UNDP: Nghị quyết 57-NQ/TW thể hiện rõ tầm nhìn táo bạo về AI của Việt Nam
Các chuyên gia cho rằng Việt Nam đang có những bước tiến quan trọng trong phát triển AI, với các nỗ lực xây dựng mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt, cơ sở hạ tầng số công cộng, hệ thống dữ liệu mở quốc gia...

Một trong những trọng tâm chính của ứng dụng AI là xây dựng nền kinh tế bao trùm hơn, không phải bằng cách thay thế lao động, mà bằng cách nâng cao năng suất lao động
Trong bối cảnh công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đang trở thành trụ cột của các chiến lược phát triển quốc gia trên toàn cầu, Việt Nam đã có những bước đi táo bạo nhằm tận dụng AI như một động lực mới cho sự phát triển bền vững, công bằng và bao trùm.
Nghị quyết 57-NQ/TW, ban hành vào tháng 12/2024, đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển AI, và đến năm 2045, trở thành một trong các trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực.
ĐỊNH HƯỚNG ĐÚNG ĐẮN CHO VIỆT NAM
Theo bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, quá trình chuyển đổi số của đất nước đang tăng tốc với một tầm nhìn phát triển táo bạo. Trí tuệ nhân tạo hiện là trung tâm của nhiều cuộc thảo luận về tương lai Việt Nam. Bà Ramla Khalidi cho rằng các chính sách như Nghị quyết số 57-NQ/TW đã thể hiện rõ tầm nhìn táo bạo về AI của Việt Nam.
“Tầm nhìn AI của Việt Nam, được thể hiện qua Nghị quyết 57-NQ/TW, là rất táo bạo và đầy khát vọng”, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, nói. “Thủ tướng Chính phủ đã kêu gọi Việt Nam đào tạo 100.000 kỹ sư AI – đây là một bước đi mạnh mẽ cho tương lai của Việt Nam. Thông điệp của Thủ tướng cũng nhấn mạnh rằng AI phải an toàn, đạo đức và bao trùm, và tôi nghĩ đó là định hướng đúng đắn cho Việt Nam”.

Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam
Theo TS. Vũ Thị Thanh, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Con người, Gia đình và Giới, trong vòng 5 năm qua, nhiều chiến lược quốc gia của Việt Nam đã tập trung vào thúc đẩy công nghệ và AI. TS. Vũ Thị Thanh cho rằng Nghị quyết 57-NQ/TW ban hành tháng 12/2024 đã nhấn mạnh vai trò của khoa học công nghệ trong việc nâng cao Chỉ số Phát triển Con người của Việt Nam - một chỉ số bao gồm tuổi thọ, giáo dục và mức sống.
Tháng 3/2025, Việt Nam đã phát động phong trào “Bình dân học vụ số”, lấy cảm hứng từ phong trào xóa mù chữ năm 1945 - khi có tới 90% dân số Việt Nam không biết chữ. Giờ đây, phong trào “Bình dân học vụ số” năm 2025 sẽ nhằm xóa mù kỹ thuật số cho người dân Việt Nam, để đảm bảo họ không bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là các nhóm yếu thế. “Đây là một bước đi cụ thể hóa mục tiêu phát triển bao trùm trong kỷ nguyên số của Việt Nam”, TS. Vũ Thị Thanh nói.
ỨNG DỤNG AI ĐỂ XÂY DỰNG MỘT NỀN KINH TẾ BAO TRÙM HƠN
Chia sẻ tại lễ công bố Báo cáo Phát triển Con người (HDR - Human Development Report) toàn cầu năm 2025” với chủ đề “Kỷ nguyên Trí tuệ nhân tạo và lựa chọn phát triển con người", ông Jonathan London, đại diện nhóm nghiên cứu của UNDP, nhận định Việt Nam có tiềm năng trở thành một trong những quốc gia tiên phong trong việc sử dụng AI để xây dựng một nền kinh tế thực sự bao trùm, từ đó nâng cao triển vọng phát triển.
Theo ông, Việt Nam đang có cơ hội lớn khi các cấp lãnh đạo cao nhất của đất nước nhận thức rõ ràng về những đóng góp tiềm năng của AI, đưa ra những cam kết chính trị mạnh mẽ nhằm biến AI thành đòn bẩy cho sự phát triển bền vững và công bằng. Đại diện nhóm nghiên cứu của UNDP cho biết để tận dụng AI, Việt Nam cần tập trung vào việc nâng cao năng suất trong tất cả các ngành kinh tế.
“Hiện nay, năng suất lao động của Việt Nam vẫn còn thấp hơn so với một số quốc gia trong khu vực. Chính phủ đang nỗ lực mạnh mẽ để cải thiện tình hình này, đặc biệt thông qua việc đào tạo nhân lực trong lĩnh vực AI”, ông Jonathan London nói và cho biết theo ước tính, hiện chỉ khoảng 30% sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin có đủ kỹ năng về AI. Trong khi đó, mục tiêu đầy tham vọng của Việt Nam là đào tạo 100.000 kỹ sư AI trong vòng 5 năm, thể hiện rõ cam kết chính trị mạnh mẽ.
Một trong những trọng tâm chính của việc ứng dụng AI là xây dựng một nền kinh tế bao trùm hơn, không phải bằng cách thay thế lao động, mà bằng cách nâng cao năng suất lao động. Chuyên gia của UNDP cho rằng AI không chỉ tác động đến nhu cầu lao động trong tương lai, mà còn đòi hỏi quá trình nâng cấp kỹ năng và đào tạo lại quy mô lớn.
Một ví dụ điển hình là trong các khu vực kinh tế chiếm tỷ lệ lớn lực lượng lao động, bằng cách sử dụng AI để chính thức hóa và nâng cao năng lực của lao động, Việt Nam có thể cải thiện hiệu quả kinh tế. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang đối mặt với tình thế dân số già hóa và cơ hội nhân khẩu học thu hẹp, do đó việc nâng cao năng suất thông qua AI là cách để bù đắp cho những thách thức này.
Bên cạnh các lĩnh vực công nghệ cao thường được chú ý, nhiều lĩnh vực khác tại Việt Nam cũng có thể thu được lợi ích to lớn từ AI. Nông nghiệp, dù ít được nhắc đến, vẫn còn dư địa lớn để nâng cao năng suất nhờ các công nghệ như đánh giá phương pháp canh tác, dự báo thời tiết chính xác và tối ưu hóa quy trình sản xuất.
Tuy vậy, theo ông Jonathan London, một điều kiện tiên quyết để triển khai AI là cần đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng dữ liệu công cộng. Khi dữ liệu được chia sẻ và truy cập dễ dàng, mọi cá nhân và tổ chức – từ người nông dân đến startup công nghệ – đều có thể tham gia và hưởng lợi từ làn sóng AI. Chính vì vậy, đầu tư công vào hạ tầng AI công cộng không chỉ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, mà còn là chìa khóa mang lại giá trị lan tỏa cho toàn bộ nền kinh tế và xã hội.
KHAI THÁC AI LÀ MỘT VẤN ĐỀ MANG TÍNH LỰA CHỌN CHIẾN LƯỢC
Các chuyên gia cho rằng Việt Nam đang có những bước tiến quan trọng trong việc phát triển trí tuệ nhân tạo, với các nỗ lực xây dựng mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt và cơ sở hạ tầng số công cộng, bao gồm các hệ thống dữ liệu mở quốc gia nhằm đảm bảo mọi công dân, tổ chức và doanh nghiệp đều có thể tiếp cận và khai thác.
“Khi đặt AI trong bối cảnh một nền kinh tế định hướng mục tiêu rõ ràng, có thể thấy công nghệ này có khả năng tác động sâu rộng đến mọi lĩnh vực chuyển đổi của đất nước - từ tái cấu trúc nền kinh tế, thúc đẩy chuyển dịch năng lượng và phát triển bền vững, cho đến nâng cao công bằng xã hội và mở rộng cơ hội cho mọi người dân. Đây là một thời điểm đầy hứa hẹn, đòi hỏi vai trò dẫn dắt và đầu tư thông minh của Nhà nước để bảo đảm AI thực sự trở thành động lực cho một nền kinh tế bao trùm và phát triển bền vững”, ông Jonathan London nói.
Bà Ramla Khalidi khẳng định việc khai thác trí tuệ nhân tạo không đơn thuần là một vấn đề công nghệ, mà là một vấn đề mang tính lựa chọn chiến lược. Theo bà Ramla Khalidi, để AI thực sự phục vụ cho sự phát triển bền vững và công bằng, cần có những bước đi chủ động và toàn diện.
Thứ nhất, cần đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống giáo dục, nhằm chuẩn bị con người cho tương lai số và thế giới do AI định hình.
Thứ hai, đảm bảo quyền tiếp cận dữ liệu chất lượng cao, cùng với cơ chế quản trị dữ liệu minh bạch và có trách nhiệm. Đây sẽ là nền tảng để AI phát triển an toàn.
Thứ ba, xây dựng các chính phủ số có khả năng ứng dụng AI trong cải thiện chất lượng dịch vụ công và dự báo rủi ro một cách hiệu quả.
Trưởng Đại diện thường trú UNDP cũng đề cập đến việc nghiêm túc giải quyết dấu chân môi trường của các mô hình AI quy mô lớn thông qua mở rộng sử dụng năng lượng tái tạo để cung cấp nền tảng vận hành bền vững cho AI.
Đặc biệt, một điều không thể thiếu là “đặt các nguyên tắc đạo đức và sự bao trùm làm trung tâm trong mọi chính sách và khuôn khổ quản trị AI, nhằm đảm bảo AI phục vụ lợi ích chung của toàn xã hội”, bà Ramla Khalidi chia sẻ.