Ứng dụng khoa học công nghệ để sản xuất chè an toàn
Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, những năm gần đây, nhiều hợp tác xã, hộ dân trên địa bàn huyện Phú Lương tích cực, chủ động ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến chè. Từ đó góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm chè.
Trên địa bàn huyện Phú Lương hiện có hơn 4.000ha chè. Từ năm 2020 trở về trước, nhiều hộ dân trong huyện đã tiếp cận, ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) trong sản xuất, chế biến chè, như: Lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước; bón phân hữu cơ vi sinh; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học… Tuy nhiên, diện tích chè ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất còn hạn chế.
Minh chứng là diện tích chè được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP chỉ chiếm 6,8% (tương đương 289ha) trong tổng diện tích; diện tích chè được lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước mới chỉ đạt 505ha (chiếm 12%); diện tích chè sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh chiếm khoảng 10%...
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Lương, cho biết: Từ năm 2020 đến nay, người dân trên địa bàn đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng KHCN trong sản xuất, chế biến chè để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó, từ các nguồn vốn (ngân sách tỉnh, huyện; các chương trình, dự án…), chúng tôi đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển khai các chương trình hỗ trợ thiết bị, phục vụ chế biến chè cho bà con như: hỗ trợ 1.063 máy vò, 57 tôn sao inox, 6 tôn điện, 1 kho lạnh, 27 tôn sinh khí, gần 200 tấn phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sinh học; gần 46.000 tem QR Code cho một số tổ hợp tác chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP… với tổng kinh phí trên 9 tỷ đồng để bà con có thêm điều kiện phát triển sản xuất.
Theo chia sẻ của ông Phùng Thanh Hà, Chủ tịch UBND xã Phú Đô: Trước đây (từ năm 2019 trở về trước), người dân Phú Đô còn bón phân, chăm sóc chè theo phương thức truyền thống; chưa biết áp dụng KHCN vào sản xuất nên năng suất cũng như chất lượng chè làm ra chưa cao. Từ năm 2020 đến nay, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, bà con chủ động đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm bằng van xoay (chiếm khoảng 70% diện tích); bón cho chè bằng phân hữu cơ vi sinh; sao, vò chè bằng tôn inox, máy vò…
Năng suất cũng như chất lượng chè của xã được nâng lên rõ rệt, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Hiện nay, trong tổng số 676ha chè của xã thì có gần 300ha được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP; 10,5ha chè được cấp mã số vùng trồng. Thu nhập bình quân đầu người của Phú Đô cuối năm 2024 đạt 48,2 triệu đồng/người (tăng 0,6 triệu đồng/người so với năm 2023). - ông Phùng Thanh Hà
Là một trong những cơ sở tích cực ứng dụng KHCN trong sản xuất, chế biến chè, anh Hoàng Văn Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) trà an toàn Phú Đô, cho biết: Năm 2018, tôi đã nghiên cứu và tự sản xuất phân hữu cơ từ than sinh học, ủ với phân chuồng, phụ phẩm nông nghiệp để bón cho cây chè. Tôi dùng ớt, tỏi, gừng và lá cây rừng làm thuốc trừ sâu trên cây chè. Với cách làm này, HTX đã sản xuất, tự cung cấp được trên 90% phân hữu cơ để bón cho 20ha chè. Ngoài ra, tôi cũng sử dụng bếp khí hóa sinh khối để chế biến chè, tạo không khí trong lành, bảo vệ môi trường.
Không chỉ các HTX, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Phú Lương cũng chủ động ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất, chế biến chè. Ông Lê Văn Khánh, ở xóm Khe Cốc, xã Tức Tranh thông tin: Với 9.000m2 chè hiện có, gia đình tôi đã áp dụng nghiêm ngặt việc sản xuất chè theo quy trình hữu cơ và năm 2022 đã được cấp có thẩm quyền chứng nhận đạt tiêu chuẩn này. Nhờ đó, giá bán chè của gia đình cao hơn hẳn so với trước, dao động từ 350-500 nghìn đồng/kg. Đặc biệt, chè đinh, chè tôm nõn có giá bán từ 800 nghìn đồng đến hàng triệu đồng/kg.
Với việc tích cực ứng dụng KHCN trong sản xuất, chế biến chè, đến nay, huyện Phú Lương đã xây dựng được 5 mã số vùng trồng chè, với sự tham gia của trên 500 hộ dân, diện tích trên 87,5ha, tập trung ở các xã như: Tức Tranh, Phú Đô, Vô Tranh...; gần 873ha chè kinh doanh được cấp giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; 50% diện tích chè được lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước...
Từ năm 2022 đến 2024, trên địa bàn huyện có 8 HTX được hỗ trợ liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm, đó là HTX chè an toàn Khe Cốc (xã Tức Tranh), HTX trà an toàn Phú Đô (xã Phú Đô), HTX thương mại dịch vụ Semaul Phú Đô; HTX nông sản Ôn Lương (xã Ôn Lương), HTX chè Hoan Xuyến (xã Vô Tranh)…
Năm 2024, sản lượng chè búp tươi của toàn huyện đạt 47.406 tấn (tăng hơn 1.100 tấn so với năm 2023); giá trị thu được trên 1ha trồng chè đạt trên 350 triệu đồng (tăng khoảng 10% so với năm 2023). Địa phương có 16 sản phẩm chè được công nhận OCOP (trong đó 8 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, còn lại đạt OCOP 3 sao).
Thời gian tới, UBND huyện Phú Lương tiếp tục tuyên truyền vận động người dân áp dụng đồng bộ KHCN vào các khâu sản xuất, chế biến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó là khuyến khích bà con áp dụng đồng bộ KHCN vào các khâu sản xuất, chế biến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm; phân bổ kinh phí hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác thiết bị, máy móc trong sản xuất, chế biến biến chè...