Ứng biến thế nào với năm học chưa có tiền lệ?

Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, năm học 2021-2022 được dự báo là một năm học đầy khó khăn, thách thức với ngành giáo dục.

Học sinh trường THCS Chu Văn An (quận Tây Hồ, Hà Nội) trong lễ khai giảng trực tuyến ngày 5/9

Dạy học trực tuyến

Dạy học trực tuyến không còn là giải pháp tình thế mà trở thành điều kiện tiên quyết để việc dạy và học không bị đứt gãy. Nhưng do trước đó, giáo dục Việt Nam chưa có sự chuẩn bị trước để đối mặt thực tế này nên cơ sở hạ tầng vẫn chưa đồng bộ, phương pháp giảng dạy vẫn còn lúng túng, chưa đạt hiệu quả như mong muốn, nhiều nhà giáo nhận định.

PGS.TS Trần Thành Nam, Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, dẫn khảo sát từ hãng bảo mật Kaspersky cho thấy, 55% trẻ em trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã phải chuyển sang học trực tuyến. Theo kết quả khảo sát, 74% trẻ em không thích học trực tuyến vì phải dành quá nhiều thời gian trước màn hình. Có đến 57% học sinh cảm thấy bài giảng trực tuyến khó hiểu hơn, khó tập trung hơn so với học trên lớp. Các vấn đề kỹ thuật đường truyền và thiết bị công nghệ cũng là một nguyên nhân (chiếm 60%) gây xao lãng và giảm hứng thú học tập.

Thầy Hoàng Văn Tiến, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học-THCS Chiềng Chăn (Sơn La), cho hay, 100% học sinh của trường là người dân tộc thiểu số, các em gần như không có máy tính, điện thoại, tivi. Trong giai đoạn nghỉ học phòng chống dịch, trường giao phiếu bài tập đến tận tay cho học sinh. Trường có tới 8 điểm lẻ, nên việc phát phiếu bài tập cũng vất vả, mất thời gian. Thậm chí ở TPHCM cũng có hàng chục nghìn học sinh chưa có máy tính để học trực tuyến.

Năm nay là năm học thứ 3 học sinh, sinh viên phải học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trong khi đó, sinh viên cần phải thực hành, thực tập nhiều.

Nhiều chính sách mới

Năm học 2021-2022, ngành giáo dục thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đối với học sinh lớp 2 và lớp 6 trên cả nước. Học sinh trung học, bắt đầu từ lớp 6, có những môn học tích hợp lần đầu tiên. Hai môn học tích hợp gồm Lịch sử -Địa lý và Khoa học tự nhiên (tích hợp từ 3 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học). Dư luận đang băn khoăn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên giảng dạy các môn học mới này.

Bộ GD&ĐT mới đây ban hành Thông tư 22 quy định về kiểm tra, đánh giá với học sinh THCS và THPT. Thông tư có hiệu lực từ ngày 5/9, áp dụng bắt đầu với lớp 6 thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó có nhiều thay đổi quan trọng. Năm học mới sẽ không còn học sinh tiên tiến, trong khi siết tiêu chí học sinh giỏi. Cô N.T. T., giáo viên dạy Ngữ văn tại Nam Định, cho rằng, với quy định mới, học sinh giỏi sẽ bị thiệt do ít có sự phân hóa, trong khi học sinh yếu kém lại có lợi.

Cũng từ năm học này, các địa phương sẽ đặt hàng các trường sư phạm đào tạo giáo viên. Năm học mới đã bắt đầu nhưng các trường sư phạm vẫn chờ đơn đặt hàng từ các địa phương.

Thừa-thiếu giáo viên

Bộ GD&ĐT cho biết, cả nước hiện thiếu gần 95.000 giáo viên các cấp và đã đề nghị Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ giao bổ sung trong giai đoạn 2021-2025. Riêng năm 2021, Bộ đề nghị bổ sung 30.000 biên chế. Thế nhưng cả nước cũng đang thừa cục bộ 10.300 giáo viên ở một số môn học, cấp học và theo từng địa phương.

Đến nay, mới chỉ có 23 trường đại học trong tổng số 234 trường trên cả nước được tự chủ. Thời gian tới, đẩy mạnh tự chủ đại học sẽ là nhiệm vụ ưu tiên của ngành giáo dục.

Các tỉnh, thành phố đều chưa tìm được giải pháp do việc tuyển dụng không sát với nhu cầu và quy mô phát triển trường lớp, học sinh; việc bố trí, điều động, phân công giáo viên cũng chưa phù hợp; tình trạng di dân cơ học tại một số khu công nghiệp, đô thị lớn; cắt giảm biên chế theo quy định chung của Chính phủ. Hiện tại, ngành giáo dục tỉnh Hậu Giang còn thiếu 1.448 biên chế sự nghiệp.

Những năm tới, khi chương trình giáo dục phổ thông mới áp dụng đến lớp 5, Hải Phòng sẽ phải bổ sung 1.572 giáo viên mới đáp ứng được yêu cầu dạy học 2 buổi. Tỉnh Nghệ An thiếu khoảng 8.000 giáo viên, chủ yếu ở cấp mầm non và tiểu học.

Liêm chính khoa học

Gần đây, Bộ GD&ĐT ban hành quy chế mới về đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ. Trong đó, quy chế đào tạo tiến sĩ nhận được nhiều tranh luận từ chính các nhà khoa học về vấn đề công bố bài báo quốc tế.

Dư luận cũng quan tâm câu chuyện liêm chính khoa học trong trường đại học Việt Nam. Thành tích lọt bảng xếp hạng thế giới của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam đặt ra nhiều câu hỏi liên quan chuyện mua bán bài báo khoa học ở một số cơ sở giáo dục đại học. Sự liêm chính khoa học cần được bắt đầu từ chính học thật, thi thật từ bậc phổ thông. Đối với đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, trong quy chế mới, Bộ GD&ĐT cũng đề cao vấn đề liêm chính khoa học.

NGHIÊM HUÊ

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ung-bien-the-nao-voi-nam-hoc-chua-co-tien-le-post1373538.tpo