Ứng dụng công nghệ số trong quản lý tín dụng chính sách

Ứng dụng công nghệ thông tin vào triển khai, quản lý tín dụng là một trong những giải pháp đang được thực hiện trong hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội. Tại huyện Bắc Hà, ứng dụng được triển khai rộng rãi và mang lại hiệu quả thiết thực.

Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bắc Hà đã cho 1.641 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn. Nguồn vốn tín dụng chính sách được triển khai, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân trên địa bàn để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Để quản lý hiệu quả tín dụng chính sách, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bắc Hà đã tuyên truyền, hướng dẫn cài đặt, sử dụng ứng dụng quản lý tín dụng chính sách giúp người dùng tương tác, nắm tình hình thực tế để đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng trên địa bàn. Từ khi đưa ứng dụng này vào hoạt động, việc giao dịch giữa tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn với cán bộ ngân hàng tại các điểm giao dịch diễn ra thuận tiện, nhanh chóng.

Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh có kết nối mạng internet, bà Trần Thị Mùi, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn tổ dân phố Nậm Sắt 1 (thị trấn Bắc Hà) không chỉ giới thiệu chi tiết, cụ thể về các chương trình tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội, mà còn có thể hướng dẫn, hỗ trợ hội viên làm thủ tục vay vốn nhanh gọn, thuận tiện mà không cần mang theo cả xấp tài liệu dày cộp như trước.

Bà Trần Thị Mùi cho biết: Trước đây chúng tôi thường làm việc với rất nhiều loại giấy tờ, phải lưu trữ, tổng hợp, tiếp cận các chính sách bằng văn bản giấy, nhưng nay chỉ cần một chiếc điện thoại di động được cài ứng dụng là có thể cập nhật rất nhiều nội dung có liên quan. Nhờ đó, chúng tôi có thể quản lý hội viên, số dư nợ, số lãi phải thanh toán, cung cấp thông tin cho hội viên ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào.

Hiện nay, huyện Bắc Hà có 205 tổ tiết kiệm và vay vốn. Ứng dụng quản lý tín dụng chính sách đã được nhiều tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn cài đặt, sử dụng hiệu quả, giúp giảm việc phải sử dụng, lưu trữ văn bản giấy và có thể thực hiện giao dịch với ngân hàng nhanh chóng, thuận tiện.

Không chỉ phát huy hiệu quả trong hoạt động quản lý hội viên của các tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn, ứng dụng này cũng là một công cụ, “trợ thủ” đắc lực cho cán bộ làm công tác quản lý. Khi cài đặt, sử dụng ứng dụng quản lý tín dụng chính sách, Ban đại diện huyện, lãnh đạo xã, thị trấn sẽ theo dõi được số liệu kết quả giao dịch trong tháng, tổng dư nợ của từng địa bàn, tổng dư nợ ủy thác qua các tổ chức hội nhận ủy thác, dư nợ của từng tổ tiết kiệm và vay vốn, doanh số cho vay, thu nợ, theo dõi và quản lý được chất lượng tín dụng như lãi tồn, nợ quá hạn, các khoản vay nhiều tháng chưa trả lãi…

Anh Hoàng Việt Dũng, Tổ trưởng Tổ nghiệp vụ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bắc Hà cho biết: Ứng dụng quản lý tín dụng chính sách được nhiều người dùng cài đặt, sử dụng, góp phần đẩy mạnh ứng dụng thông tin, mang lại nhiều tiện lợi, giúp tiết kiệm thời gian, quản lý hoạt động tín dụng hiệu quả. Tuy nhiên, Bắc Hà với đặc thù là huyện vùng cao, trình độ công nghệ thông tin của đa số người dân còn hạn chế, nhiều tổ trưởng tuổi đã cao hoặc không có điện thoại thông minh nên gặp khó khăn khi tiếp cận ứng dụng công nghệ này. Chúng tôi đang tích cực tuyên truyền, hướng dẫn để người dùng có thể tiếp cận, sử dụng hiệu quả các tính năng.

Bà Trần Thị Quế Anh, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bắc Hà cho biết: Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tổ chức các buổi tập huấn “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn người dùng để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc khi tiếp cận ứng dụng công nghệ này.

Chúng tôi phấn đấu từ nay đến hết năm 2023 có ít nhất 50% người dùng có thể thành thạo sử dụng các tính năng, tiện ích trên ứng dụng quản lý tín dụng chính sách, làm nền tảng để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, giao dịch số trong hoạt động tín dụng những năm tới.

Bà Trần Thị Quế Anh, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bắc Hà

Từ khi triển khai ứng dụng quản lý tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Bắc Hà đến nay đã cho thấy đây là hoạt động thiết thực, góp phần phổ biến, nâng cao nhận thức cho cán bộ ngân hàng, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, tổ tiết kiệm và vay vốn. Đây cũng là ứng dụng góp phần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ ngân hàng như tiết kiệm, thanh toán, tra cứu thông tin... Ứng dụng được đánh giá đáp ứng các yêu cầu về bảo mật, tiện lợi và hiệu quả. Đây là sản phẩm ứng dụng tối đa công nghệ để cải tiến công việc, góp phần chuyển đổi số toàn diện trong quản lý tín dụng xã hội.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/ung-dung-cong-nghe-so-trong-quan-ly-tin-dung-chinh-sach-post375754.html