Ukraine nhận hệ thống phòng không uy lực, Nga cảnh báo Đức

Đức và Mỹ đang có kế hoạch cung cấp cho Ukraine 2 hệ thống phòng không Patriot trị giá khoảng 2 tỉ euro.

Thông tin trên do Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đưa ra trước báo giới trong chuyến thăm Mỹ.

Cụ thể, sau cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth, ông Pistorius ngày 14-7 cho biết Berlin và Washington sẽ đưa ra quyết định về việc chuyển giao 2 hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất cho Kiev trong vòng vài ngày hoặc vài tuần tới.

Ông Pistorius nói thêm rằng các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục để hoàn thiện các chi tiết, bao gồm số lượng bệ phóng và tên lửa có thể được đưa vào thỏa thuận.

Hãng thông tấn DPA dẫn lời ông Pistorius nêu rõ: "Chúng tôi vẫn cần làm rõ các chi tiết kỹ thuật, hậu cần và tài chính còn sót lại". Dẫu vậy, theo Bộ trưởng Quốc phòng Đức, những vấn đề này "dường như có thể giải quyết được", cho phép ông và người đồng cấp Mỹ "tiến triển nhanh chóng".

Ông Pistorius tiết lộ với thỏa thuận đã được ký kết, tổ hợp Patriot đầu tiên có thể được triển khai tới Ukraine trong vòng vài tháng. Tuy nhiên, ông từ chối bình luận về việc liệu các cuộc đàm phán có đề cập đến vũ khí tấn công cho Kiev hay không.

Đức đã chuyển 3 hệ thống Patriot cho Kiev trong tổng số 12 hệ thống mà Đức từng sở hữu.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đến Washington - chuyến công du đầu tiên của ông tới Mỹ kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức vào tháng 1. Ảnh: DPA

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đến Washington - chuyến công du đầu tiên của ông tới Mỹ kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức vào tháng 1. Ảnh: DPA

Theo truyền thông Mỹ, việc ông Pistorius được chào đón nồng nhiệt tại Washington phản ánh vai trò ngày càng tăng của Đức với tư cách là một nước đóng góp chính cho việc tăng cường quân sự lớn nhất của NATO kể từ Chiến tranh Lạnh, sau nhiều chục năm chậm trễ trong chi tiêu quốc phòng.

Trong bối cảnh các quan chức châu Âu lo ngại về một cuộc tấn công tiềm tàng từ Nga và chuẩn bị cho việc rút quân của Mỹ, Đức đã sửa đổi Hiến pháp nhằm nới lỏng quy định "phanh nợ" để đáp ứng mục tiêu chi tiêu quân sự cốt lõi mới của NATO là 3,5% GDP vào năm 2029.

Theo hãng thông tấn Tass, mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Washington sẽ cung cấp vũ khí cho Ukraine với số lượng lớn và châu Âu sẽ chi trả chi phí.

Trong một diễn biến khác, hãng thông tấn Tass dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 14-7 nhấn mạnh "nước Đức đang trở nên nguy hiểm trở lại".

Tuyên bố trên nhằm đáp lại phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Đức trước đó. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ Financial Times, ông này tuyên bố quân đội Đức sẵn sàng chiến đấu nếu Moscow tấn công một quốc gia thành viên NATO.

Trả lời tờ RBK Business Daily, ông Peskov bày tỏ khó tin rằng Bộ trưởng Quốc phòng Đức lại có thể đưa ra một tuyên bố như vậy.

Trong buổi trả lời phỏng vấn Financial Times, Bộ trưởng Pistorius khẳng định bất kỳ cuộc đàm phán nào về hòa bình chỉ có thể diễn ra "trên cơ sở bình đẳng" và "từ vị thế mạnh mẽ". Mặc dù Berlin không tìm cách "đe dọa bất kỳ ai", nhưng ông cho rằng "chúng ta không nên nghĩ rằng mình yếu đuối hay không thể tự vệ".

Mối đe dọa được cho là từ Nga từ lâu đã là một trong những chủ đề thảo luận chính của nhiều quan chức từ các nước NATO. Trước đây, Nga nhiều lần bác bỏ những đồn đoán nước này có kế hoạch tấn công khối quân sự do Mỹ dẫn đầu, rằng đó là điều "vô lý".

Huệ Bình

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ukraine-nhan-he-thong-phong-khong-uy-luc-nga-canh-bao-duc-196250715073813842.htm