Ứng dụng gọi xe Be huy động được thêm 740 tỷ đồng để mở rộng kinh doanh
Với khoản tài trợ mới này, Be Group - ứng cử viên trở thành kỳ lân công nghệ tiếp theo tại Việt Nam, đặt mục tiêu có lãi trong năm 2024.
Ngày 10/1, Be Group, công ty Việt Nam sở hữu ứng dụng gọi xe Be, công bố sẽ nhận được 739,5 tỷ đồng tiền tài trợ mới từ Công ty Chứng khoán VPBank, một đơn vị thuộc Ngân hàng TMCP Thịnh Vượng Việt Nam (VPBank).
Khi thỏa thuận hoàn thành, Chứng khoán VPBank sẽ nắm giữ cổ phần thiểu số tại Be Holdings, công ty mẹ của Be Group, và là nhà đầu tư tổ chức đầu tiên của công ty khởi nghiệp công nghệ này.
Trước đó, vào tháng 3/2023, Be Group và GSM của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã ký kết thỏa thuận hợp tác. Theo thỏa thuận, Be Group sẽ nhận khoản đầu tư trực tiếp từ GSM để hướng đến mục tiêu trở thành nền tảng tiêu dùng đa dịch vụ, cũng như cung cấp dịch vụ vận chuyển công nghệ số một Việt Nam.
Ngoài ra, thông qua các đối tác tài chính, GSM sẽ hỗ trợ tài xế của Be Group chuyển đổi từ xe chạy xăng sang xe điện một cách thuận tiện và dễ dàng nhất. Cụ thể, Be Group và GSM sẽ phối hợp với Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cung cấp các chính sách ưu đãi độc quyền cho tài xế của Be Group để thuê hoặc mua ô tô, xe máy điện VinFast thông qua GSM với chi phí hấp dẫn.
Việc sử dụng ô tô điện và xe máy điện sẽ giúp các tài xế nâng cao chất lượng dịch vụ và tối ưu hiệu quả kinh doanh. Không chỉ hỗ trợ lực lượng tài xế, Be Group cũng sẽ hợp tác chia sẻ nền tảng gọi xe với đối tác GSM. Theo đó, khách hàng gọi xe trên nền tảng của Be Group có thêm lựa chọn dịch vụ taxi điện của GSM, bên cạnh các dịch vụ beCar và beTaxi hiện có.
Các doanh nghiệp tham gia thị trường gọi xe tại Việt Nam gồm có GrabTaxi Holdings Inc, Be Group, FastGo, Go-Jek (GoViet), VATO, Aber, MyGo, Zuumviet, Kyyti Group… Hiện Be đứng thứ 2 chỉ sau Grab về thị phần và là một nền tảng tiêu dùng đa dịch vụ bao gồm gọi xe, giao đồ ăn và hàng hóa, viễn thông, tài chính.
Ứng dụng đặt xe Be chính thức ra mắt thị trường ngày 13/12/2018 tại Hà Nội và TP HCM. Ứng dụng được phát triển bởi đội ngũ kỹ sư Việt Nam có thâm niên làm việc tại Mỹ, Singapore và các tập đoàn công nghệ lớn cả ở Việt Nam và quốc tế.
Công ty đã đảm bảo khoản vay 60 triệu USD từ Deutsche Bank vào năm 2022, với tùy chọn tăng tài chính lên đến 100 triệu USD. Tính đến tháng 12 năm ngoái, Be Group có mạng lưới 300.000 tài xế ô tô và xe máy trên nền tảng, phục vụ 9 triệu người dùng trên 40 tỉnh thành phố tại Việt Nam.
Theo thông tin công bố với báo chí, đại diện của Be cho biết, công ty đã ghi nhận sự tăng trưởng gấp 5 lần về tổng giá trị hàng hóa (GMV) được xử lý trên nền tảng từ năm 2021 đến năm 2023.
Be hiện là đối thủ lớn nhất của Grab của Singapore và Gojek của Indonesia tại Việt Nam, tuyên bố nắm giữ 35% thị phần gọi xe của Việt Nam. Công ty cho biết họ có kế hoạch đạt được lợi nhuận với Ebitda dương (lợi nhuận trước lãi vay, thuế, khấu hao và khấu hao) trong năm tài chính 2024.
Doanh nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng lên 20 triệu người dùng tại Việt Nam và đạt mục tiêu doanh thu gộp hàng năm 200 triệu đô la Mỹ vào năm 2026.
Việt Nam, với dân số khoảng 100 triệu người, dự kiến sẽ có khoảng 27,9 triệu người sử dụng dịch vụ gọi xe và taxi vào năm 2026, theo số liệu từ Statista Research Department.
Theo tính toán của Mordor Intelligence, ước tính doanh thu thị trường gọi xe của Việt Nam năm 2021 đạt 2,4 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng trung bình 30-35% mỗi năm trong giai đoạn 2015-2021. Quy mô thị trường gọi xe Việt Nam dự kiến sẽ tăng từ 0,96 tỷ USD vào năm 2023 lên 2,61 tỷ USD vào năm 2028, với tốc độ CAGR là 22.10% trong giai đoạn dự báo (2023-2028).
Theo báo cáo e-Conomy SEA 2023 của Google, Temasek và Bain & Company, tổng giá trị giao dịch (GMV) của ngành công nghiệp giao đồ ăn và gọi xe của Việt Nam có thể đạt 4 tỷ USD vào năm 2025, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 16% trong giai đoạn 2023-2025.