UBND tỉnh tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, tăng khả năng hấp thụ vốn tín dụng

Ngày 30/10/2023 UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Công văn số 834/UBND-VP5 về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, tăng khả năng hấp thụ vốn tín dụng.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tại cơ quan, đơn vị là một trong các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Ảnh: CTV

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tại cơ quan, đơn vị là một trong các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Ảnh: CTV

Thực hiện Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 15/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, triển khai kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, khơi thông các điểm nghẽn, nút thắt trong nền kinh tế, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan chủ động xem xét, đánh giá, nhận diện những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, các ngành, các lĩnh vực để kịp thời có các giải pháp tháo gỡ, đặc biệt là vấn đề về vốn phục vụ sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

Phối hợp với ngành ngân hàng trên địa bàn tỉnh trong triển khai các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cho vay đối với các lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm tăng cường thông tin, đối thoại trực tiếp giữa ngân hàng và khách hàng, nắm bắt nhu cầu thực tế hỗ trợ của người dân và doanh nghiệp.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tại cơ quan, đơn vị mình, đặc biệt trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên đất, thủ tục xác nhận, công chứng, đăng ký giao dịch đảm bảo, xử lý tài sản đảm bảo… từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng trong việc mở rộng tín dụng và cho vay, thu nợ được nhanh chóng.

Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Ninh Bình trong việc triển khai thực hiện các chương trình tín dụng theo gói hỗ trợ tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ 2 chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội và Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình và chương trình tín dụng thực hiện 3 chương trình Mục tiêu Quốc gia.

UBND tỉnh giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Ninh Bình là đơn vị đầu mối trong việc tổng hợp, báo cáo, đánh giá những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trên địa bàn về vấn đề tiếp cận vốn tín dụng để kịp thời có biện pháp tháo gỡ.

Chỉ đạo các tổ chức tín dụng trong tỉnh đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp, nhất là các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ.

Chỉ đạo, theo dõi sát việc triển khai thực hiện của các chi nhánh ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh về việc giảm lãi suất, miễn, giảm phí để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất kinh doanh. Kịp thời nắm bắt tình hình giảm lãi suất thực tế, tình hình cắt giảm các loại phí và việc bán, triển khai đại lý bảo hiểm của chi nhánh ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh; kiểm tra xử lý các vi phạm theo thẩm quyền.

Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan đẩy mạnh triển khai các chương trình, chính sách tín dụng theo chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như: Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản (15.000 tỷ đồng); Chương trình tín dụng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ (120.000 tỷ đồng); Chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (40.000 tỷ đồng) với các điều kiện cho vay kịp thời, thuận lợi, thông thoáng, linh hoạt, khả thi.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng giữa tổ chức tín dụng với khách hàng. Chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách tín dụng theo chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, minh bạch thông tin tạo môi trường bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ ngân hàng; chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn công khai, minh bạch thông tin về hoạt động, quy trình thủ tục vay vốn, quy trình nghiệp vụ, các dịch vụ, tiện ích ngân hàng. Tăng cường thông tin, truyền thông về chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, chủ trương giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tạo thuận lợi trong tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp...

Bùi Diệu

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ubnd-tinh-tap-trung-cac-giai-phap-thao-go-kho-khan-cho-nguoi/d20231030210645550.htm