UNCLOS 40 năm còn nguyên giá trị pháp lý

Giới quan sát đồng ý rằng sự ra đời của UNCLOS đã giúp quy chỉnh hóa cách hành xử và tranh chấp của các quốc gia trong những vấn đề liên quan tới biển, đại dương.

Ngày 29-3, ĐH Quốc Gia Singapore đã tổ chức hội thảo khoa học để bàn về 40 năm ra đời của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS). Sau Hiến chương LHQ, Công ước Luật Biển 1982 được đánh giá là văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, được nhiều quốc gia ký kết và tham gia.

Là một văn kiện pháp lý đa phương đồ sộ, bao gồm 320 điều khoản và hơn 1.000 quy phạm pháp luật, nhiều nước đã kỳ vọng UNCLOS sẽ mở đầu cho một trật tự pháp lý quốc tế mới đối với tất cả các vấn đề về biển và đại dương, bao gồm cả đáy biển và lòng đất dưới đáy biển.

Không thể phủ nhận tầm quan trọng của UNCLOS

Theo GS Laurence Boisson de Chazournes thuộc ĐH Geneva (Thụy Sĩ), sau khi UNCLOS ra đời và có hiệu lực đến nay, các quốc gia ven biển đã ra các tuyên bố để khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình đối với những vùng biển được mở rộng theo quy định của Công ước. Quy chế pháp lý đối với lãnh hải đã trở thành biện pháp giải tỏa cho các yêu sách xung đột giữa các quốc gia với nhau.

Lưu thông hàng hải qua vùng lãnh hải và các dải hẹp giờ đây dựa trên các nguyên tắc pháp lý. Các quốc gia ven biển đã tận dụng các điều khoản lợi thế cho phép mở rộng vùng đặc quyền kinh tế ra tới 200 hải lý dọc theo bờ biển. Các quốc gia không có biển được quyền tiếp xúc với biển hoặc từ biển cũng được quy định một cách rõ ràng. Quyền được tiến hành các nghiên cứu khoa học biển giờ đây được dựa trên các nguyên tắc mà không thể vì lý do gì để từ chối.

Tàu chiến Trung Quốc tập trận ở Biển Đông hồi tháng 6-2019. Ảnh: AP

Tàu chiến Trung Quốc tập trận ở Biển Đông hồi tháng 6-2019. Ảnh: AP

Cơ quan quyền lực quốc tế về đáy đại dương đã thành lập năm 1994, đang thực hiện chức năng tổ chức và kiểm soát các hoạt động dưới biển sâu ngoài vùng thuộc quyền tài phán quốc gia, nhằm điều hành việc khai thác và bảo tồn các nguồn tài nguyên của biển. Tòa án Luật Biển quốc tế (ILTOS) cũng đã được thành lập năm 1996 và có quyền lực để giải quyết các tranh chấp liên quan đến biển phát sinh từ việc áp dụng hay hiểu biết về Công ước.

Trước nhiều tranh chấp biển xảy ra ở các khu vực trên thế giới, cộng đồng quốc tế cần phải hết sức tôn trọng và thực hiện đầy đủ UNCLOS, làm rõ yêu sách và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS thì mới sớm đạt giải pháp giải quyết thỏa đáng tranh chấp giữa các bên liên quan

GS LAURENCE BOISSON DE CHAZOURNES, ĐH Geneva (Thụy Sĩ)

Về cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS

Bàn về thêm về cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS, GS Carlos Esposito thuộc ĐH Madrid (Tây Ban Nha) nhấn mạnh để sử dụng thủ tục bắt buộc giải quyết tranh chấp của UNCLOS, các bên tranh chấp phải đáp ứng điều kiện trao đổi và chưa ký kết văn bản thỏa thuận nào loại trừ thủ tục giải quyết tranh chấp của UNCLOS.

Công ước cũng có quy định để bảo đảm, trừ một số ngoại lệ được quy định, thì tranh chấp có thể được đưa ra giải quyết tại cơ chế bắt buộc - Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII UNCLOS. Cơ chế Tòa trọng tài này của UNCLOS đã được một số nước sử dụng trên thực tế và tuy có trường hợp có sự phản đối của một bên tranh chấp, song phán quyết của tòa vẫn có giá trị chung thẩm và ràng buộc pháp lý, ngay cả trong trường hợp một bên tranh chấp không tham gia tranh tụng.

Ngoài ra, UNCLOS còn quy định về cơ chế hòa giải bắt buộc, theo đó nếu tranh chấp phát sinh sau khi Công ước có hiệu lực và hai bên không đạt được giải pháp thông qua đàm phán trong một khoảng thời gian hợp lý, một bên có thể đưa tranh chấp ra Ủy ban hòa giải được thành lập theo Phụ lục V. Các khuyến nghị của Ủy ban hòa giải không có giá trị ràng buộc pháp lý nhưng các bên tranh chấp có nghĩa vụ phải đàm phán trên cơ sở báo cáo và khuyến nghị của Ủy ban hòa giải, để đạt giải pháp giải quyết tranh chấp.

Nếu không đàm phán được, các bên có nghĩa vụ giải quyết thông qua cơ quan tài phán. Đơn cử, Đông Timor - sau một thời gian đàm phán với Úc không thành công - đã sử dụng Ủy ban hòa giải nhằm tìm giải pháp cho tranh chấp về phân định biển và chia sẻ tài nguyên tồn tại đã lâu giữa nước này với Úc là thực tiễn đầu tiên áp dụng thủ tục hòa giải bắt buộc và đã thành công. Trên cơ sở báo cáo và các khuyến nghị của Ủy ban hòa giải, hai nước Đông Timor và Úc đã đàm phán và ký Hiệp ước phân định biển tháng 3-2018, có giá trị ràng buộc đối với hai nước và giải quyết dứt điểm tranh chấp giữa hai nước này.

“Thực tiễn cũng đã cho thấy, phán quyết của các cơ quan tài phán theo quy định của UNCLOS, đặc biệt là ITLOS hoặc tòa trọng tài đã góp phần giải thích đúng đắn các quy định của UNCLOS, giúp làm rõ một số vấn đề còn chưa rõ hoặc gây tranh cãi, hoặc yêu sách và hành động trái với quy định của UNCLOS” - ông Esposito cho hay.

Hiệu quả thực thi UNCLOS, cũng giống như việc thực thi các điều ước quốc tế khác, trên thực tế không chỉ thể hiện ở quan điểm của quốc gia tại các diễn đàn khu vực và quốc tế thảo luận về biển mà phụ thuộc vào hành động của mỗi quốc gia thành viên trong việc sử dụng biển, đại dương và các tài nguyên biển, đòi hỏi thiện chí và quan tâm đúng mức của mỗi quốc gia.

Chuyên gia tiếp tục đánh giá cao phán quyết Biển Đông 2016

TS Tara Davenport thuộc ĐH Quốc gia Singapore cho biết cùng trong cuộc thảo luận về tinh thần thượng tôn pháp luật quốc tế, bà đánh giá cao phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài thường trực (PCA), cho rằng phán quyết là cơ sở pháp lý quan trọng trong giải quyết vấn đề Biển Đông và các bên liên quan cần tôn trọng luật pháp quốc tế, không có hành động làm phức tạp tình hình.

“Phán quyết của PCA là văn bản pháp lý có giá trị quốc tế cao và có vai trò quan trọng trong giải quyết tranh chấp cũng như phân định giới hạn bên ngoài của thềm lục địa ở Biển Đông. Việc phân định các giới hạn của thềm lục địa là thủ tục ràng buộc và bắt buộc trong UNCLOS” - bà Davenport chia sẻ.

Chuyên gia này cũng đề cập tới việc những nước như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Úc, New Zealand, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam cũng đã đưa ra các tuyên bố về những diễn biến căng thẳng trên vùng biển này. Các bên đều mong muốn Biển Đông sẽ là một vùng biển an toàn, ổn định và đảm bảo tự do hàng hải.

VĨ CƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/unclos-40-nam-con-nguyen-gia-tri-phap-ly-1051238.html