UNESCO thẩm định thực địa Khu di tích lịch sử Bạch Đằng ở Quảng Ninh
Việc thẩm định thực địa này là một trong những thủ tục bắt buộc, quan trọng để UNESCO xem xét, đánh giá Quần thể di tích Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trở thành thành Di sản văn hóa của nhân loại.
Ngày 10/8, các chuyên gia Hội đồng di tích và di chỉ quốc tế (ICOMOS) của UNESCO thẩm định thực địa tại Khu du tích lịch sử Bạch Đằng ở thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Đây là khu di tích cuối cùng trong chương trình thẩm định thực địa của chuyên gia UNESCO tại tỉnh Quảng Ninh.
Tại chuyến thẩm định thực địa, nhiều vấn đề các chuyên gia ICOMOS của UNESCO quan tâm đã được chính quyền thị xã Quảng Yên cũng như các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong nước làm rõ. Trong đó, mối liên quan giữa di tích bãi cọc Bạch Đằng với Khu di tích, danh thắng Yên Tử và các di sản khác trong hồ sơ đề cử. Tính xác thực của di tích và công tác khoanh vùng, cắm mốc, cũng như hiện trạng bảo tồn các giá trị gốc của di tích. Quy chế, kế hoạch quản lý di sản đề cử.
Theo hồ sơ di sản đề cử, các bãi cọc Yên Giang, Đồng Vạn Muối, Đồng Má Ngựa thuộc Khu di tích lịch sử Bạch Đằng thể hiện vai trò, ảnh hưởng của tư tưởng của nhà Trần, của tinh thần Phật giáo trong đời sống Đại Việt.
Đồng thời, di tích cũng là biểu tượng của nghệ thuật quân sự, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc giúp nhà Trần xây dựng đất nước Đại Việt độc lập, yêu chuộng hòa bình và hòa hợp với thiên nhiên.
Sau chương trình thẩm định thực địa tại Quảng Ninh, từ ngày 12 đến ngày 14/8, các chuyên gia ICOMOS của UNESCO sẽ tiếp tục làm việc tại các di tích thuộc 2 tỉnh Hải Dương và Bắc Giang.
Việc thẩm định thực địa của chuyên gia ICOMOS là một trong những thủ tục bắt buộc, quan trọng để UNESCO xem xét, đánh giá Quần thể di tích Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trên địa bàn 3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và Bắc Giang trở thành thành Di sản văn hóa của nhân loại trong Kỳ họp thứ 47 dự kiến tổ chức vào năm 2025.