Ứng dụng công nghệ sinh học trong nuôi trồng thủy sản
Dù còn nhiều khó khăn do thời tiết thất thường, môi trường ô nhiễm, dịch bệnh, diện tích nuôi trồng giảm, song hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh vẫn giữ được nhịp phát triển ổn định. Đặc biệt với việc ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH), năng suất nuôi trồng thủy sản của tỉnh không ngừng tăng lên, góp phần nâng cao thu nhập và giải quyết việc làm cho nông dân tại nhiều địa phương.

Ứng dụng công nghệ nuôi tôm càng xanh toàn đực tại xã Liên Châu (Yên Lạc) cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Chu Kiều
Với hệ thống sông suối, ao, hồ chứa dày đặc, Vĩnh Phúc có điều kiện thuận lợi trong phát triển nuôi trồng thủy sản. Toàn tỉnh hiện có hơn 6.400 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, tập trung tại các huyện như Vĩnh Tường, Yên Lạc, Bình Xuyên....
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển, ngành thủy sản của tỉnh cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức như ô nhiễm nguồn nước từ hoạt động sản xuất công nghiệp, sinh hoạt; biến đổi khí hậu; dịch bệnh trên đàn cá vẫn diễn biến phức tạp; chi phí thức ăn ngày càng tăng...
Trước bối cảnh đó, CNSH nổi lên như một giải pháp hữu hiệu vừa giúp nông dân xử lý các vấn đề môi trường, vừa nâng cao hiệu quả đầu tư và chất lượng sản phẩm.
Theo anh Phạm Văn Tấn, hộ đầu tư nuôi trồng thủy sản quy mô lớn tại thị trấn Tam Hồng (Yên Lạc), trong nuôi thâm canh, nơi mật độ cá dày đặc và lượng thức ăn sử dụng lớn, môi trường nước chính là yếu tố then chốt quyết định thành bại của cả vụ nuôi. Chính vì vậy, từ nhiều năm nay, gia đình anh đã sử dụng chế phẩm Biofloc để cải thiện chất lượng nước.
“Biofloc là chế phẩm sinh học giúp phân hủy mùn bã hữu cơ như thức ăn dư thừa, phân cá, xác tảo tàn… Đồng thời hấp thụ và chuyển hóa các khí độc trong ao, ức chế vi sinh vật gây bệnh, hỗ trợ quá trình hấp thụ dinh dưỡng và tăng sức đề kháng cho cá", anh Tấn cho biết.
Trước đây, việc sử dụng chế phẩm sinh học xử lý nước được anh Tấn thực hiện theo định kỳ 1 lần/tháng. Tuy nhiên, kể từ khi lắp đặt hệ thống cảm biến tự động giám sát các chỉ số môi trường nước, việc sử dụng chế phẩm Biofloc được linh hoạt hơn rất nhiều.

Nhờ ứng dụng công nghệ sinh học, mô hình nuôi thâm canh cá của anh Phạm Văn Tấn, thị trấn Tam Hồng (Yên Lạc) cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với phương thức truyền thống. Ảnh: Nguyễn Lượng
“Chỉ cần thấy các chỉ số có dấu hiệu bất thường, chúng tôi lập tức xử lý nước ngay thay vì chờ đến kỳ,” anh Tấn cho biết. Nhờ kiểm soát tốt môi trường nuôi, cá sinh trưởng ổn định, tỷ lệ sống cao, ít xảy ra dịch bệnh. Trung bình mỗi năm, gia đình anh Tấn cung ứng ra thị trường từ 70 đến 80 tấn cá thương phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, cao gấp nhiều lần so với phương thức nuôi truyền thống trước đây.
Không chỉ ứng dụng CNSH trong xử lý môi trường nước, nhiều hộ nuôi trong tỉnh đã sử dụng các chế phẩm, hoạt chất sinh học phối trộn vào thức ăn cho cá để tăng cường miễn dịch, sức đề kháng, hỗ trợ tiêu hóa, giúp vật nuôi hấp thụ tốt thức ăn, thúc đẩy tăng trưởng.
Đặc biệt, việc ứng dụng CNSH trong sản xuất con giống đã đạt được những kết quả quan trọng. Tỉnh ta hiện đang phát triển mạnh nuôi thâm canh cá rô phi đơn tính được tạo ra từ công nghệ di truyền, điều khiển giới tính bằng phương pháp lai xa và cá chép V1 từ chọn giống hàng loạt và chọn giống gia đình.
Trong giai đoạn 2021-2024, toàn tỉnh đã cấp hỗ trợ 6,51 triệu con cá giống các loại (cá chép lai, trắm cỏ và rô phi đơn tính) trên diện tích 535 ha cho 437 hộ trên địa bàn các huyện theo Nghị quyết số 20 ngày 14/12/2020 của HĐND tỉnh. Các giống cá này đều cho năng suất, hiệu quả cao hơn so với giống cá thường bởi tỷ lệ sống cao, khả năng kháng bệnh tốt, tốc độ tăng trưởng nhanh, rút ngắn được thời gian nuôi.
Việc ứng dụng CNSH cùng những lợi ích nhiều mặt mà nó mang lại đã và đang góp phần tích cực vào sự phát triển chung của ngành thủy sản. Dù diện tích nuôi có xu hướng giảm song năng suất, sản lượng nuôi trồng và giá trị sản xuất thủy sản nhìn chung đều tăng. Năm 2024, năng suất nuôi trồng thủy sản bình quân của tỉnh đạt 3,4 tấn/ha, tăng 6,3% so với năm 2020; giá trị sản xuất thủy sản đạt gần 800 tỷ đồng, tăng 8,7% so với năm 2020.
Những thành công bước đầu trong ứng dụng CNSH trên địa bàn tỉnh đã tạo động lực để ngành thủy sản nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung bước vào giai đoạn phát triển mới.
Theo định hướng của tỉnh, thời gian tới, Vĩnh Phúc tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNSH trong sản xuất nông nghiệp; nghiên cứu và chuyển giao công nghệ enzym, protein và vi sinh để phòng, trị bệnh, kích thích sinh trưởng trong nuôi trồng thủy sản. Phấn đấu đến năm 2030, diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ đạt khoảng 1% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh.