UBS mua Credit Suisse với giá hơn 3 tỉ đô la trong thương vụ giải cứu lịch sử

Hôm 19-3, UBS, ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ, đồng ý mua lại Credit Suisse, đối thủ đứng ngay sau ngân hàng này, với giá 3 tỉ franc Thụy Sĩ (3,2 tỉ đô la). Các cơ quan quản lý Thụy Sĩ đã dàn xếp thương vụ giải cứu lịch sử này khi họ chạy đua ngăn chặn cuộc khủng hoảng niềm tin lây lan rộng ra hệ thống ngân hàng toàn cầu sau vụ sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) ở Mỹ.

UBS, ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ, mua lại Credit Suisse theo hình thức hoán đổi cổ phiếu, định giá ngân hàng này hơn 3 tỉ đô la. Ảnh: BQ Prime

UBS, ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ, mua lại Credit Suisse theo hình thức hoán đổi cổ phiếu, định giá ngân hàng này hơn 3 tỉ đô la. Ảnh: BQ Prime

“Với việc UBS tiếp quản Credit Suisse, chúng tôi đã tìm ra giải pháp để đảm bảo ổn định tài chính và bảo vệ nền kinh tế Thụy Sĩ trong tình huống đặc biệt này”, Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ (SNB) cho biết trong một tuyên bố. SNB đã làm việc với chính phủ Thụy Sĩ và Cơ quan Giám sát thị trường tài chính Thụy Sĩ (SFMSA) để thiết kế vụ sáp nhập của hai ngân hàng lớn nhất của đất nước.

Thương vụ thâu tóm được thực hiện theo hình thức hoán đổi cổ phiếu, định giá Credit Suisse ở mức 3 tỉ franc Thụy Sĩ, thấp hơn 60% giá trị vốn hóa của ngân hàng này vào thời điểm thị trường đóng cửa hôm 17-3.

Theo đó, cổ đông của Credit Suisse nhận được 1 cổ phiếu UBS cho mỗi 22,48 cổ phiếu Credit Suisse mà họ nắm giữ.

Điều đặc biệt là thương vụ sẽ không cần sự chấp thuận của các cổ đông sau khi chính phủ Thụy Sĩ đồng ý thay đổi luật để loại bỏ bất kỳ sự không chắc chắn nào về thương vụ này.

“Thương vụ này rất hấp dẫn đối với các cổ đông của UBS, nhưng chúng tôi xin nói rõ rằng đây là một cuộc giải cứu khẩn cấp. Chúng tôi đã thiết kế một giao dịch giúp bảo toàn giá trị còn lại của Credit Suisse, đồng thời hạn chế rủi ro của chúng tôi”, Chủ tịch UBS Colm Kelleher, nói. Ông cho biết thêm đây là thương vụ cần thiết đối với hệ thống tài chính của Thụy Sĩ và toàn cầu.

Thương vụ sẽ củng cố ngân hàng USB với tư cách là nhà quản lý tài sản lớn nhất toàn cầu. Sau khi thâu tóm Credit Suisse, tổng giá trị tài sản nằm trong danh mục quản lý đầu tư của UBS sẽ lên tới 5.000 tỉ đô la.

SNB cam kết cung cấp một khoản vay lên tới 100 tỉ franc Thụy Sĩ để hỗ trợ thanh khoản cho UBS sau thương vụ này. Chính phủ Thụy Điển cũng cam kết hỗ trợ khoản lỗ lên đến 9 tỉ đô la ở một số tài sản nhất định của Credit Suisse để giảm rủi ro cho UBS.

“Đây là một giải pháp thương mại, chứ không phải là một vụ giải cứu”, Bộ trưởng Tài chính Thụy Sĩ Karin Keller-Sutter nhấn mạnh trong một cuộc họp báo.

Thương vụ được dàn xếp gấp rút trước khi thị trường mở cửa hôm nay (20-3) sau khi cổ phiếu của Credit Suisse ghi nhận tuần giảm giá tồi tệ nhất kể từ đại dịch Covid-19. Cổ phiếu của Credit Suisse vẫn bị bán tháo bất chấp ngân hàng này nhận được khoản vay mới lên tới 54 tỉ đô la từ SNB.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã ra tuyên bố hoan nghênh thương vụ.

Credit Suisse, nhà băng có tuổi đời 167 năm, đã phải chật vật ứng phó một loạt thua lỗ và bê bối trong những năm gần đây. Trong hai tuần qua, tâm lý của thị trường lại bị rung chuyển khi các ngân hàng ở Mỹ quay cuồng ứng phó cú sụp đổ của ngân hàng SVB và ngân hàng Signature Bank. Giữa lúc cổ phiếu của Credit Suisse bị bán tháo, khách hàng của ngân hàng này cũng rút tiền hàng loạt, lên tới 10 tỉ đô la mỗi ngày.

Axel Lehmann, Chủ tịch Credit Suisse, cho rằng cơn bất ổn tài chính ở Mỹ đã giáng đòn khủng hoảng niềm tin cho ngân hàng của ông vào thời điểm tệ hại. Theo các nguồn tin, dù các cơ quan quản lý can thiệp để bảo đảm thương vụ được thực hiện, UBS có quyền tự chủ trong việc quản lý các tàn sản thâu tóm. Điều này có nghĩa là UBS có thể sa thải đáng kể nhân viên của Credit Suisse. Cuối năm 2022, nhà băng này có hơn 50.000 nhân viên, bao gồm 17.000 nhân viên tại Thụy Sĩ.

Quy mô và tác động tiềm năng của cơn bất ổn từ Credit Suisse đối với nền kinh tế toàn cầu lớn hơn nhiều so với các ngân hàng khu vực của Mỹ. Chính điều này buộc giới chức trách Thụy Sĩ phải sốt sắng tìm cách sáp nhập hai nhà băng lớn nhất nước. Tính đến cuối năm 2022, giá trị tài sản trong bảng cân đối kế toán của Credit Suisse là 530 tỉ franc Thụy Sĩ, cao gấp đôi ngân hàng Lehman Brothers của Mỹ khi nó sụp đổ vào năm 2008 và kích hoạt khủng hoảng tài chính toàn cầu. Ngân hàng này cũng có những liên kết sâu rộng trên thế giới, với một loạt công ty con hoạt động ở nhiều nước. Điều này khiến nhiệm vụ ổn định tình hình của Credit Suisse thậm chí còn quan trọng hơn.

Nỗ lực sáp nhập UBS và Credit Suisse không dễ dàng nhưng rốt cục, áp lực ngăn chặn một cuộc khủng hoảng hệ thống buộc các bên liên quan phải hành động nhanh chóng. UBS ban đầu đề nghị mua Credit Suisse với giá khoảng 1 tỉ đô la. Credit Suisse được cho là đã từ chối lời đề nghị này vì cho rằng mức định giá đó quá thấp và sẽ gây tổn hại cho cổ đông và nhân viên của ngân hàng này.

Credit Suisse đã bị khách hàng rút khoảng 38% tổng tiền gửi trong quí 4-2022. Trong báo cáo thường niên hồi đầu tuần trước, nhà băng này thừa nhận dòng tiền chảy ra vẫn chưa đảo ngược. Credit Suisse chịu lỗ ròng 7,3 tỉ franc Thụy Sĩ trong 2022 và dự kiến sẽ lỗ thêm “đáng kể” trong năm 2023.

Theo CNBC, CNN

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/ubs-mua-credit-suisse-voi-gia-hon-3-ti-do-la-trong-thuong-vu-giai-cuu-lich-su/