Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học
Xác định ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm góp phần đổi mới giáo dục, những năm qua, ngành Giáo dục và đào tạo (GD - ĐT) huyện Phú Lương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy việc sử dụng các phần mềm trực tuyến, trang thiết bị hiện đại… trong công tác quản lý và dạy học.
Theo đó, hàng năm, căn cứ vào quy hoạch mạng lưới trường lớp và nhu cầu của các cấp học, Phòng GD - ĐT huyện cùng với các nhà trường đã rà soát, xây dựng các dự án trình UBND huyện ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư cơ sở vật chất cho ngành giáo dục, nhất là các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Từ năm 2015 đến giữa năm 2020, huyện đã đầu tư hơn 4,3 tỷ đồng để mua máy sắm 208 chiếc máy tính, 18 chiếc máy in, 102 chiếc tivi, 44 thiết bị trợ giảng… Bên cạnh kinh phí từ ngân sách nhà nước, các nhà trường cũng chú trọng sử dụng khoản tiết kiệm chi của ngành kết hợp với vận động tài trợ của các các tổ chức, cá nhân để bổ sung trang thiết bị, tu sửa cơ sở vật chất, đáp ứng việc dạy và học của trường.
Ngoài việc chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, ngành GD - ĐT huyện cũng xây dựng các chương trình tập huấn nghiệp vụ về CNTT cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục ở các cấp học. Trong đó, tập trung tập huấn sử dụng các ứng dụng hỗ trợ quản lý, dạy học do Sở GD - ĐT tỉnh triển khai như: phần mềm kế toán (MISA); hệ thống quản lý nhà trường (SMAS); cơ sở dữ liệu ngành; phần mềm soạn giáo án điện tử… Đơn cử, trong năm học 2019 - 2020, Phòng GD - ĐT huyện đã cử 120 lượt cán bộ, giáo viên, nhân viên đi tập huấn nâng cao năng lực quản lý, bồi dưỡng công tác quản lý giáo dục; cử hơn 100 lượt cán bộ, giáo viên đi tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ tiếp cận các nội dung hướng tới chương trình đổi mới giáo dục phổ thông…
Thông qua giải pháp trên đã góp phần tạo sự chuyển biến về nhận thức của nhà trường, giáo viên trong việc tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng CNTT trong giáo dục, đào tạo. Hiện, toàn ngành Giáo dục của huyện đang áp dụng song song hệ thống thư điện tử đầu mối theo tên miền @thainguyen.edu.vn và hệ thống quản lý văn bản điều hành liên thông với Sở GD - ĐT và các cơ quan, đơn vị khác; 100% trường học trong huyện đã sử dụng các phần mềm quản lý, dạy học do Sở GD - ĐT quy định; 100% giáo viên đã chủ động soạn giáo án bằng thiết bị CNTT và phầm mềm hỗ trợ; hầu hết các trường học từ cấp tiểu học đến THPT đều có phòng máy tính cho học sinh…
Cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Hiệu trưởng Trường THCS Cổ Lũng cho biết: Việc ứng dụng CNTT trong quản lý đã giúp cho công tác xử lý văn bản, báo cáo số liệu và điều hành cán bộ, giáo viên được thuận tiện, hiệu quả hơn. Đối với hoạt động dạy học, ứng dụng CNTT đã góp phần làm cho bài giảng thêm sinh động, trực quan, dễ hiểu. Hiện, mỗi giáo viên trong nhà trường đều duy trì ứng dụng CNTT trong bài giảng với trung bình khoảng 100 tiết/học kỳ.
Bà Vũ Thị Hảo, Phó Phòng GD - ĐT huyện cho hay: Trong thời gian tới, Phòng sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND huyện quan tâm đầu tư trang thiết bị CNTT để đáp ứng nhu cầu dạy và học, đặc biệt là tại các trường vùng xa, có điều kiện kinh tế khóa khăn; tổ chức các lớp tập huấn về CNTT cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường. Tiếp tục phối hợp với Viettel Thái Nguyên triển khai hệ thống cổng thông tin điện tử Portal nhằm khai thác CNTT phục vụ quản lý giáo dục.