Nga tịch thu khối tài sản trị giá 50 tỷ USD của phương Tây trong ba năm

Theo một nghiên cứu công bố ngày 9/7, các nhà chức trách Nga đã tịch thu khối tài sản trị giá khoảng 50 tỷ USD trong ba năm qua, cho thấy quy mô chuyển đổi sang mô hình kinh tế 'pháo đài Nga' giữa lúc chiến sự ở Ukraine diễn ra.

Quảng trường Đỏ ở Moskva. Ảnh: AFP/TTXVN

Quảng trường Đỏ ở Moskva. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo hãng tin Reuters, cuộc xung đột ở Ukraine đã tạo ra xu hướng dịch chuyển tài sản đáng chú ý khi nhiều công ty phương Tây rút khỏi thị trường Nga. Sau đó, tài sản của một số công ty nước ngoài bị quốc hữu hóa, còn một số doanh nghiệp lớn của Nga cũng do nhà nước kiểm soát.

Trong ba năm qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký các sắc lệnh cho phép tịch thu tài sản phương Tây nhằm đáp trả các hành động phi pháp của phương Tây. Các sắc lệnh này ảnh hưởng đến nhiều công ty, từ Uniper của Đức đến hãng bia Carlsberg của Đan Mạch.

Bên cạnh tài sản của phương Tây, các công ty lớn của Nga cũng đổi chủ theo nhiều cơ chế pháp lý khác nhau.

Hãng luật Nektorov, Saveliev & Partners đánh giá quy mô quốc hữu hóa trong ba năm qua đạt giá trị 3,9 tỷ ruble.

Theo tờ Kommersant, nghiên cứu này cho thấy quá trình hình thành mô hình kinh tế “pháo đài Nga”.

Trong tám năm đầu cầm quyền, Tổng thống Putin ủng hộ tự do kinh tế và giúp kinh tế Nga tăng trưởng đáng kể, với quy mô GDP từ 200 tỷ USD năm 1999 lên 1.800 tỷ USD năm 2008.

Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong giai đoạn 2008 - 2022, quy mô kinh tế Nga tiếp tục tăng lên 2.300 tỷ USD, dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh trừng phạt từ phương Tây sau khi Moskva sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine năm 2014.

Tính đến năm 2024, dù kinh tế Nga hoạt động tốt hơn dự đoán trong thời chiến, nhưng quy mô danh nghĩa tính theo USD chỉ đạt 2.200 tỷ. Con số này thấp hơn đáng kể so với Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) hay Mỹ.

Giới chức Nga cho rằng cuộc xung đột ở Ukraine đòi hỏi các biện pháp đặc biệt để ngăn chặn âm mưu của phương Tây nhằm nhấn chìm kinh tế Nga.

Theo Tổng thống Putin, xu hướng các công ty phương Tây rút đi đã mở đường cho các nhà sản xuất trong nước thế chỗ và các lệnh trừng phạt của phương Tây đã buộc doanh nghiệp nội địa phải phát triển. Ông kêu gọi thực hiện mô hình phát triển mới tách biệt khỏi toàn cầu hóa lỗi thời.

Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022, hơn 1.000 công ty, từ McDonald’s đến Mercedes-Benz, đã rút khỏi Nga bằng cách bán lại, chuyển giao cho quản lý địa phương hoặc đơn giản là bỏ lại tài sản. Một số công ty khác thì bị nhà nước tịch thu tài sản và buộc bán lại.

Thùy Dương/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/nga-tich-thu-khoi-tai-san-tri-gia-50-ty-usd-cua-phuong-tay-trong-ba-nam-20250710095658504.htm