Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nghề nuôi yến

Ông Phạm Duy Khiêm, Chủ tịch Hội Yến sào Phú Yên (ngoài cùng) hướng dẫn sử dụng phần mềm IoT cho nhân viên. Ảnh: LỆ VĂN

Nghề nuôi chim yến lấy tổ đang phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, để nghề nuôi chim yến phát triển một cách bền vững, thời gian qua, cùng với các nhà nghiên cứu khoa học, nhiều doanh nghiệp chuyên về nghề yến sào ở Phú Yên đã mạnh dạn áp dụng KH-CN vào quá trình nuôi.

Mạnh dạn ứng dụng KH-CN

Theo ông Phạm Duy Khiêm, Chủ tịch Hội Yến sào Phú Yên, khâu quan trọng nhất trong kỹ thuật nuôi chim yến là làm nhà cho chim ở. Chim yến là loài hoang dã, chưa được thuần dưỡng, quen sống trong các hang động tự nhiên. Do vậy, muốn dụ được chim yến cần tạo ra một môi trường sống như ngoài tự nhiên để chúng luôn cảm thấy an toàn. Ngoài tiền đầu tư ban đầu lớn, kỹ thuật nuôi yến khá phức tạp, người nuôi cần lưu ý kỹ thuật xây nhà cho yến, vị trí nhà yến, giờ mở loa, loại loa, âm lượng, âm thanh trong và ngoài nhà, cách bố trí hệ thống phun sương…Ngày nay, với sự phát triển của KH-CN, nuôi yến áp dụng công nghệ 4.0 mà cụ thể là công nghệ IoT giúp mọi việc trở nên đơn giản hơn nên được các chủ nhà yến ở Phú Yên mạnh dạn ứng dụng để phát triển bền vững nghề nuôi này.

Còn ông Lê Phạm Anh Tuấn (kỹ thuật viên Công ty TNHH Yến sào Khang Châu) cho biết: “Việc sử dụng hệ thống IoT giúp người nuôi yến quản lý nhà yến tốt hơn. Phần mềm ứng dụng có thể truy xuất nguồn gốc tổ yến để phục vụ cho thị trường xuất khẩu chính ngạch, không lo tổ yến mất giá, khó bán. Ngoài ra, hệ thống IoT trong nhà yến còn có một số chức năng nâng cao khác như sử dụng cả hai hệ thống điện: điện mạng lưới và điện dự phòng UPS. Dùng hệ thống 2 loa ru hoạt động xen kẽ để đảm bảo tuổi thọ amply (thiết kế sự hoạt động từng loa xen kẽ, không bao giờ hoạt động cùng lúc. Hệ thống phun sương tạo ẩm theo cảm biến với thời gian hoạt động chủ động (ví dụ tạo ẩm ban ngày 80-85%, ban đêm tắt tạo ẩm để chim yến không bị lạnh vào những tháng mùa đông). Hệ thống cảnh báo sự cố nhà yến qua tin nhắn điện thoại (hư hỏng thiết bị, máy móc, thiếu nước, máy tạo ẩm…). Cảm biến đếm số lượng chim yến trong nhà nuôi. Ghi nhận điện năng tiêu hao của nhà yến, phát hiện loa, amply bị hỏng. Ứng dụng có thể cài đặt lịch trình hoạt động lên đến 365 ngày nên khi người nuôi yến phải đi xa thì tính năng này sẽ giúp trông nom nhà yến…

“Chỉ cần có smartphone, người nuôi yến có thể điều khiển dễ dàng các hệ thống như điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm… và các thông số kỹ thuật khác rất tiện lợi. Quy trình nói trên đảm bảo tạo môi trường thuận lợi nhất cho yến sinh sống và làm tổ; nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ yến; theo dõi, kiểm soát tốt tình trạng nhà yến mọi lúc, mọi nơi”, ông Lê Phạm Anh Tuấn cho biết thêm.

Còn theo anh Võ Hoài Nam, chủ nhà yến Hữu Nghị 2 (huyện Phú Hòa), giải pháp nuôi yến ứng dụng công nghệ này gần như đảm nhận tất cả vai trò kỹ thuật như theo dõi môi trường nhà yến, theo dõi tình trạng và cài đặt chế độ hoạt động các thiết bị trong nhà yến theo lịch trình… Mọi dữ liệu liên quan đều được hiển thị hoặc có thể truy xuất bằng thiết bị di động. Qua đó giúp giảm nhân công lao động trực tiếp, tạo được môi trường ổn định cho yến phát triển, giúp người nuôi giám sát từ xa qua internet. Thực tế cho thấy, các nhà yến thường có 3 tầng, diện tích mỗi tầng khoảng 8x16m, nên việc điều chỉnh nhiệt độ và độ ẩm bằng phương pháp thủ công là rất khó. Với ứng dụng này, quy trình nuôi yến hoàn toàn chuyển sang tự động, không còn hình thức thủ công. Hệ thống sẽ tự động theo dõi mọi thông số hoạt động ở từng cảm biến. Khi phát hiện bất thường, hệ thống sẽ cảnh báo để người nuôi có thể can thiệp kịp thời. Với hệ thống phần mềm theo dõi các thông số môi trường và điều khiển các thiết bị nhà yến; tủ điện điều khiển tất cả các thiết bị cho nhà yến (loa, máy phun sương, máy tạo mùi, đèn chống cú…); thiết bị cảm biến theo dõi nhiệt độ, độ ẩm không khí, giá cả các phần mềm này dao động từ 15-50 triệu đồng/bộ nên cũng khá phù hợp cho chủ nhà yến.

Hợp tác khoa học kỹ thuật

Ông Phạm Duy Khiêm cho biết, hiện nay một trong những giải pháp lâu dài cho nghề nuôi yến là cần có sự phối hợp giữa các viện nghiên cứu, các trường đại học, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có kinh nghiệm về nuôi chim yến, nhằm đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhân nhanh đàn, biện pháp phòng trừ dịch bệnh, công nghệ bảo quản và chế biến các sản phẩm sau thu hoạch từ tổ yến. Bên cạnh đó, cần phải áp dụng công nghệ hiện đại kết hợp với bảo vệ môi trường sinh thái, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đủ sức cạnh tranh với thị trường quốc tế; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả của các cá nhân, tổ chức về thành quả nghiên cứu khoa học phát triển nghề nuôi chim yến. Do đó, sự đầu tư cho nghiên cứu KH-CN của Nhà nước ở lĩnh vực này còn chưa đúng mức, chưa tương xứng với tiềm năng so với nhu cầu từ các hoạt động phát triển bền vững quần thể chim yến và mở rộng quy mô, chất lượng sản phẩm của nghề này.

Vì vậy, để đẩy mạnh ứng dụng KH-CN cũng như kỹ thuật vào các hội viên, mới đây, Hội Yến sào Phú Yên đã ký thỏa thuận hợp tác với Trường cao đẳng Nghề Phú Yên nhằm đẩy mạnh đào tạo nghề và phát triển KH-CN. Mục tiêu của thỏa thuận hợp tác này là đào tạo nghề, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho hội viên; đào tạo, phát triển công nghệ và ứng dụng, chuyển giao công nghệ phục vụ cho nghề nuôi yến ở Phú Yên…

Để đưa KH-CN vào nghề nuôi yến, Sở KH-CN cũng vừa thông qua với dự án Bảo tồn và phát triển nguồn gen chim yến đảo tại tỉnh Phú Yên và đề nghị UBND tỉnh phê duyệt để triển khai thực hiện trong năm 2022. Dự án do ThS Nguyễn Thanh Hải làm chủ nhiệm. Đơn vị chủ trì là Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến sào Khánh Hòa. Thời gian thực hiện dự án 36 tháng, từ tháng 3/2022-3/2025 với kinh phí thực hiện hơn 7,6 tỉ đồng.

Dự án thực hiện nhằm bảo tồn định danh nguồn gen chim yến đảo tại Phú Yên; phát triển và khai thác bền vững tổ yến từ đàn chim yến đảo tại các hang đảo vùng ven biển tỉnh, kết hợp phát triển kinh tế, du lịch, bảo vệ môi trường, bảo vệ quốc phòng - an ninh, biển đảo trên địa bàn tỉnh. Theo đánh giá của các nhà khoa học, dự án được triển khai sẽ đem lại hiệu quả về kinh tế, xã hội như: tạo ra nguồn giống chim yến hàng vô cùng quý giá, nguồn giống quan trọng này là nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững nguồn tài nguyên yến sào đảo thiên nhiên ở Phú Yên. Đồng thời nâng cao sản lượng và chất lượng yến sào, phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương, tăng cường xuất khẩu sản phẩm, phát triển và khẳng định thương hiệu yến sào Phú Yên…

UBND tỉnh vừa phê duyệt Quy hoạch vùng, làng nghề nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Ngoài việc đảm bảo môi trường sinh thái, phát triển bền vững, mục tiêu quy hoạch phát triển các vùng, làng nghề nuôi chim yến còn để đảm bảo phát triển tổng thể về kinh tế - xã hội, góp phần quản lý các nhà yến trên địa bàn tỉnh; phát triển nghề mới, nghề nuôi chim yến trong nhà gắn liền với phát triển bền vững và bảo vệ quần thể chim yến mang tính hiệu quả cao, tạo sản phẩm hàng hóa yến sào, tạo nguồn thu và giải quyết công ăn việc làm cho cộng đồng xã hội. Bên cạnh đó, định hướng nuôi chim yến tập trung, đảm bảo phát triển phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh; ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật, quy trình công nghệ nuôi chim yến phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu tại Phú Yên.

VĂN TÀI

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/79/274684/ung-dung-khoa-hoc-ky-thuat-vao-nghe-nuoi-yen.html