Ukraine 'đỏ lửa' với chiến dịch mùa hè của Nga

Chiến trường Ukraine 'nóng đỏ lửa' khi Nga mở chiến dịch mùa hè trên diện rộng, trong khi Mỹ lại đổi lập trường và nối lại viện trợ cho Kiev.

Chiến trường Ukraine đang rất nóng khi Nga tăng tốc chiến dịch mùa hè với quy mô lớn, dồn dập không kích, pháo kích và tấn công mặt đất trên nhiều hướng, trong đó Donetsk trở thành tâm điểm hứng hỏa lực khốc liệt nhất.

Chiến trường “nóng đỏ lửa”

Những ngày qua, số lượng cuộc giao tranh được ghi nhận mỗi ngày dao động từ 130 đến gần 190, riêng mặt trận Pokrovsk (Donetsk) liên tục ghi nhận hàng chục đợt tấn công dồn dập từ phía Nga.

Lực lượng Moscow đang huy động hàng nghìn UAV cảm tử, tên lửa hành trình, bom dẫn đường cùng hàng loạt đợt pháo kích nhằm phá vỡ phòng tuyến phía Đông của Ukraine, với hy vọng giành ưu thế trước khi mùa thu cận kề, theo hãng thông tấn TASS.

 Hiện trường đổ nát sau đòn không kích ở Kherson ngày 8-7 mà Ukraine quy là do Nga làm. Ảnh: BỘ NỘI VỤ UKRAINE

Hiện trường đổ nát sau đòn không kích ở Kherson ngày 8-7 mà Ukraine quy là do Nga làm. Ảnh: BỘ NỘI VỤ UKRAINE

Mới đây, Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky nói rằng Nga đã tiến hành cuộc không kích lớn nhất trong một ngày nhằm vào Ukraine trong đêm 8-7 và rạng sáng 9-7. Ông Zelensky nói rằng Nga đã phóng tổng cộng 741 vũ khí đường không vào Ukraine, trong đó bao gồm 728 máy không người lái (UAV) các loại và 13 tên lửa Kh-101 và Iskander-K.

Cuộc tấn công đánh dấu cuộc không kích lớn nhất vào Ukraine trong cuộc xung đột Nga-Ukraine 3 năm qua, theo tờ Kyiv Post. Tờ Kyiv Independent đưa tin cuộc không kích nhằm vào nhiều thành phố của Ukraine, trong số này bao gồm các khu vực phía Tây nằm cách xa chiến tuyến hàng trăm km như Lutsk, Lviv, Khmelnytskyi và Ternopil - những nơi hiếm khi trở thành mục tiêu trong các đợt không kích trước đây.

Ở chiều ngược lại, quân Ukraine đang áp dụng chiến thuật "phòng thủ chủ động", giữ các mặt trận then chốt như Pokrovsk, Novopavlivka và Kharkiv, đồng thời mở rộng các mũi phản công sâu vào lãnh thổ Nga.

Việc Ukraine tuyên bố đang duy trì hiện diện tại Kursk và Belgorod - hai tỉnh của Nga giáp biên giới - cho thấy chiến tuyến đang được đẩy rộng theo chiều sâu, rất có thể sẽ buộc Moscow phải phân tán lực lượng, theo tờ Kyiv Post.

Diễn biến mới đáng chú ý là việc Ukraine tăng cường sử dụng máy bay không người lái tấn công các mục tiêu chiến lược trong nội địa Nga, bao gồm cả cảng Novorossiysk - căn cứ trọng yếu của Hạm đội Biển Đen - hồi 6-7. Trong khi đó, phía Nga tuyên bố đang tập trung không kích các cơ sở công nghiệp quốc phòng và nơi đóng quân tạm thời của Ukraine, gây thiệt hại nhân lực lớn phía Ukraine.

Chỉ trong vòng vài ngày, tổng thương vong hai bên lên tới hàng ngàn người, phản ánh mức độ khốc liệt và căng thẳng chưa từng thấy kể từ đầu năm đến nay. Tính riêng ngày 8-7, phía Ukraine cho biết đã hạ hơn 1.000 lính Nga, trong khi phía Moscow báo cáo đã loại hơn 1.300 binh sĩ Kiev.

Căn cứ vào các bản cập nhật tình hình chiến sự của cả Nga và Ukraine từ đầu tuần, chiến trường Donetsk tiếp tục chìm trong lửa đạn, Kharkiv căng như dây đàn, còn các tỉnh Sumy, Dnipropetrovsk, Belgorod trở thành những chiến trường thứ cấp trong cuộc giằng co ngày càng khó lường.

 Quân Nga khai hỏa pháo trên chiến trường Ukraine. Ảnh: TASS

Quân Nga khai hỏa pháo trên chiến trường Ukraine. Ảnh: TASS

Chiến dịch mùa hè mà Nga phát động đang đẩy cuộc chiến Ukraine sang một giai đoạn khốc liệt và mở rộng, trong bối cảnh cả hai bên đều tăng tốc sử dụng UAV, đẩy mạnh pháo kích và không kích nhằm giành lợi thế chiến lược trước mùa đông sắp tới.

Nỗ lực Ukraine và bước chuyển từ Mỹ

Chiến sự Nga-Ukraine diễn biến giằng co khốc liệt và khó lường, khi không chỉ các đợt tấn công dồn dập từ Moscow gia tăng cường độ, mà cả hậu phương phương Tây cũng đang có những chuyển động đáng chú ý với Ukraine.

Đài CNN dẫn các nguồn thạo tin cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đã đơn phương quyết định tạm dừng việc chuyển giao vũ khí cho Ukraine hồi tuần trước mà không thông báo trước cho Nhà Trắng. Các nguồn tin cũng cho hay Tổng thống Donald Trump chỉ yêu cầu rà soát kho đạn dược của Lầu Năm Góc sau vụ tập kích các cơ sở hạt nhân Iran, chứ không ra lệnh ngừng viện trợ cho Kiev.

Chỉ vài ngày sau khi tuyên bố tạm ngưng viện trợ cho Ukraine vì lý do “ưu tiên lợi ích quốc gia”, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bất ngờ đảo chiều, tuyên bố nối lại và mở rộng các gói hỗ trợ quân sự cho Kiev - động thái khiến cả Ukraine lẫn Nga đều không thể làm ngơ.

Phát biểu ngày 7-7 tại Nhà Trắng trong bữa tối cùng Thủ tướng Israel, Tổng thống Trump khẳng định Mỹ sẽ “gửi thêm vũ khí cho Ukraine” để giúp nước này tự vệ giữa lúc "bị tấn công rất mạnh".

Một ngày sau, ông tuyên bố đã chính thức phê duyệt kế hoạch viện trợ quân sự mới, chủ yếu tập trung vào các khí tài phòng thủ. Hãng tin Axios tiết lộ rằng gói viện trợ có thể bao gồm tới 10 tên lửa phòng không Patriot - loại vũ khí được coi là “lá chắn thép” chống tên lửa hành trình và máy bay không người lái. Ngoài ra, ông Trump còn đề xuất Đức bán thêm một bệ phóng Patriot cho Ukraine, với phần chi phí được Mỹ và các đồng minh châu Âu cùng gánh vác.

Ở Kiev, thông điệp từ Washington được đón nhận như một cú hích quan trọng giữa thời điểm Ukraine đối mặt làn sóng không kích dồn dập từ Nga.

Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky xác nhận đã chỉ đạo đẩy mạnh liên lạc với Mỹ để thúc đẩy tiến độ chuyển giao vũ khí, đặc biệt các hệ thống phòng không.

 Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: WHITE HOUSE

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: WHITE HOUSE

“Chúng tôi hiện đã có đầy đủ các tuyên bố và quyết định chính trị cần thiết. Giờ đây, nhiệm vụ là triển khai chúng càng sớm càng tốt để bảo vệ người dân và trận địa của chúng tôi. Đây là những gói viện trợ mang tính sống còn, có thể cứu mạng người và bảo vệ các thành phố, làng mạc của Ukraine. Tôi kỳ vọng sẽ có kết quả từ các cuộc liên lạc này trong thời gian rất gần. Trong tuần này, chúng tôi cũng đang chuẩn bị các hình thức họp giữa các nhóm quân sự và chính trị hai bên” - ông Zelensky nói thêm.

Trước đó, cuộc điện đàm giữa ông Zelensky và ông Trump ngày 4-7 (chỉ vài ngày sau khi Mỹ thông báo tạm ngưng viện trợ) được mô tả là “rất tích cực” và mở ra kỳ vọng về các đợt hỗ trợ mới trong thời gian ngắn.

Tuy nhiên, không phải tất cả đều ủng hộ bước ngoặt này. Tại Moscow, người phát ngôn Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov cảnh báo rằng việc Mỹ nối lại viện trợ vũ khí cho Ukraine là “bằng chứng cho thấy phương Tây tiếp tục lựa chọn đối đầu thay vì hòa bình”, theo đài RT.

Ông Peskov cho biết Nga sẽ cần thời gian để xác định chính xác loại và số lượng vũ khí mà Mỹ đang gửi tới Ukraine.

“Những hành động như vậy không giúp ích gì cho các nỗ lực đàm phán, mà chỉ khiến chiến sự leo thang” - ông Peskov nói.

Theo hãng tin Reuters, bản thân chủ nhân Nhà Trắng cũng tỏ ra không giấu được sự thất vọng với người đồng cấp Nga. Trong cuộc họp nội các ngày 8-7, ông Trump tuyên bố đang cân nhắc hậu thuẫn một dự luật trừng phạt mới đối với Moscow - trong đó bao gồm mức thuế lên tới 500% với dầu mỏ, khí đốt, uranium và nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Nga.

“Tôi không hài lòng với ông Putin. Tôi có thể nói rõ điều đó lúc này” - ông Trump thẳng thắn nói, đồng thời lưu ý rằng binh sĩ Nga và Ukraine đang thiệt mạng với con số hàng nghìn người.

Trong thế cờ hiện tại, cả ba bên - Ukraine, Mỹ và Nga - đều đang tính toán thận trọng giữa áp lực quân sự và tính toán chính trị. Với Ukraine, thời gian là yếu tố sống còn. Với Mỹ, sự can dự phải được cân đo cẩn thận. Còn với Nga, bất kỳ động thái tăng viện trợ nào từ phương Tây đều có thể bị xem là cái cớ để siết chặt chiến dịch quân sự.

Tiến trình đàm phán hòa bình đang ở đâu?

Ngày 8-7, Điện Kremlin cho biết Nga vẫn đang chờ phía Ukraine xác nhận thời điểm tổ chức vòng đàm phán hòa bình trực tiếp tiếp theo, sau hai vòng trước đó diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, đến nay Kiev vẫn chưa có phản hồi, theo đài RT.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định chưa có tiến triển gì, đồng thời nhắc lại rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin tuần trước đã bày tỏ sẵn sàng tiếp tục đối thoại.

Ukraine chưa lên tiếng về thông tin trên.

Hai vòng đàm phán trước đã diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ, đánh dấu nỗ lực nối lại tiến trình hòa bình vốn bị đình trệ trong hai năm qua. Trong vòng đàm phán thứ hai hồi 2-6, phái đoàn hai bên đã trao đổi các bản dự thảo đề xuất về một thỏa thuận tiềm năng và nhất trí tiếp tục chương trình trao đổi tù binh.

Cuối tháng 6 vừa qua, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng cho biết đang thúc đẩy kế hoạch tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Zelensky và ông Putin tại Thổ Nhĩ Kỳ, với khả năng có sự tham gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tiến trình này cũng chưa rõ tiến triển tới đâu.

DƯƠNG KHANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/ukraine-do-lua-voi-chien-dich-mua-he-cua-nga-post859438.html