xương lành tính hiếm gặp thường ở trẻ em và thanh thiếu niên. Đặc trưng bởi sự tăng sinh bất thường của mô xơ và mô xương.
Bệnh nhân là Lò Văn B . (nam, 24 tuổi) ở Mường Lạn, Sốp Cộp, Lai Châu. Em bị bệnh cách đây 15 năm, lúc đầu u nhỏ, sau to dần. Em được bố, mẹ nhiều lần đưa lên huyện, tỉnh khám. Các bác sĩ chẩn đoán là u xương hàm dưới chuyển tuyến trung ương điều trị. Tuy nhiên, do gia đình không có điều kiện kinh tế nên lại đưa em về.
Gần đây khối u lớn nhanh, ăn uống khó khăn em được gia đình đưa lên tỉnh khám rồi chuyển tuyến trên điều trị. Sau khi thăm khám làm các xét nghiệm siêu âm, chụp chiếu, CT,… các bác sĩ chẩn đoán em bị bệnh loạn sản xơ sinh xương, phải phẫu thuật cắt bỏ khối u và tạo hình lại xương hàm dưới.
Với các chi phí viện phí và chi phí phát sinh, các tai biến, biến chứng, di chứng sau mổ.... một lần nữa gia đình không có điều kiện lại xin cho em về lại địa phương chưa phẫu thuật.

Khối u sơ sinh xương khổng lồ ở bệnh nhân - Ảnh BSCC
BSCKII Nguyễn Văn Dũng, Bệnh viện K cho biết, bệnh u xơ sinh xương là một bệnh lý xương lành tính hiếm gặp, chủ yếu xảy ra ở trẻ em và thanh thiếu niên. Đây là một dạng tổn thương xương, đặc trưng bởi sự tăng sinh bất thường của mô xơ và mô xương bên trong xương dài, thường là xương chày, xương hàm vùng mặt.
Lứa tuổi thường gặp ở trẻ từ 5 đến 20 tuổi, nam nhiều hơn nữ.
Hiện nay nguyên nhân chính xác gây loạn sản xơ sinh xương chưa rõ, nhưng đây không phải là bệnh di truyền, cũng không liên quan đến nhiễm trùng hay chấn thương. Triệu chứng: Sưng vùng xương bị ảnh hưởng; Đau nhẹ hoặc không đau; Biến dạng vùng khối u ( mặt, chi,..); Dễ gãy xương (trong một số trường hợp); Có thể phát hiện tình cờ qua X-quang.
Chẩn đoán X-quang cho thấy hình ảnh tổn thương xương có viền mờ, dạng tổ ong; MRI/CT scan đánh giá chính xác kích thước, ranh giới tổn thương. Sinh thiết xương thực hiện để phân biệt với các khối u ác tính (như u xương dạng adamantinoma, sarcoma xương,..).
Nếu tổn thương nhỏ và không gây triệu chứng nghiêm trọng, có thể chỉ cần theo dõi định kỳ. Phẫu thuật khi khối u gây biến dạng, đau hoặc nguy cơ gãy xương. Thường là cắt bỏ u rồi tạo hình. Điều trị bảo tồn: Dùng nẹp hoặc hỗ trợ nếu tổn thương chưa cần can thiệp phẫu thuật.
Theo BS Dũng, u xơ sinh xương dễ chẩn đoán nhầm với bệnh loạn sản xơ xương (fibrous dysplasia) – một bệnh lý khác có biểu hiện tương tự nhưng khác về sinh học và điều trị; Hoặc u ác tính như sarcoma xương, đặc biệt khi tổn thương có biểu hiện không điển hình.